Nhân chuyến thăm bàn tăng cường hợp tác với Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Việt Nam đàm phán với Áo một loạt vấn đề, trong đó có đề nghị Áo có chính sách cho vay ưu đãi hơn, ưu tiên ODA cho Việt Nam, đặc biệt đối với những dự án trong các lĩnh vực y tế, môi trường, đào tạo nghề, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, nội dung đàm phán này đã bị Việt Tân xuyên tạc thành “Việt Nam đi năn nỉ xin viện trợ nước ngoài” và “Đất nước Việt Nam rộng lớn hơn nước Áo 4 lần, dân số đông hơn Áo Quốc gấp 11 lần. Đảng Cộng sản Việt Nam lại xin nước Áo viện trợ ODA!”. Không dừng ở đó, các phần tử cơ hội, phản động theo đuôi “Việt Tân” lập tức “đồng thanh kéo bè” bịa đặt, bôi đen sự thật bằng những comment hằn học, bất chấp đúng sai như “xin quen rồi nên ko ngại xin”; “gọi là ăn mày thế giới”; “ở Việt Nam có một xóm chuyên nghiệp đi ăn mày về lấy tiền xây biệt phủ”…
Trước luận điệu xuyên tạc trắng trợn, hằn học đó, ông Trần Phụng Anh Kiệt đưa ra ý kiến bình phẩm:
Trước hết, phải khẳng định rằng, với gần 20 hoạt động diễn ra từ ngày 23/7 – 25/7/2023, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thành công tốt đẹp. Đây là chuyến thăm Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua và chuyến thăm diễn ra ngay sau dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Alexander Van der Bellen đã chủ trì hội đàm cấp cao, trao đổi, thống nhất nhiều nội dung quan trọng như định hướng hợp tác, biện pháp để đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Áo. Trong đó, có việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, văn hóa, nghệ thuật; thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thúc đẩy ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với thủy sản Việt Nam… Kết quả hội đàm và lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ Ngoại giao hai nước đã được thông tin tới báo chí.
Thông tin đầy đủ về chuyến thăm hữu nghị cấp cao này, những hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn cấp cao đều được các cơ quan báo chí truyền thông của Việt Nam (TTXVN, báo Nhân Dân, Tin tức, Thanh Niên, Tuổi trẻ…) và của Áo (Kronen Zeitung (krone.at); Kênh truyền hình Puls24.at; Báo Tiêu chuẩn (derstandard.de); nhiều trang thông tin khác của Áo như kurier.at, wienerbezirksblatt.at, regionews.at,…) đưa tin đậm nét. Truyền thông của Việt Nam và Áo đều đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các hoạt động dày đặc, trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương…
Thực tế đó cho thấy, ở vị thế một nguyên thủ quốc gia, trong các cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp cao, trao đổi… với Tổng thống Alexander Van der Bellen, Chủ tịch Thượng viện Áo Claudia Arpa hay PGS, TS. Alfred Gerstl, chủ tịch Hội hữu nghị Áo – Việt Nam cùng một số lãnh đạo địa phương của Áo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không hề “ra oai”, song cũng không đi “năn nỉ”, “ăn xin” như “Việt Tân” suy diễn, bịa đặt. Cho nên, việc “Việt Tân” tự suy diễn và cho rằng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng “đang đi xin viện trợ nước người ta mà lại giở giọng như là chủ nhà” là bôi đen sự thật; là cố tình bôi nhọ Chủ tịch nước.
Thứ hai, theo Điều 1, khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. Cũng theo Bộ Ngoại giao, vốn vay ODA của Áo là tín dụng xuất khẩu có mức độ ưu đãi trung bình và Áo cam kết yếu tố không hoàn lại cho các dự án nước này tài trợ ít nhất đạt 35% theo quy định của OECD… Nguồn vốn ODA vay của chính phủ Áo thích hợp cho các dự án cần nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ hiện đại, chất lượng cao. Trong khi đó, tín dụng ưu đãi của Áo đang được sử dụng để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực như giao thông đường sắt, trang thiết bị y tế, phòng cháy chữa cháy, đào tạo nghề; nhất là các dự án ODA Áo triển khai tương đối nhanh do đã xác định nhà cung cấp từ khâu chuẩn bị dự án…
Hơn nữa, Áo và Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác tài chính khung từ năm 2015 và được gia hạn hiệu lực đến tháng 8/2023 (Chính phủ Áo cam kết tổng số vốn sẽ tài trợ ưu đãi cho chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiệu lực của Hiệp định từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2023 là 100 triệu euro). Thực tế trước đó, Chính phủ Áo cũng đã tài trợ nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm Điều hành phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an.
Cho nên, trong khuôn khổ chuyến thăm này, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Áo có chính sách cho vay ưu đãi hơn, ưu tiên ODA cho Việt Nam, ưu tiên cho những dự án trong các lĩnh vực y tế, môi trường, đào tạo nghề, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn… là cần thiết và phù hợp. “Việt Tân” nên nhớ cho rõ là, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị chứ không phải “yêu cầu”; đề nghị chứ không phải “năn nỉ”, nên đừng có ngớ ngẩn và nực cười khi cố tình cho rằng Chủ tịch nước “đi xin” mà như “giọng chủ nhà”. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chẳng bao giờ nghĩ mình là “chủ nhà ở Áo” và càng không khi nào “nghĩ rằng ông ta là chủ tịch của các nước tư bản?” như “Việt Tân” đâm thọc.
Nói cho đến cùng thì “Việt Tân” chỉ rình xem có cái cớ nào là cào bàn phím bịa đặt, xuyên tạc. Song tiếc rằng, vì chả tìm thấy kẽ hở nào, nên “Việt Tân” và “nhóm bè” cơ hội, phản động đành vin vào việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Chính phủ Áo dành ưu đãi ODA cho Việt Nam để xuyên tạc sự thật và phủ nhận thành công của chuyến thăm Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước. Phải chăng, xuất phát từ vị thế của kẻ ngày ngày vác rá đi xin xỏ, xin đểu, cướp bóc, lừa đảo kiều bào suốt mấy chục năm qua, nên Việt tân mới nghĩ ra được cái trò đâm bị thóc chọc bị gáo, từ bụng ta suy ra bụng người kiểu này. Thật chẳng khác nào tự tay vả miệng mình!