Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
61465

“Phóng viên không biên giới”: nhân danh “tự do báo chí” để đổi trắng thay đen!

Dường như sứ mệnh của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) là đội lốt đấu tranh tự do báo chí để nhắm vào các quốc gia như Việt Nam bị họ xếp vào “danh sách không thân thiện” với ý thức hệ tư bản. Mới đây, ngày 5/3/2022 là “lần thứ n” RSF lại xếp Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số tự do báo chí.

Các chỉ số cụ thể của Việt Nam được nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170.Trong bảng xếp hạng này, RSF đã vu cáo rằng: “các phóng viên và blogger độc lập thường bị bỏ tù”. Tổ chức này còn tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho một số hội nhóm, cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam như “nhóm Báo sạch”, “Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”, ca ngợi những đối tượng như Phạm Thị Đoan Trang.

Ngay sau khi công bố của RSF được đưa ra, một số tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị, những hãng truyền thông hải ngoại vốn định kiến với Việt Nam được dịp trích dẫn, bình luận kiểu “tát nước theo mưa”. Đài Á Châu Tự do (RFA) nhanh chóng tung hứng: “Tự do báo chí ở Việt Nam rất “ổn định ở nhóm chót bảng xếp hạng” cho rằng: “Nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn ổn định đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí”; “chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 do Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố ngày 3/5 xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ….Thống kê của RSF cho thấy có chừng 40 nhà báo đang bị giam cầm tại những nhà tù vốn có tiếng là ngược đãi tù nhân ở Việt Nam. Trong số những người đang bị cầm tù có những người thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhóm Báo Sạch và bà Phạm Đoan Trang…”. VOA Tiếng Việt cũng hàm hồ vào hùa: “Việt Nam tiến một bậc trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí, mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, dù có thêm nhiều nhà báo bị bắt giữ và xét xử trong khi chính quyền thắt chặt thêm việc kiểm soát đối với truyền thông và tự do ngôn luận…”.


Được biết, Tổ chức Phóng viên không biên giới là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, hoạt động dựa trên Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền với mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức này có tôn chỉ mục đích mỹ miều và cao quý là vậy, thế nhưng những hoạt động của tổ chức này dường như đang đi ngược lại mục đích của tổ chức khi được thành lập. Tuy nhiên, trái ngược với những ngôn từ mỹ miều tâng bốc tôn chỉ, mục đích trên giấy, từ ngày thành lập đến nay, RFS nổi danh với các hoạt động xuyên tạc, chống phá bất chấp thủ đoạn đê hèn để phục vụ mưu đồ chính trị đen tối của thế lực cung cấp tài chính, nuôi dưỡng nó. Nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc RSF đứng đằng sau những vụ việc phức tạp, gây rối, bất ổn, kích động bạo lực. Đối với Việt Nam, báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới thường niên vu cáo, xuyên tạc trắng trợn thực tế khách quan khi cho rằng các cơ quan báo chí đều hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam nên “nguồn tin độc lập duy nhất mà hiện nay người dân có thể tiếp cận chính là từ các blogger và nhà báo tự do”. Tổ chức này thay trắng đổi đen, dựng chuyện chính quyền cộng sản “đang tìm cách đàn áp và sách nhiễu nhiều blogger thông qua việc sử dụng công an thường phục”; vu cáo đã có nhiều blogger và nhà báo tự do bị bỏ tù bởi các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam…

Việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp. Chính vì vậy, tổ chức này tìm cách bênh vực cho những đối tượng khoác áo, mượn danh nhà báo như “nhóm Báo sạch”, “Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”… Họ cố ý khoác áo nhà báo, ca ngợi, tán dương cho những kẻ hoạt động chống phá Việt Nam.

Dễ hiểu, RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí thiếu tính bao trùm, không cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt. Phần lớn những thông tin được đưa ra là không khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất mà đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại.

Thân sinh là một tổ chức phi chính phủ, tuy nhiên quỹ hoạt động của RSF lại đến phần lớn từ Chính phủ Pháp và Chính phủ Mỹ thông qua nhiều con đường khác nhau như thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED). Tuy mục đích hoạt động là bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, nhưng RSF không đưa ra khái niệm về “tự do báo chí”, tức là tổ chức này đã không hình thành được một định nghĩa và cách hiểu cơ bản về tự do báo chí, những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí không cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt mà những đánh giá và xếp hạng của tổ chức này luôn dựa vào “danh sách đen” của Bộ Ngoại giao Mỹ, mà trong “danh sách đen” này luôn có tên Việt Nam. Việc lấy tiêu chuẩn của “tự do báo chí” của Mỹ và phương Tây để đánh giá tự do báo chí toàn cầu đã khiến Việt Nam và những nước như Iran, Syria, Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc đã nhiều lần “bức xúc” trước quy cách đánh giá “vô thiên vô pháp” và vô cùng phiến diện của tổ chức này.

Ở mặt khác, Tổ chức Phóng viên không biên giới lại “giả mù, giả điếc”, không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và các đồng minh như việc 176 người hoạt động trên lĩnh vực truyền thông bị giết hại tại Philippines từ năm 1986 đến nay, hay việc 16 nhà báo bị giết chết trong một lần NATO không kích Đài truyền hình Nam Tư (RTS) cũng tuyệt nhiên không được nhắc đến trong bất cứ một bản báo cáo nào. Có vậy chúng ta mới có thể thấy sức mạnh của “đồng đôla” có thể xoay chuyển cục diện của một tổ chức phi chỉnh phủ hoặc tiến xa hơn đó là sức mạnh “đổi trắng thay đen” một cách trắng trợn.

Trên thực tế, từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận. Việt Nam hiện có hơn 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, gần 800 cơ quan báo chí và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt ở Việt Nam với khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95%; 70,1% dân số Việt Nam  dùng Facebook… Đây là minh chứng cụ thể khẳng định những thành thành tựu to lớn, vững chắc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam và sự chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà Việt Nam tham gia.

Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mỗi công dân và cộng đồng thì tự do phải gắn liền, nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đây là nguyên tắc tối thượng của các quốc gia dân chủ, văn minh, trong đó có Việt Nam. Cùng với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để thực thi hành vi tung tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, kéo bè, lập phái chống đối nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều tra, bắt giữ, truy tố những đối tượng vi phạm pháp luật, tự xưng là “Nhà đấu tranh cho dân chủ”, “nhà báo tự do”,… dưới dạng là bloger chuyên viết bài, làm video clip,… với nội dung xuyên tạc sự thật, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,…

Việt Nam không có “các nhà báo bất đồng quan điểm bị giam cầm” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị xét xử, giam giữ theo đúng quy định của pháp luật. Những thành tựu quan trọng thể hiện quan điểm tiến bộ, nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong suốt những năm qua đã được người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trò hề bịt mắt bưng tai, lá mặt lá trái, thay trắng đổi đen của RSF từ lâu đã bị cộng đồng bóc mẽ, đấu tranh lên án. Cái gọi là “bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới” vẫn đều đặn xuất hiện hàng năm hoàn toàn phi pháp, vô giá trị…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *