Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
69943

Bổ nhiệm sai cán bộ là mối nguy lớn đối với đất nước và xã hội

Trong nền kinh tế thị trường, tham nhũng trong công tác cán bộ có quan hệ chặt chẽ với tham nhũng trong hoạch định chính sách, tham nhũng kinh tế. Vì vậy, trong công tác cán bộ cần phải bắt đầu bằng triệt tiêu các khả năng, con đường, phương thức tạo nên hành vi tham nhũng của cả chủ thể, đối tượng, đối tác tham gia. Nói một cách giản đơn, chính là phải tác động vào chính người “chạy”, người được “chạy” và người trung gian, người đứng sau “hậu trường” cũng như các phương thức diễn ra tệ “chạy chức”, “chạy quyền”.

Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và vận động toàn dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chống tham nhũng; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo thì cần phải rà soát, bổ sung, sửa đổi để ban hành những quy định mới về công tác cán bộ; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng tăng cường phân cấp quản lý cán bộ cho cấp trực tiếp quản lý, sử dụng; tăng thẩm quyền về công tác cán bộ cho người đứng đầu và giám sát quyền lực chặt chẽ bằng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong công tác cán bộ. Đặc biệt phải dân chủ, công khai, minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

ảnh minh họa

Phải có các chính sách và cơ chế để giữ những cán bộ đã qua đào tạo, cần được giáo dục, rèn luyện thường xuyên để giúp họ tránh xa lợi ích vật chất tầm thường, không sa vào hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật… Còn với những cán bộ đã thoái hóa biến chất cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… cũng cần nhận diện, đánh giá đúng để kiên quyết loại ra khỏi bộ máy.

Để khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ thiếu khách quan “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, tư tưởng định kiến, hẹp hòi, cục bộ, phải đi sâu tìm hiểu bản chất của mỗi cán bộ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Việc thẩm tra, xác minh lựa chọn cán bộ cần được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, trung thực, thực hiện đúng quy trình để có kết luận chính xác về phẩm chất, năng lực của cán bộ; không để tình trạng nhận xét, đánh giá cảm tính. Đối với những vấn đề nhạy cảm như: đánh giá cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ, có thể biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng với đó, cần thực hiện đúng quy định tham khảo ý kiến của các cấp, các ngành có liên quan bằng những phương pháp thăm dò ý kiến phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.

Bổ nhiệm sai cán bộ là mối nguy lớn đối với đất nước và xã hội, bởi nó chính là nguồn gốc, nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực; làm suy yếu tổ chức; khiến quần chúng và cán bộ, đảng viên bức xúc, chán nản, mất niềm tin… Để khắc phục những “lỗ hổng” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thời gian vừa qua, tại nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đã tiến hành thi tuyển với chức danh lãnh đạo cấp huyện, sở, vụ, cục. Người dự thi đủ tiêu chuẩn sẽ phải trình bày đề án khi được bổ nhiệm cương vị mới trước hội đồng. Công tác cán bộ thêm một bước rà soát và đánh giá lại để chọn được những người đủ năng lực, trí tuệ phục vụ công việc. Hình thức thi tuyển đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, có đánh giá của Hội đồng sẽ giúp chọn được những người có tài, năng lực và tránh được những tiêu cực trong bổ nhiệm người nhà, người thân “làm quan

Thời gian qua có tình trạng làm đúng quy trình, đúng thủ tục, nhưng khi đã đề bạt, bổ nhiệm thời gian rất ngắn thì cán bộ vi phạm. Rõ ràng làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng chọn không đúng người. Vì vậy, chọn đúng người, nắm bắt được về triển vọng, tương lai phát triển của cán bộ cũng như về đạo đức và năng lực của cán bộ là vấn đề hết sức quan trọng.

Xuân Hòa

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *