Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23200

Trò bẩn xuyên tạc quyết tâm và thành quả chống tham nhũng!

Phàm những gì chúng ta làm tốt, kẻ thù sợ hãi thì chúng càng chống phá là đại ý trong một phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả rất đúng. Trước quyết tâm chống và dọn dẹp tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính quyền đang khiến người dân đặt niềm tin ngày càng cao vào vai trò lãnh đạo, cầm cân nảy mực của Đảng Cộng sản Việt Nam thì …dĩ nhiên, những thành phần chống phá Đảng, Nhà nước ta càng điên cuồng xuyên tạc, bôi nhọ, bịa đặt, phủ nhận. Chẳng hạn, ngày 24/8/2023 trên trang Faceboook của Việt Tân tác giả Gia Minh viết: “Tham nhũng từ đảng mà ra…chống tham nhũng nhưng năm sau nhiều hơn năm trước, nhiệm kỳ sau nhiều hơn nhiệm kỳ trước, đốt lò kiểu gì mà đốt mãi không hết, Đảng sinh ra tham nhũng rồi chống tham nhũng, người đốt lò cũng chẳng thấy thế mà biết xấu hổ, vẫn giữ chặt ghế vì “còn tín nhiệm”, Đảng tự nhận là vinh quang, là trong sạch vững mạnh?”.

Giọng điệu xuyên tạc này không có gì mới nhưng ẩn chứa nhiều ý đồ thâm độc, vì trong giai đoạn hiện nay Cấp ủy đảng các cấp, đã và đang triển khai, thực hiện Kế hoạch của Bộ Chính trị về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XIV để chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng của Việt tân. Bình luận và phản bác trò hề này, cây bút Lê Mây đưa ra mấy ý kiến xác đáng như sau:

Thứ nhất, tham nhũng là một phạm trù lịch sử, nó xuất hiện ngay khi có sự phân chia giai cấp và sự hình thành của Nhà nước, tham nhũng nó tồn tại và phát triển ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhìn lại lịch sử Việt Nam  ta thấy, cha ông ta tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử mà có các hình thức, biện pháp phòng chống tham nhũng phù hợp. Thời Lý, Triều đình đã có những quy định về việc xử phạt quan lại tham ô, tham nhũng, vua Lý Thái Tông năm 1042, đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên – Hình thư (năm 1042). Đến Triều đại Lê sơ, vua Lê Thánh Tông, năm 1483 đã ban hành Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). Đến thời vua Gia Long đã ban hành Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) năm 1815. Đến thời vua Minh Mạng, năm 1831 ban hành Luật Hồi ty. Như vậy ta thấy, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, nó gây nguy hại cho sự phát triển của các quốc gia và là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói nghèo cho người dân. Tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử, các quốc gia có các biện pháp phòng chống tham nhũng khác nhau. Nguồn gốc của tham nhũng là kết quả kết hợp của sử dụng quyền lực nhà nước với lòng tham của con người. Là sự lạm dụng, tha hóa quyền lực của người có chức, có quyền. Tham nhũng là  hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế – xã hội lỏng lẻo, xã hội mất dân chủ, không minh bạch.

Thứ hai, hiện nay đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Bởi, nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi vì sao thời gian qua chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. Nếu như trong nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta tập trung xử lý các sai phạm xảy ra từ những năm trước, thì gần đây có nhiều vụ, việc mới xảy ra, cho thấy vẫn có một số cán bộ, đảng viên “chưa biết sợ”. Đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần chỉ rõ: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng. Thời gian gần đây Bộ Chính trị quyết định bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tiêu cực; từ đây, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực bước sang giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa “xây” và “chống”, giữa phòng chống tham nhũng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ ba, nhìn ra thế giới ta thấy, tham nhũng là vấn nạn trên toàn cầu, xảy ra trên mọi lĩnh vực. Tình trạng tham nhũng ngày càng có xu hướng phát triển sâu rộng, tinh vi và khó ngăn chặn. Chính vì thế, tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mê-hi-cô để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc. Công ước này được đánh giá là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tham nhũng. Tính đến năm 2020, Công ước đã có 187 thành viên, trong đó có 181/193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc. Việt Nam chính thức là thành viên của Công ước kể từ ngày 19-8-2009. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI ). Chỉ số được dùng để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước hằng năm. Theo số liệu công bố ngày 18-10-2005 của CPI, có tới 2/3 trong số 159 nước thăm dò có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng.

Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho thấy, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội. Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong 3 năm gần đây cho thấy: Năm 2020 là 36/100 điểm, xếp hạng 104/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, GDP đạt khoảng 268,4 tỷ USD; năm 2021 là 39/100 điểm, xếp hạng 87/180 và GDP vào khoảng 366,1 tỷ USD, đến năm 2022 là 42/100 điểm, xếp hạng 77/180, GDP đạt 409 tỷ USD. Những số liệu nêu trên cho ta thấy, tính hiệu quả tích cực về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Mặc dù đánh giá và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế về lĩnh vực này, chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng qua đó Việt Nam cũng có thể thấy được tình hình tham nhũng của đất nước mình, từ đó xác định được vị trí, tương quan giữa mức độ tham nhũng của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trước thực tế cảm nhận về tham nhũng đã có những thay đổi theo hướng tích cực, điều này thể hiện người dân kỳ vọng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ tư, tham nhũng, tiêu cực luôn là vấn nạn của quốc gia và khiến nhân dân xói mòn niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, vì vậy công tác phòng chống tham nhũng được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, và đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; với cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; xử lý cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cả đương chức cũng như nghỉ hưu, để cán bộ “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng” và “không muốn tham nhũng” đã thực sự tạo ra bước chuyển biến rất mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống tham nhũng; bên cạnh đó Ðảng ta đã dũng cảm thừa nhận và coi tham nhũng là nguyên nhân gây mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Từ đó, Ðảng đã đưa ra cam kết chính trị trước Nhân dân: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước”.

Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là người lãnh đạo có uy tín cao trong Đảng, trong Nhân dân và trong cộng đồng quốc tế; đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tinh thần xả thân cống hiến cho độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Mặc dù tuổi đã cao nhưng với nhiệt huyết cách mạng sục sôi và động cơ cống hiến trong sáng, không vì lợi ích riêng của bản thân và gia đình; không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch “đánh bóng tên tuổi, tham quyền cố vị…”. Đồng chí Tổng Bí thư cùng tập thể lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã phất cao ngọn cờ chống tham nhũng, lộng quyền, với biểu tượng chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có hiệu quả như lúc này. Trên tinh thần đó, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng đã được kết tinh từ kinh nghiệm thực tiễn và lý luận sâu sắc về công tác xây dựng đảng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ Đảng viên, quần chúng trong đấu tranh đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tăng cường và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân xây dựng đất nước ta này càng giàu đẹp, văn minh./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *