Nhắc đến các mạng xã hội, không ai không biết đến Facebook, Instagram, Twitter, Zalo, YouTube, TikTok,… Tại Việt Nam, hầu hết mạng xã hội đều đã xuất hiện và thu hút được số lượng một lượng người dùng nhất định. Tuy nhiên, có một mạng xã hội xuất hiện ở Việt Nam như những “bóng ma” lờ mờ, không phất lên được. Đó chính là Twitter.
Mạng xã hội Twitter rất phát triển ở các nước phương Tây, nhưng khi về đến Việt Nam, Twitter phải buộc lòng nhường chỗ cho Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất và đang chiếm được nhiều cảm tình từ người dùng.
Twitter là một nền tảng mạng xã hội ra đời vào năm 2006. Theo số liệu thống kê của Statcounter, Twitter mặc dù đang đứng sau Facebook về lượng người dùng, nhưng khoảng cách về số lượng người dùng giữa hai nền tảng này lại cách nhau khá xa. Twitter chiếm 14.29% người dùng trên thế giới, còn Facebook thì con số lên đến khoảng 65% người dùng.
Theo thống kê trên trang Brand Ninja: Hiện có 65 triệu tài khoản người dùng Facebook tại Việt Nam vào năm 2019, hơn 35 triệu người dùng Zalo, 5 – 8 triệu người dùng Instagram, 12 triệu tài khoản đăng ký trên TikTok, nhưng chỉ dưới 1 triệu người dùng trên Twitter.
Vậy lý do gì mà Twitter ở Việt Nam lại nằm “thoi thóp” thế này?
Không cần Twitter nữa, Facebook đã đáp ứng đủ mọi nhu cầu rồi:
Nếu bạn muốn đăng ảnh kèm những dòng caption cực chất câu like vù vù, OK! Facebook có. Nếu bạn muốn tham gia các nhóm học tập, nhóm có cùng sở thích, nhóm tìm việc làm, OK! Facebook có luôn. Nếu bạn muốn chơi game giải trí, hẹn hò, xem video live stream, Facebook: “Không thành vấn đề!”. Chưa hết, Facebook còn là một khu chợ online miễn phí để bạn có thể mua bán trên đó.
Trong khi đó, các tính năng của Twitter rất hạn chế, không phong phú như Facebook. Ngoài các chức năng cơ bản như tweet trạng thái, tin tức kèm hình ảnh, theo dõi các chủ đề và nhắn tin thì Twitter còn thiếu rất nhiều các tính năng mở rộng như Facebook. Ngoài ra, Twitter còn giới hạn số ký tự caption (tối đa 280 ký tự), khiến người dùng không thể đăng tải những dòng trạng thái dài hơn.
Bản thân mình là một người rất thích viết lách. Thỉnh thoảng tâm tư xáo trộn hoặc cảm thấy lãng mạn thì lại đột nhiên muốn xuất khẩu thành văn để chia sẻ với bạn bè.
Giả sử mình muốn đăng lên Twitter, nhưng chỉ có thể đăng một đoạn ngắn tầm 70 – 80 chữ là cùng thì làm sao tả hết tâm tư của mình lúc ấy. Nên mình lại thôi. Dùng Facebook luôn cho nhanh. Đỡ mất công chuyển qua chuyển lại giữa hai nền tảng. Thế là Twitter lại “lép vế”.
Thói quen của người dùng:
Các tài khoản trên Twitter hoạt động hoàn toàn công khai. Họ thảo luận và theo dõi các chủ đề cùng quan tâm hoặc đăng tải và bình luận cũng đều mặc định hiển thị dưới dạng công khai. Còn trên Facebook, các tài khoản có thể theo dõi và chia sẻ thông tin theo cách riêng tư hơn.
Chẳng hạn người dùng Facebook có thể tùy chọn chế độ chia sẻ hình ảnh, status như công khai, bạn bè, chỉ mình tôi,… Người Việt cũng có thói quen trò chuyện và thoải mái chia sẻ với người quen biết nhiều hơn, còn với người lạ thì có phần dè chừng, mặc dù thời nay giới trẻ có phần sống thoáng hơn.
Facebook ngoài là nơi để mọi người đọc tin tức thì đó cũng là nơi để mọi người thỏa sức với những sáng tạo, giải trí và sở thích. Trong điều kiện bắt buộc phải ở nhà làm việc để tránh dịch, các group về công việc bếp núc, trang trí nhà cửa,… như group Yêu bếp, Nghiện nhà,… tập hợp những người khéo léo, yêu thích nấu ăn cùng tham gia và trò chuyện.
Còn Twitter, tuy vẫn có những chủ đề như thế này, nhưng đa phần là các bài đăng theo dạng hashtag, mà hashtag thì đa phần người Việt không có thói quen này. Vấn đề này mình sẽ nói rõ ở mục dưới.
Người Việt chúng ta thường có thói quen đi theo đám đông, bạn bè mình sử dụng Facebook nhiều thì mình cũng dùng để dễ liên lạc, kết nối. Cứ như thế, chúng ta sẽ ở lại với Facebook lâu hơn do thói quen, và công việc lẫn học tập phụ thuộc vào Facebook rất nhiều. Do đó, sẽ rất khó để chuyển luôn sang một mạng xã hội mới mà không có nhiều bạn bè tham gia.
Facebook phổ biến ở Việt Nam đến nỗi lứa tuổi U50 khi tham gia mạng xã hội cũng lựa chọn Facebook đầu tiên, bởi con cháu và anh em họ hàng đều sử dụng và giới thiệu Facebook cho họ. Có thể nói, Facebook hầu như trở thành một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt, nếu không muốn nói là “chất gây nghiện” cho mọi người.
Hashtag là một khái niệm mới và người Việt vẫn chưa quen dùng hashtag:
Hashtag nổi lên từ Twitter và bắt đầu phổ biến hơn với người dùng trên các trang mạng xã hội trong những năm gần đây. Hashtag có chức năng nhóm tất cả thông tin có cùng chủ đề lại với nhau và được nhận diện bằng dấu #. Mỗi bài đăng có chèn hashtag sẽ được nhóm lại, chỉ cần tìm kiếm theo hashtag, bạn có thể theo dõi toàn bộ thông tin về chủ đề đang được mọi người quan tâm.
Tháng 6/2013, Facebook cũng cập nhật tính năng Hashtag cho người dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, hashtag đã dần quen thuộc hơn với người Việt thông qua các xu hướng, các chương trình online/offline. Nhưng phần lớn người Việt vẫn hiếm khi sử dụng hashtag trong các bài đăng của mình. Lý do đơn giản nhất là họ vẫn chưa hiểu rõ mục đích thật sự của việc hashtag.
Ngược lại, Instagram và Twitter là hai hệ thống mạng xã hội phát triển mạnh về hashtag để tìm kiếm thông tin, sự kiện, hình ảnh. Và hashtag chính là điểm mạnh của Twitter. Nếu người dùng thật sự không hiểu được ý nghĩa của điều này, Twitter khó mà chiếm được thị phần lớn tại thị trường Việt Nam.
Mà dù nhiều người dùng hashtag đi nữa, nhưng chỉ cứ #hashtag linh tinh, lung tung, ti tỉ thứ gi gỉ gì gi, cái gì cũng có thể hashtag, điển hình như là hashtag #hotgirl, #hotboy #đẹptraithìmớicónhiềuđứayêu,… đâm ra đôi khi làm loãng hệ thống hashtag, thậm chí còn bị đánh giá là spam.
Tạm kết
Thực ra, bản thân mình cũng có hứng thú với Twitter vì có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới sử dụng mạng xã hội này, thường xuyên đăng tải, cập nhật tin tức của họ cũng như tình hình công nghệ, tài chính, chính trị,… trên toàn cầu.
Đặc biệt là nắm bắt được các Top Trending toàn cầu nhanh chóng, chính xác, ví dụ như hashtag #PrayForParis năm 2015 – sự kiện thành phố Paris bị tấn công, hay là #COVID-19, #StayAtHome, #WorkFromHome,… trong đại dịch corona.
Hơn nữa, giao diện của Twitter mới lạ, bắt mắt và dễ theo dõi cũng là một điểm cộng cho Twitter. Nhưng vì bạn bè mình đa số dùng Facebook, công việc và học tập cũng ghim luôn trên Facebook. Và như mình đã nói, mình thích caption dài nên Facebook vẫn là một sự lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, mình vẫn đăng ký một tài khoản trên Twitter để theo dõi một số chủ đề mà mình quan tâm và để nắm bắt tình hình thế giới.
Nhìn chung, theo mình thì Twitter không có gì mới mẻ với người dùng Việt. Màu sắc của Twitter có lẽ hơi mờ nhạt và không thật sự thú vị với người Việt. Ngay với các mạng xã hội mới nổi như TikTok cũng thu hút lượng lớn người dùng ở Việt Nam hơn bởi tính độc đáo của nó.
Để thu hút nhiều lượt người dùng hơn có lẽ Twitter phải bổ sung các tính năng mới đa dạng hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dùng toàn cầu hơn nữa. Nếu không, Twitter ở Việt Nam sẽ chỉ là cánh chim cô đơn giống như chính biểu tượng của nó!
Có một thời gian, giới zân chửi Việt hò nhau đổ bộ sang Twitter, nhưng rồi với mức tương tác kém nên rút cục chỉ có một số anh chị zân chửi giỏi tiếng Anh, hay xin fund hoặc làm báo cáo nhân quyền ăn lương của tổ chức NGO nước ngoài, nhất là giới zân chủ Việt hải ngoại vẫn duy trì Twitter. Lướt trang của họ, chỉ thấy rặt những tin bài xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam, tag những viên chức chính trị cơ quan đại diện ngoại giao hay đại diện các NGO nước ngoài, phóng viên mấy đài BBC, RFA, VOA kiểu như chia sẻ tin tức để ủng hộ nhau lan truyền vậy. Rặt không có chút tương tác nào từ cộng đồng mạng. Vậy nên, dù rất bất mãn với Facebook, Youtube nhưng các nhà zân chửi, cờ vàng lưu vong vẫn không dám rời bỏ.