Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
62298

Những thủ đoạn nham hiểm xuyên tạc ngoại giao cây tre của Việt Nam

 

Khai thác, xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc, hòng phá hoại các mối quan hệ song phương, phủ nhận chính sách, lập trường ngoại giao của Việt Nam là thủ đoạn, chiêu trò quen thuộc của những kẻ chống phá, điển hình lợi dụng xung đột Nga-Ukraine hay chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây.

Khi xảy ra sự kiện chiến tranh Nga – Ukraine, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, xuyên tạc về cách ứng xử của Việt Nam để chống phá. Chúng sử dụng mạng xã hội, mạng internet đăng tải các bài viết vu cáo Việt Nam thực hiện “ngoại giao đu dây”, “không dám thể hiện lập trường”; rồi chúng kêu gọi, kích động bạo lực với cộng đồng người Nga tại Việt Nam; đưa ra yêu cầu Việt Nam phải “đổi mới” đường lối đối ngoại… Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế luôn rất rõ ràng là: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia.

Gần đây nhất, chúng đang xuyên tạc chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc. Đây là sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và thế giới; được đánh giá có ý nghĩa to lớn, phát triển mối quân hệ truyền thống Việt Nam – Trung Quốc. Song, lợi dụng sự kiện này, các đối tượng chống đối đã đẩy mạnh hoạt động chống phá, đưa thông tin xuyên tạc lạc, sai trái nhằm tấn công Đảng, Nhà nước Việt Nam, tâm điểm là nhằm vào xuyên tạc chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Chúng rêu rao rằng “chính sách ngoại giao của Việt Nam là chính sách tầm gửi, ăn bám vào thân cây khác để sống”, “ngoại giao cây tre của Việt Nam không có mục đích phục vụ lợi ích đất nước và dân tộc mà chỉ nhằm phục vụ cho Đảng”. Một số diễn đàn khác thì xuyên tạc rằng: “Việt Nam sợ Trung Quốc”, “Việt Nam thần phục Trung Quốc, làm gì cũng phải xin chỉ đạo của ông tập Cận Bình”. Thậm chí, có kẻ còn ác ý xuyên tạc: “Ông Trọng sang Trung Quốc sẽ bị đầu độc như ông Nguyễn Bá Thanh và ông Đinh Thế Huynh trước đây”.

Có thể thấy, thủ đoạn của các thế lực phản động gia tăng cường độ, tần suất và diện bao phủ của thông tin xuyên tạc chủ trương đối ngoại của Việt Nam, tập trung vào những nội dung như:

Thứ nhất, tìm cách cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác, tác động, lôi kéo, mua chuộc các đối tác từ bên ngoài để gây sức ép, tác động vào bên trong đất nước; quốc tế hóa những vấn đề nội bộ của Việt Nam.

Thứ hai, thông tin sai lệch việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta. Luận điệu mà chúng tập trung xuyên tạc nhiều là: “nền ngoại giao của Việt Nam còn lạc hậu, đường lối bị động, một mặt, hội nhập do thiếu bản sắc nên bị hòa tan, mặt khác, lại cục bộ, “chọn bên” nên chưa có sức ảnh hưởng, thiếu cả độ rộng lẫn chiều sâu, nên đối ngoại chưa đủ sức giữ vị trí tiên phong để bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc”.

Thứ ba, lợi dụng các vấn đề đối ngoại để xuyên tạc các lĩnh vực có liên quan, âm mưu “một mũi tên trúng nhiều đích”, nhất là xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm về chủ quyền, kinh tế, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Trong quá trình đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương của ta, các thế lực thù địch thường xuyên thông tin sai lệch tác động lên các đối tác của ta, gây sức ép để quá trình đàm phán bất lợi, hòng đan cài những vấn đề chính trị trong các nội dung kinh tế…

Thứ tư, bóp méo thông tin về mối quan hệ Việt Nam với các nước lớn dưới các chiêu bài xuyên tạc, kích đọng hận thù, chia rẽ. Một trọng tâm mà hiện nay chúng tấn công chống phá là tung ra luận điệu dưới dạng khẩu hiệu tuyên truyền, xuyên tạc, như: “bài Trung”, “thoát Mỹ”, “bỏ Nga”. Bởi vậy, các thế lực phản động, thù đich cứ rình rập để xuyên tạc mỗi khi diễn ra sự kiện liên quan Việt Nam với các nước đó.

Thứ năm, chống phá trước, trong và sau các hội nghị ngoại giao lớn do Việt Nam tổ chức. Trước hội nghị, chúng tung tin sai lệch về tình hình đất nước, về công tác chuẩn bị hội nghị, về đường lối ngoại giao để gây nhiễu, rối, loạn thông tin, kêu gọi “tẩy chay” sự kiện. Trong hội nghị, tiếp tục gửi các “thư ngỏ”, “kiến nghị” đến các đoàn, cơ quan ngoại giao nước ngoài yêu cầu can thiệp các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…. Sau hội nghị, chung đưa ra các đánh giá hạ thấp, bôi đen, phủ định thành công của sự kiện, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, ngay từ khi mới thành lập Đảng năm 1930, đặc biệt từ khi thành lập nước năm 1945, Việt Nam luôn ý thức rõ về giá trị tự lực, tự cường, quyết “đem sức ta mà giải phóng cho ta” trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn hòa bình ở khu vực và trên thế giới, không có chủ trương xâm phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Việt Nam luôn không ngừng mở rộng tấm lòng, mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hai bên đều có lợi. Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò nước chủ nhà tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại quốc tế. Đó là minh chứng thiết thực, có ý nghĩa to lớn cụ thể hóa vào thực tiễn chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là bằng chứng sinh động, thuyết phục, đanh thép phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, từ năm 1949, khi được nhà báo Harold Issacs hỏi về việc tình hình Trung Quốc sẽ có ích cho công cuộc độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn trả lời: “Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam”. Đối với Mỹ, từ năm 1941, Hồ Chí Minh tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với lực lượng Mỹ đồn trú ở Trung Quốc; năm 1945, thiết lập được mối quan hệ với Mỹ và các lực lượng Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật. Ngày 29/8/1945, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Archimedes L.A.Patti (Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược OSS ở Hoa Nam) là người nước ngoài duy nhất được Hồ Chí Minh mời nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và trao đổi về một số chủ trương, kế hoạch tương lai của Việt Nam. L.A.Patti là một trong số ít người nước ngoài được Hồ Chí Minh mời dự lễ công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 và trên khán đài hôm đó nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.

Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã nhiều lần chỉ rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc. Bác khẳng định: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”, “Thực lực mạnh ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”…

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước ta cũng khẳng định sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của đất nước. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có việc Đảng, Nhà nước Việt Nam “ăn bám”, lợi dụng, phụ thuộc vào nước khác để có thể phát triển. Về chính sách “ngoại giao cây tre”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mô tả hết sức chi tiết, đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!

Bởi vậy, những luận điệu xuyên tạc, tấn công chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đều là hoạt động chống phá đất nước, đều bị pháp luật Việt Nam trừng trị. Mọi hoạt động đóng góp cho đối ngoại Việt Nam phát triển, làm tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đều được hoan nghênh, tôn trọng, cần được biểu dương, khích lệ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *