Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17685

Thực thi các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 về phòng chống mua bán người Kỳ 3: Kiên quyết ngăn chặn

Tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế định kỳ phổ quát UPR chu kỳ 3 (năm 2019), trên cơ sở xem xét tích cực và thiện chí Việt Nam đã chấp thuận 242/291 khuyến nghị (83%) trong đó có 9 khuyến nghị về phòng chống mua bán người đặc biệt là phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người

Hợp tác quốc tế, minh bạch thông tin

Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng.Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, mua bán sang Trung Quốc chiếm 75%.

Bộ Công an đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (ASEANPOL); lực lượng chức năng các nước láng giềng, các nước có đông nạn nhân là người Việt Nam để trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định cơ quan đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán.

Duy trì kênh liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ và các nước, các tổ chức quốc tế nhằm cung cấp thông tin về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, để có đánh giá khách quan về công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam trong Báo cáo thường niên về tình hình mua bán người trên thế giới.

Ngăn chặn tội phạm mua bán người

Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, cơ quan Thường trực phòng, chống tội phạm các cấp phải làm tốt vai trò tham mưu cho Chính phủ và UBND các cấp chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả Quyết định số 193/TTg (ngày 09/02/2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 130/CP giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê theo dõi toàn diện về công tác phòng, chống mua bán người.

Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7”. Phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, nhất là các địa bàn trọng điểm. Duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả; lồng ghép và truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học.

Ba là, tổ chức điều tra cơ bản nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người. Điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Hằng năm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm trên các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; phối hợp chặt chẽ trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự vụ án mua bán người; lựa chọn án điểm và tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án mua bán người; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em.

Bốn là, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin; hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật; sơ kết, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán cũng như về chế độ, chính sách hỗ trợ; quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội…

Năm là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống mua bán người; xây dựng hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất trong hoạt động xét xử các vụ án mua bán người, nghiên cứu xây dựng án lệ; rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý hộ tịch, tăng cường kiểm tra công tác hộ tịch, đăng ký kết hôn, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.■

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *