Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37965

Bảo hộ công dân trong đại dịch Covid – 19 Kỳ 2: Đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu

Quyền của một quốc gia được bảo hộ công dân khi họ đang ở nước ngoài là một khía cạnh của luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, việc bảo hộ công dân càng đặt ra cấp thiết đối với mỗi quốc gia. Với Việt Nam, công tác bảo hộ công dân thời gian qua đã được thực hiện tốt nhằm bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Ðảng và Nhà nước về giúp đỡ, hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân. Theo thống kế của Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao), số lượng công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm, cụ thể năm 2017 có 8.024 người, năm 2018 có hơn 10 nghìn người, năm 2019 là 13.643 người và năm 2020 là 21.384 người. Tổng đài tư vấn có liên quan đến bảo hộ công dân ở nước ngoài đã tăng gấp 10 lần so với lúc bắt đầu năm 2015.

Trong đó, có nhiều vụ việc phức tạp, thu hút dư luận trong nước. Ví dụ, trong vụ việc hải quân Trung Quốc bắt giữ 6 ngư dân của Việt Nam, Bộ Ngoại giao lập tức đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh xác minh, làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Nhiều vụ việc nghiêm trọng khác Việt Nam cũngcó đường lối xử lý đúng đắn, thực hiện bảo hộ công dân hiệu quả như vụ tàu biển Việt Nam bị cướp biển tấn công và bắt giữ thuyền viên; bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và xét xử tại Malaysia, đoàn du khách Việt Nam thăm Ai Cập bị đánh bom, chiến tranh xảy ra ở Libya, vụ việc 39 người bị chết trên xe tải ở Anh,…

Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Nhà nước ta đã triển khai giúp đỡ hàng nghìn công dân Việt Nam ổn định đời sống, bảo hộ tài sản, tính mạng, sức khoẻ và các quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong nước và nước ngoài tổ chức hàng trăm chuyến bay về nước an toàn, phù hợp với năng lực cách ly. Với ngân sách hạn hẹp, nhưng Việt Nam lại là một số ít các quốc gia đưa công dân mắc kẹt về nước một cách bài bản, chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn các điều kiện phòng chống dịch với số lượng lên đến hơn 90 nghìn người ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể thấy, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ của quốc gia đối với công dân với việc luôn nhấn mạnh và coi trọng bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, đặt tính mạng, an toàn của người dân lên hàng đầu.

Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng hơn 5 triệu người Việt Nam định cư ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới sự tác động của xu hướng toàn cầu hoá, công dân ra nước ngoài ngày càng tăng về cả số lượng và thành phần như: du học, thực tập sinh, tham quan, lao động, đầu tư, kết hôn với nước ngoài,… Đáng chú ý, những khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc tập trung hàng nghìn phụ nữ Việt Nam sang kết hôn; ở Úc có khoảng 12 nghìn du học sinh. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có khoảng hơn 500 nghìn lao động người Việt ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Nhật Bản, Mông Cổ, Trung Quốc,… Sự gia tăng về thành phần và hình thức di trú phức tạp như vậy đặt ra công tác bảo hộ ngày càng khó khăn do vẫn còn hiện tượng người lao động tự ý bỏ việc, lao động trái phép, làm hợp đồng cá nhân, nhiều người bị lừa sang xuất khẩu lao động sống lang thang, phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm,… là những vấn đề nan giải khi thực hiện công tác này. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà họ không đăng ký công dân với cơ quan đại diện dẫn đến khi có vấn đề phát sinh như tai nạn, rủi ro… xảy ra đối với họ thì chưa thể khẳng định ngay họ có phải công dân Việt Nam hay không để tiến hành bảo hộ, giúp đỡ. Để thực hiện điều này, cơ quan đại diện phải mất nhiều thời gian xác minh khi tiếp nhận thông tin. Đồng thời nguồn tài chính để chi trả và mua vé máy bay đưa họ về nước cũng chỉ có thể dựa trên nguyên tắc tạm ứng hoặc có bảo lãnh, đặt cọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *