Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29279

Lợi dụng xử lý sai phạm nồng độ cồn để xuyên tạc, chống phá

Thời gian qua, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất nhiều vụ tai nạn thương tâm.Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định. Dư luận rất đồng tình với những động thái quyết liệt này nhằm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Thế nhưng có những kẻ chống phá kiểu như bút danh Trà My lại tìm cách bẻ lái dư luận với những suy diễn cực đoan nhắm vào những người thực thi pháp luật trong lĩnh vực giao thông. Trong bài viết trên mạng xã hội có cái tít rất xấc xược: “Siết chặt tự do ngôn luận quá mức, Tô Lâm coi chừng sập cả chế độ”, kẻ có tên Trà My này đưa ra rất nhiều luận điệu suy diễn chủ quan, bậy bạ. Chẳng hạn như hắn công kích rằng: “Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm, liên tiếp đề xuất các chính sách móc túi dân và hành dân, như mới đây là chính sách kiểm tra nồng độ cồn ráo riết quá mức…”. Hoặc liên quan đến một số công dân bị xử phạt hành chính thậm chí bị xử lý hình sự vì liên quan đến việc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến việc cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông, Trà My lu loa lên rằng: “Tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam hình sự hóa quyền tự do ngôn luận của công dân, như vụ việc ở Lai Châu kể trên, một lần nữa cho thấy, chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do biểu đạt của người dân, quyền được hiến định trong Hiến pháp”. Thực sự đó là những luận điệu sàm bậy, hoàn toàn sai trái, là sự suy diễn sai lệch đối với một chính sách được đại bộ phận người dân ủng hộ: kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông.

Theo thông tin của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra từ năm 2022 thì rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia. Khi đó, con số này có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Đến 2024, tình trạng dù đã được kiểm soát tốt hơn nhưng vẫn còn rất nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy chế tài xử phạt đã khá đầy đủ và nghiêm khắc, hoạt động truyền thông cũng rất sâu rộng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù, phạt hành chính ở mức cao và bị tước bằng lái xe.

Việc xử lý nghiêm vấn đề nồng độ cồn thời gian qua theo tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cùng với đó, có rất nhiều thông điệp được tuyên truyền như: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”…Nhưng hiệu quả của việc thực hiện những thông điệp này đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Trước các cuộc vui, nhiều người vẫn uống rượu bia rồi lái xe mà không quan tâm gì đến các chế tài nghiêm khắc và các thông điệp tuyên truyền này. Do vậy, một trong những giải pháp căn cơ là phải thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia, đặc biệt là uống rượu bia rồi thì không lái xe. Việc dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế không phải mới và đây là một trong các giải pháp. Bên cạnh đó theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (đứng thứ 2 trong Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia). Đây là tỉ lệ rất đáng báo động. Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Do đó, theo quan điểm của Bộ Công an khi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Bộ Công an nhấn mạnh quy định cấm người lái xe sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó lái xe. Chưa kể ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Thậm chí có trường hợp mà như Trà My lu loa lên là “siết chặt tự do ngôn luận”. Đó là một trường hợp cụ thể nhưng khá điển hình: Đó là trường hợp một Facebooker ở Than Uyên, Lai Châu bị công an triệu tập và phạt hành chính 7,5 triệu đồng, vì đưa tin sai sự thật, xuyên tạc. Facebooker này đã chụp ảnh lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, và đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Kèm theo đó là những lời bình luận thiếu văn hóa, xúc phạm, nhằm mục đích câu like, tăng tương tác, và thông báo cho bạn bè biết vị trí có chốt kiểm tra của cảnh sát để né tránh.

Theo Điều 10 Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định, những việc người dân giám sát công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. người dân được quyền quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ, phải thực hiện bên ngoài khu vực cho phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc cho phép người dân quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn chặn hành vi tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên cần lưu ý, việc quay phim, chụp ảnh phải khách quan, trung thực, không được cắt ghép chỉnh sửa. Trường hợp cắt ghép nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cảnh sát giao thông, lợi dụng vào đó kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia chống phá chính quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trường hợp cụ thể ở Lai Châu như trên bị xử phạt là hoàn toàn đúng chứ không phải như những luận điệu kiểu như Trà My nói rằng đó là “bóp nghẹt dư luận” hay “từ chối phản biện”. Những kẻ như Trà My với tâm địa xấu xa và đầu óc cực đoan nên luôn có cái nhìn tiêu cực về mọi mặt trong xã hội, kể cả một chiến dịch mang ý nghĩa xã hội rất tốt như “kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông” mà Bộ Công an cùng nhiều đơn vị khác khởi xướng, từ đó lợi dụng chuyện “nồng độ cồn” để suy diễn, xuyên tạc nhằm công kích, chống phá chế độ.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *