Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30318

Xuyên tạc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Họ không muốn Việt Nam có dân chủ thực sự?

 

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự án luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, là sự cụ thể hóa những quy định mới trong Hiến pháp 2013 – nhấn mạnh tư tưởng chủ quyền Nhân dân; bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng là bước đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Có thể nói, đây là một thành tựu không chỉ dừng lại ở vấn đề lập pháp mà còn là bước tiến trong việc khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Vậy nhưng, trên một số trang tiếng Việt như BBC, RFA…, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại ra sức xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chẳng hạn trên BBC đăng bài viết “Việt Nam: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước đột phá hay chỉ chỉnh sửa hình thức?”. Sau khi viện dẫn quy định của luật về việc chính quyền phải công khai kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đất đai, hoạt động tài chính… trên địa bàn xã, bài viết xuyên tạc rằng: “… khi thực hiện chính quyền xã có thể chọn lựa thông tin để công khai hay sàng lọc, đưa vào mục “bí mật’”. Có nghĩa là người dân không được thông tin về mọi sự, dù chỉ ở phạm vi làng xã của mình”. Bài viết này đã phơi bày sự 2 luận điệu xuyên tạc trắng trợn sau:

Thứ nhất, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định rõ về những nội dung chính quyền cơ sở phải công khai cho nhân dân biết, đó là kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đất đai, hoạt động tài chính… trên địa bàn xã. Những nội dung không công khai, không được công khai là những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Như vậy, bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều cần có và phải có văn bản pháp luật quy định về bí mật nhà nước để bảo vệ lợi ích của mình.

Thứ hai, bài viết xuyên tạc rằng, “người dân không thể biết, nếu không có báo chí tự do, đứng độc lập với cơ quan công quyền” và “xã hội dân sự ở đâu?”; “dân không thể bàn, nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập”… lộ rõ cái “đuôi chồn”, bản chất chống phá. Mục đích bài viết là đòi hỏi sự tồn tại của cái gọi là “báo chí tự do”, “xã hội dân sự”…

Ví dụ khác, trên RFA cũng có bài viết: “Quốc hội thông qua một Luật đảm bảo cho người dân mở miệng, nhưng… nó lạ lắm”. Ngay tiêu đề của bài viết đã cho thấy sự hằn học, giọng điệu “chợ búa” nhằm hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, xa hơn là hạ thấp vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam. Trong bài viết, với những lập luận mơ hồ, ngụy biện, thiếu căn cứ, tác giả bài viết xuyên tạc rằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở “đẹp như trong mộng” và “người dân thực sự cũng chẳng ai quan tâm đến nó, giống như cách chúng tôi không hề quan tâm đến việc họp tổ dân phố và bầu cử đại biểu Quốc hội”… Và cũng như bài viết trên BBC, mục đích thật sự của bài viết này là xúi giục, kích động rằng: “…chỉ khi trong xã hội có các tổ chức đối trọng nhằm giám sát và kiểm soát lẫn nhau, thì sự độc đoán chuyên quyền mới có khả năng bị triệt tiêu. Dân chủ chỉ có thể thực hiện khi mọi người dân được chính quyền bảo đảm an toàn và tự do khi muốn bày tỏ chính kiến và quan điểm trong khuôn khổ pháp luật”. Thực chất, đây là những luận điệu nhằm tuyên truyền cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam. Luận điệu của họ là trong nền chính trị Việt Nam phải tồn tại các nhóm chính trị, các chính đảng khác nhau để đa dạng hóa đường lối cho nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới đảm bảo cho một nền dân chủ.

Thực tế, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có những điểm mới, tiến bộ thúc đẩy dân chủ thực sự so với những quy định trước đây.

Trước hết, với tính chất là văn bản Luật của Quốc hội thể chế hóa quyền dân chủ của Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013, Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ngoài các quyền được cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, quyết định các nội dung theo quy định của Pháp luật, Luật bổ sung quyền được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, Luật cũng quy định các nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghĩa vụ tham gia ý kiến vào các nội dung, vấn đề được lấy ý kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia của mình hoặc của người đại diện theo ủy quyền; chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Để Nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, Luật đã quy định theo hướng bổ sung các nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi để người dân được biết, tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Đồng thời, Luật bổ sung các quy định để đa dạng hóa các hình thức thông tin.
Luật đã cũng bổ sung quy định công dân sinh sống tại cộng đồng dân cư có sáng kiến đề xuất các công việc trong nội bộ cụm dân cư, tổ dân phố không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội và có 1/3 chữ ký đồng thuận của cử tri tại cộng đồng dân cư thì gửi Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ Dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư thảo luận, quyết định. Quy định này nhằm tăng cường việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về nghị quyết của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng; trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Với mục tiêu, quan điểm, nhất là những quy định mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *