BBT xin chuyển đến bạn đọc bài báo “We are witnessing the fall of a great power” của Crispin Hull, cựu biên tập viên của Thời báo Canberra do ông Ngô Mạnh Hùng biên dịch, nội dung mổ xẻ “sự thối nát” của hệ thống chính trị Hoa Kỳ bị dịch bệnh CoVid-19 phơi bày. Hản những fan cuồng Donald Trump và giới zân chủ Việt không muốn đọc những bài báo kiểu này! Tuy nhiên bài báo cho chúng ta thấy góc nhìn của giới trí thức phương Tây với nền chính trị nước Mỹ hiện nay nói chung và bản thân Tổng thống Donald Trump nói riêng, thông qua đó họ cảnh báo giới chính trị gia nước mình đừng đi vào vết xe đổ của nước Mỹ trước khi quá muộn.
Nguồn: https://www.canberratimes.com.au/story/6827090/we-are-witnessing-the-fall-of-a-great-power/)
Hệ thống chính trị của Hoa Kỳ thối nát đến mức nào? Câu trả lời là rất thối, vì chỉ một cú đá nhẹ là toàn bộ tòa nhà sẽ đổ nhào, chứ đừng nói đến một cú hích lớn như COVID-19.
Ý tưởng này mới nghe cũng viển vông như nói về sự sụp đổ của cường quốc Liên Xô vào năm 1987, khi Tổng thống Ronald Reagan đưa ra yêu cầu khét tiếng: “Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này”. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, một chút rạn nứt trong Bức màn sắt ở biên giới Hungary-Áo đã khiến chúng ta chứng kiến toàn bộ hệ thống Đông Âu sụp đổ.
Hầu như không ai dự đoán được điều đó, ngoại trừ đáng chú ý là nhà bất đồng chính kiến Liên Xô Andrei Amalrik. Amalrik không được biết đến nhiều như những nhà bất đồng chính kiến khác như Andrei Sakharov và Alexander Solzhenitsyn vì ông ta đã bị chết trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 1980 – nhưng trước đó các bài viết của ông ta đã được chuyển lậu sang phương Tây. Amalrik không giống như những người bất đồng chính kiến khác, những người chỉ mong tìm kiếm cuộc sống ở phương Tây và làm dịu đi một chút đường lối cứng rắn của Liên Xô khi vẫn còn dưới chế độ cộng sản (vì mong muốn kết thúc chế độ đó dường như chỉ là một sự vô vọng).
Thay vào đó, Amalrik chỉ ra một cách chi tiết sự mục ruỗng cố hữu của hệ thống cộng sản Liên Xô, mà theo ông ta là sẽ biến mất vào năm 1984. Ông ta đã không quá xa rời. Ông ta chỉ ra những trường hợp mà một cường quốc không thể chống lại sự tự huyễn hoặc khi họ tự cho mình là không thể bị phá hủy.
Charles King, Giáo sư về các vấn đề quốc tế và chính phủ tại Đại học Georgetown ở Washington, DC, đã viết một bài luận trên tạp chí Foreign Affairs gần đây nhất phác thảo lý thuyết về sự phân rã quyền lực lớn của Amalrik, rất khéo léo tránh việc liên tưởng trực tiếp nó vào trường hợp nước Mỹ. King viết: “Phái lạc quan”, như Amalrik gọi – xu hướng trong các xã hội có vẻ ổn định tin rằng “lý trí sẽ thắng thế” và “mọi thứ sẽ ổn thỏa” – chỉ là một sự quyến rũ. Kết quả là, khi khủng hoảng giai đoạn cuối xảy đến, có thể sẽ là bất ngờ, khó hiểu và thảm khốc, với những nguyên nhân tưởng chừng như rất nhỏ nhặt, hậu quả lại dễ dàng có thể khắc phục nếu các nhà lãnh đạo chính trị làm điều đúng đắn, để không ai có thể tin được nó lại đến mức như vậy…
“Năm 2020, đúng 50 năm kể từ khi nó được xuất bản, tác phẩm của Amalrik có một sự hợp thời đến kỳ lạ. Anh ta quan tâm đến cách một cường quốc xử lý nhiều cuộc khủng hoảng nội bộ – sự chùn bước của các thể chế trật tự trong nước, sự xảo quyệt của các chính trị gia không ngoan cố và thuần túy, những chấn động đầu tiên của sự bất hợp pháp có hệ thống. Anh ta muốn hiểu logic đen tối của sự hòa tan xã hội và những lựa chọn chính trị rời rạc tổng hợp như thế nào để có thể dẫn đến kết quả khải huyền”.
Hãy nhìn vào Hoa Kỳ bây giờ. Tổng thống của nó bị rối loạn tâm thần với lòng tự ái cực đoan đến mức ông ta không có khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 một cách mạch lạc và thấu cảm. Mọi điều ông ta nói và làm đều qua lăng kính của chính mình. Giờ đây, ông ta đã biến toàn bộ chiến dịch tái tranh cử của mình thành một chiến dịch chống lại sự căm ghét chủng tộc, luật pháp, trật tự và điều tưởng tượng kỳ lạ về mối đe dọa từ “những kẻ phát xít cánh tả”.
Nhưng tệ hơn, Mỹ dường như có một sự tự huyễn hoặc dân tộc chỉ nghĩa rằng một khi Trump thua và ra đi, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Sự ảo tưởng kéo dài dẫn đến niềm tin rằng nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ phục hồi trở lại bình thường theo hình chữ V.
Trump chỉ là một triệu chứng của sự thối nát tiềm ẩn như một phần không thể thiếu của nó, ngay cả khi việc ông ta tìm cách thu hút các nhà lãnh đạo độc tài ở Nga, Trung Quốc và Triều Tiên là điều chưa từng có.
Điểm yếu cơ bản của nền dân chủ Hoa Kỳ hiện nay là chế độ đảng phái đã trở nên cực đoan đến mức quốc gia này không có khả năng giải quyết các vấn đề lớn phải đối mặt. COVID-19 đã minh họa điều đó một cách rõ ràng, với mọi lời nói và hành động đều chỉ dựa trên lòng trung thành với lợi ích của đảng phái. Trong khi đó, những vấn đề khác như chủng tộc, bạo lực của cảnh sát, kiểm soát súng, bất bình đẳng, hệ thống y tế, biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng vẫn chưa được quan tâm.
Động cơ của đảng “phía bên kia” thường xuyên bị phỉ báng mà không có bằng chứng. Đảng Dân chủ bị đổ lỗi cho mọi thứ. Đảng Cộng hòa không thể làm sai. Và ngược lại cũng vậy, chỉ trích Dân chủ nhằm vào Cộng hoà, dù ở mức độ thấp hơn. Tất cả đều bị chính trị hoá, dù đúng hay sai.
Trong một vòng tròn nhân quả luẩn quẩn, mệnh lệnh chiến thắng bằng mọi giá ăn mòn quy trình chính trị, và quy trình chính trị bị ăn mòn khiến cho chiến thắng bằng mọi giá càng trở nên cấp thiết hơn.
Tổng thống Trump đã làm cho tất cả những điều này trở nên tồi tệ hơn nữa, nhưng hạt giống đã có từ rất lâu trước đó. Ông ta đã bổ nhiệm những kẻ ngu dốt bất tài vào các vị trí cao cấp nhất trong nội các và bộ máy hành chính của ông ta. Ông ta đã phá hoại Tòa án Tối cao bằng các cuộc bổ nhiệm dựa trên chính trị, không phải luật.
Trong một thời gian dài, quy trình bầu cử đã bị phá hỏng bởi các thống đốc bang vạch ra ranh giới bầu cử không công bằng khiến Đảng Cộng hòa có số đại diện quá lớn trong Quốc hội so với số phiếu của mình, và đã thắng cử tổng thống hai lần trong thế kỷ này với tỷ lệ phiếu bầu thấp hơn.
Quá trình bầu cử cũng đã bị phá vỡ bởi hành vi hối lộ núp dưới các khoản quyên góp chính trị. Một vòng luẩn quẩn khác đã xuất hiện. Tòa án tối cao chính trị hóa từ năm 2010 trở đi đã từ chối kiểm soát các khoản quyên góp chính trị của các công ty và cá nhân – do đó có lợi cho Đảng Cộng hòa.
Các khoản quyên góp từ các tỷ phú, chủ yếu cho đảng Cộng hòa, do đó đã tăng vọt từ chỉ 17 triệu USD năm 2008 lên 611 triệu USD năm 2018 – và đang tăng lên. Điều này dẫn đến các chính sách nghiêng về người giàu và những người bảo thủ, và do đó gây ra sự bất bình đẳng lớn hơn. Những chính sách này bao gồm tham gia vào các cuộc chiến tranh ở những nơi xa xôi, nơi lợi ích thực sự duy nhất của Hoa Kỳ lại thuộc về những kẻ trục lợi chiến tranh. Đổi lại, những chính sách này dẫn đến nhiều khoản quyên góp hơn từ các tỷ phú, những người được hoàn trả gấp nhiều lần, và những người hiện có quyền kiểm soát quá trình nhiều hơn nếu không muốn nói là nhiều cử tri hơn.
Đáng buồn thay, chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ – với ảo tưởng “chúng ta là nền dân chủ đầu tiên và tốt nhất trên Trái đất” – góp phần vào việc tự huyễn hoặc mình về sự không thể phá hủy. Không có gì có thể tự động sửa chữa trong nền dân chủ Hoa Kỳ. Ngay cả những cái gọi là kiểm tra và cân bằng cũng không hoạt động – chúng đang gây ra bế tắc, thay vì thêm một chút thận trọng vào một hệ thống được cho là hướng đến việc giải quyết vấn đề, chứ không phải vì việc cho điểm chính trị.
Hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã trở nên sai lệch đến mức khiến những người bị mất quyền và bị tước quyền đang xuống đường, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của toàn bộ hệ thống này. Câu hỏi duy nhất là liệu việc xuống đường có thể phá vỡ những vòng luẩn quẩn này không, hay đó chỉ là một bước nữa trên con đường dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của một cường quốc.
Dù điều gì xảy ra chăng nữa, Australia không được phép đi xa hơn theo hướng mà Mỹ đã đi trong vài thập kỷ qua.
Tuấn Thanh