Bài nghiên cứu “How the U.S. is Able to Dictate to the Rest of the World” của tác giả Pete Dolack đăng trên tapjn chí CounterPunch được ông Ngô Mạnh Hùng biên dịch lý giải lý do vì sao và dựa vào đâu mà Hoa Kỳ có thể “độc tài” với phần còn lại của thế giới. Bài viết cũng sẽ cung cấp cho chúng ta cơ sở vì sao Hoa Kỳ phải can thiệp, thao túng và luôn thay đổi sách lược khiến thế giới bất ổn, xung đột, chia rẽ… bởi đó chính là cơ sở giúp Hoa Kỳ duy trì vị thế “đơn cực” hiện nay.
===
Chính phủ Hoa Kỳ có thể áp đặt ý chí của mình lên hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Phần còn lại của thế giới, ngay cả một số nước đế quốc mạnh nhất của Bắc bán cầu, cũng nằm phủ phục dưới chân Mỹ. Đâu là nguồn gốc của sức mạnh dường như bất khả xâm phạm này? Tất nhiên, điều đó sẽ dẫn đến câu hỏi tiếp theo: Nó có thể tồn tại trong bao lâu?
Mỹ có động thái chống lại bất kỳ quốc gia nào dám hành động dựa trên niềm tin và mục tiêu rằng nguồn lực của họ phải dành cho lợi ích của người dân hơn là tối đa hóa lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia hoặc ưu tiên phúc lợi của công dân hơn lợi nhuận của công ty, hoặc đơn giản là từ chối chấp nhận sự sai khiến phải làm theo cách của các tập đoàn tư bản, nghĩa là không được tự tổ chức nền kinh tế của quốc gia.
Quân đội thường xuyên được sử dụng, cũng như Liên hợp quốc bị thao túng, trở thành cánh tay đắc lực của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các biện pháp trừng phạt là một công cụ được sử dụng thường xuyên, được áp đặt lên các quốc gia, ngân hàng và tập đoàn không có sự hiện diện tại Hoa Kỳ và hoạt động kinh doanh hoàn toàn bên ngoài Hoa Kỳ. Mỹ có thể áp đặt ý chí của mình lên các chính phủ quốc gia trên toàn thế giới, sử dụng các thể chế đa phương để buộc các chính phủ phải hành động phục vụ lợi ích cho nguồn vốn tư bản ngay cả khi điều đó đi ngược lại với lợi ích của chính quốc gia đó và lợi ích của nhân dân mình. Và khi một quốc gia dám kiên trì không chịu khuất phục trước các yêu cầu của Hoa Kỳ, các biện pháp trừng phạt gây ra sự khốn khổ của người dân nói chung sẽ được đơn phương áp đặt để phần còn lại của thế giới buộc phải tuân theo những điều đó.
Nói tóm lại, chính phủ Hoa Kỳ sở hữu một quyền lực mà chưa có quốc gia nào nắm giữ, thậm chí kể cả nước Anh ở thời kỳ đỉnh cao của đế chế. Và chính phủ đó, bất kể đảng phái nào, cá nhân nào làm chủ Nhà Trắng hay nắm quyền kiểm soát Quốc hội, đều tàn nhẫn trong việc sử dụng quyền lực này để áp đặt ý chí của các tập đoàn tư bản.
Quyền lực này thường được sử dụng trong một lớp vỏ bao bọc của tuyên truyền rằng Hoa Kỳ đang hành động vì lợi ích của “dân chủ”, và duy trì “pháp quyền” để hoạt động kinh doanh có thể được tiến hành vì lợi ích chung. Tuyên truyền này thành công đến nỗi sự thống trị này được gọi là “Đồng thuận Washington”. Ai đã đồng ý với “sự đồng thuận” này ngoài giới tinh hoa chính trị Washington và các giám đốc điều hành công ty và nhà đầu cơ tài chính mà giới tinh hoa đại diện chưa bao giờ được làm rõ ràng. “Washington diktat” sẽ là một cái tên chính xác hơn (độc đoán Washington).
Nhiều suy đoán trong giới Cánh tả tồn tại về việc khi nào sự thống trị này sẽ kết thúc, với nhiều nhà bình luận tin rằng sự suy giảm của đồng đô la Mỹ không còn xa và có lẽ Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm mới của một hệ thống ít đế quốc hơn. Đối với Cánh hữu, đặc biệt là trong ngành tài chính, việc chuyển hướng đầu cơ như vậy còn lâu mới được biết đến, mặc dù tất nhiên là người ta lo ngại sự suy giảm của đồng đô la. Tuy nhiên, trong giới tài chính, không có ảo tưởng rằng sự kết thúc của vị thế thống trị của đồng đô la trong kinh tế thế giới là sắp xảy ra.
Chỉ có hai đối thủ có thể thách thức quyền bá chủ của đô la Mỹ: đồng euro của Liên minh châu Âu và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nhưng EU và Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng đô la, và do đó không có khả năng chống lại các mệnh lệnh của Mỹ. Hãy bắt đầu từ điều này, và sau đó chúng ta sẽ chuyển sang cơ chế bá chủ kinh tế của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, vốn dựa vào đồng đô la là đồng tiền dự trữ toàn cầu và việc tận dụng thực tế đó để kiểm soát các thể chế đa phương của thế giới và buộc toàn cầu phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
CHÂU ÂU BẤT LỰC TRƯỚC CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA MỸ
Một bài báo từ tháng 2 năm 2019 được xuất bản bởi Viện Quốc tế và An ninh Đức, thảo luận về sự bất lực của các nước EU trong việc chống lại việc chính quyền Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn cầu, thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran, đã thẳng thừng tuyên bố EU “bất lực”: “Trong việc cố gắng bảo vệ các cá nhân và thực thể có lợi ích thương mại có trụ sở tại EU khỏi tác động bất lợi của nó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu gần đây đã ít nhiều tỏ ra bất lực”.
Cơ quan lập pháp của EU, Nghị viện châu Âu, cũng không có lạc quan gì hơn. Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 11 năm 2020, đã viết điều này về Nghị viện EU đối với các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ của Hoa Kỳ : “Nỗ lực táo bạo của Nghị viện trong việc quy định hành vi của các công ty và công dân EU mà không thể yêu cầu sự tiết giảm của Hoa Kỳ trong việc thách thức EU và các Quốc gia Thành viên cũng như hoạt động và phát triển các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Phạm vi trừng phạt ngoài lãnh thổ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp EU mà còn đặt ra câu hỏi về tính độc lập chính trị và cuối cùng là chủ quyền của EU và các Quốc gia Thành viên”.
Chính phủ Trung Quốc sẽ không công khai những lo lắng như vậy. Nhưng liệu Trung Quốc có chuẩn bị tốt hơn EU? Mary Hui, một nhà báo chuyên sâu kinh tế trú ở Hồng Kông, đã viết trên tờ Quartz: “Trung Quốc thực sự dễ bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt của Mỹ so với mức họ có thể chấp nhận, ngay cả khi lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân chứ không phải ngân hàng. Đó là bởi vì hệ thống chính cung cấp năng lượng cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới giữa các ngân hàng trên thế giới, Swift, bị chi phối bởi đồng đô la Mỹ”. Chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này ngay sau đây. Kết quả của sự thống trị đó, theo bà Hui viết: “Hoa Kỳ có khả năng vượt quá quyền kiểm soát đối với bộ máy giao dịch quốc tế – hoặc, như Economist đã nói, Hoa Kỳ có vị trí đặc biệt để sử dụng chiến tranh tài chính phục vụ chính sách đối ngoại”.
Vào năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Steven Mnuchin đã đe dọa Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt như sẽ loại Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính của Mỹ nếu nước này không tuân thủ các lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng đối với Triều Tiên vào năm 2007; ông ta đã đe dọa các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với bất kỳ quốc gia nào buôn bán với Triều Tiên kể cả khi Liên hợp quốc không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Vì vậy, vào lúc này cả Brussels và Bắc Kinh, đều không có ý định thách thức quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Bởi quyền bá chủ đó dựa trên những tiềm lực rất lớn.
NỀN TẢNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI MÀ MỸ LÀ NGƯỜI KIỂM SOÁT CAO NHẤT
Việc sử dụng (hoặc thực sự là lạm dụng) của hai tổ chức tài chính đa phương lớn nhất là Ngân hàng Thế giới và IMF đã được chúng ta biết đến nhiều. Nhưng Mỹ, với tư cách là người nắm giữ nguồn vốn và quyền lực lớn nhất đã thông qua các quy tắc được thiết lập để ra quyết định, có quyền phủ quyết và do đó áp đặt ý chí của mình đối với bất kỳ quốc gia nào rơi vào tình trạng nợ nần phải vay Ngân hàng Thế giới hoặc IMF. Ngoài ra còn có các ngân hàng khu vực do Hoa Kỳ kiểm soát, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, qua đó áp đặt các mệnh lệnh của Hoa Kỳ thông qua các điều khoản cho vay của họ.
Mặt khác, cũng quan trọng như một tổ chức, là một hệ thống cơ chế tài chính đa phương mà hầu hết mọi người chưa từng nghe đến: Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, được gọi là SWIFT. Có trụ sở tại Brussels, SWIFT là nền tảng chính được các tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng “để trao đổi thông tin một cách an toàn về các giao dịch tài chính, bao gồm cả hướng dẫn thanh toán. SWIFT cho biết họ chính thức là một hợp tác xã với hơn 11.000 tổ chức tài chính thành viên tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Điều đó khiến cho nó có vẻ như là một thực thể toàn cầu thực sự. Nhưng bất chấp mô tả đó, thực tế là Hoa Kỳ vẫn nắm quyền tối cao đối với nó và những gì nó làm. Các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Tài chính, có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu giao dịch SWIFT. Các khoản thanh toán bằng đô la Mỹ có thể bị thu giữ bởi chính phủ Hoa Kỳ ngay cả khi giao dịch giữa hai thực thể bên ngoài Hoa Kỳ. Và chúng ta có một chìa khóa để hiểu thực tế đó.
Ngoài khả năng thu thập thông tin của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và địa vị của đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ của thế giới, nền tảng của hệ thống tư bản thế giới trong đó SWIFT là một thành phần rất lớn và do đó nó có thể ra lệnh giống như bất kỳ tổ chức tài chính nào khác. Tiền tệ dự trữ là gì? Định nghĩa ngắn gọn sau đây được đưa ra bởi Hội đồng Quan hệ Đối ngoại sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về nó: “Đồng tiền dự trữ là một loại ngoại tệ mà ngân hàng trung ương hoặc kho bạc nắm giữ như một phần của dự trữ ngoại hối chính thức của quốc gia. Các quốc gia giữ dự trữ vì một số lý do, bao gồm để chống lại các cú sốc kinh tế, thanh toán hàng nhập khẩu, các khoản nợ dịch vụ và kiểm soát giá trị đồng tiền của mình. Nhiều quốc gia không thể vay tiền hoặc thanh toán hàng hóa nước ngoài bằng đồng tiền của mình – vì phần lớn thương mại quốc tế được thực hiện bằng đô la – do đó cần phải dự trữ để đảm bảo nguồn cung nhập khẩu ổn định trong thời gian khủng hoảng và đảm bảo với các chủ nợ rằng các khoản thanh toán nợ bằng ngoại tệ có thể được thực hiện”.
Đồng tiền được sử dụng chủ yếu là đô la Mỹ, Hội đồng giải thích: “Hầu hết các quốc gia muốn giữ dự trữ của họ bằng một loại tiền tệ có thị trường tài chính rộng lớn và cởi mở, vì họ muốn chắc chắn rằng họ có thể tiếp cận nguồn dự trữ của mình trong thời điểm cần thiết. Các ngân hàng trung ương thường nắm giữ tiền tệ dưới dạng trái phiếu chính phủ, chẳng hạn như Kho bạc Hoa Kỳ. Thị trường Kho bạc Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là thị trường lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất – dễ dàng nhất để mua vào và bán ra ngoài thị trường trái phiếu”.
NẾU BẠN SỬ DỤNG ĐÔ LA, HOA KỲ CÓ THỂ THEO ĐUỔI BẠN
Mọi người sử dụng đồng đô la bởi vì mọi người khác sử dụng nó. Gần 2/3 dự trữ ngoại hối được giữ bằng đô la Mỹ. Dưới đây là bảng phân tích về bốn loại tiền tệ được nắm giữ phổ biến nhất, tính đến quý đầu tiên của năm 2020:
* Đô la Mỹ 62%
* Euro EU 20%
* Yên Nhật 4%
* Nhân dân tệ Trung Quốc 2%
62% đó cho phép chính phủ Mỹ có quyền không chỉ đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt mà còn buộc phần còn lại của thế giới tuân theo các biện pháp này, kết hợp với việc sử dụng đồng đô la làm tiền tệ chính trong các giao dịch quốc tế. Trong một số ngành, nó gần như là đơn vị tiền tệ duy nhất được sử dụng. Một lần nữa, chuyển sang nội dung giải thích của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại: “Ngoài việc chiếm phần lớn dự trữ toàn cầu, đồng đô la là đồng tiền được lựa chọn cho thương mại quốc tế. Các mặt hàng chính như dầu mỏ chủ yếu được mua và bán bằng đô la Mỹ. Một số quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Xê Út, vẫn cố định tiền tệ của họ với đồng đô la. Các yếu tố góp phần vào sự thống trị của đồng đô la bao gồm giá trị ổn định của nó, quy mô của nền kinh tế Hoa Kỳ và sức mạnh địa chính trị của Hoa Kỳ. Ngoài ra, không có quốc gia nào khác có thị trường cho khoản nợ của mình giống như Hoa Kỳ, với tổng số nợ khoảng 18 nghìn tỷ đô la.
Vị trí trung tâm của đồng đô la đối với hệ thống thanh toán toàn cầu làm tăng sức mạnh của các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ. Hầu hết tất cả các giao dịch được thực hiện bằng đô la Mỹ, ngay cả giao dịch giữa các quốc gia khác, đều có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt, bởi vì chúng được xử lý bởi cái gọi là ngân hàng đại lý có tài khoản tại Cục Dự trữ Liên bang. Bằng cách cắt bỏ khả năng giao dịch bằng đô la, Hoa Kỳ có thể gây khó khăn cho những người mà họ nằm trong danh sách đen kinh doanh”.
Các biện pháp trừng phạt do chính phủ Hoa Kỳ áp đặt có hiệu quả ngoài lãnh thổ bởi vì các ngân hàng không thuộc Hoa Kỳ muốn xử lý một giao dịch bằng đô la Mỹ buộc phải giao dịch thông qua một ngân hàng Hoa Kỳ; ngân hàng Hoa Kỳ tham gia giao dịch như vậy đối với các ngân hàng ngoài Hoa Kỳ nằm trong danh sách trừng phạt cũng sẽ bị trừng phạt. Cơ quan giám sát việc tuân thủ các lệnh trừng phạt, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) khẳng định rằng bất kỳ giao dịch nào sử dụng đồng đô la đều phải tuân theo luật pháp Hoa Kỳ và do đó, việc chặn quỹ “là một hoạt động thực thi quyền tài phán theo lãnh thổ ” ở bất cứ nơi nào xảy ra, ngay cả khi không có tổ chức nào của Hoa Kỳ bị liên lụy. Ngay cả việc cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ (hoặc để tải xuống) từ các máy chủ của Hoa Kỳ cũng thuộc thẩm quyền của OFAC.
Hai thước đo khác về sự thống trị của đồng đô la là khoảng một nửa số khoản vay ngân hàng xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế được tính bằng tiền Mỹ và 88% tất cả các giao dịch ngoại hối trong năm 2019 liên quan đến đồng đô la. Sự thống trị của forex phần lớn vẫn không thay đổi; con số này là 87% vào tháng 4 năm 2003.
SỰ THỐNG TRỊ CỦA ĐỒNG ĐÔ LA ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀO CUỐI THẾ CHIẾN II
Nguồn gốc của đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu bắt nguồn từ việc tạo ra hệ thống Bretton Woods vào năm 1944 (được đặt theo tên thị trấn ở New Hampshire, nơi đại diện của phe Đồng minh và các chính phủ khác gặp nhau để thảo luận về hệ thống tiền tệ sau chiến tranh khi chiến thắng trong Thế chiến II đã đến gần). Ngân hàng Thế giới và IMF đã được thành lập tại đây. Để ổn định tiền tệ và gây khó khăn hơn cho các quốc gia trong việc giảm giá trị đồng tiền của họ vì lý do cạnh tranh (để thúc đẩy xuất khẩu), tất cả các loại tiền tệ đều được neo vào đồng đô la và đến lượt đô la được chuyển đổi thành vàng ở mức 35 đô la 1 ounce. Do đó, đồng đô la trở thành trung tâm của hệ thống tài chính thế giới, củng cố sự thống trị của Hoa Kỳ.
Vào đầu những năm 1970, chính quyền Nixon tin rằng hệ thống tiền tệ Bretton Woods không còn đủ lợi thế cho Hoa Kỳ mặc dù vị trí trung tâm của nó trong hệ thống vẫn củng cố quyền độc tôn kinh tế của Hoa Kỳ. Do hệ thống cố định giá trị của một đô la Mỹ với giá vàng, nên bất kỳ chính phủ nào cũng có thể đổi số đô la dự trữ lấy vàng của Bộ Tài chính Hoa Kỳ theo yêu cầu. Nguồn cung đô la thế giới gia tăng và lạm phát trong nước làm giảm giá trị của đồng đô la, khiến giá vàng trong kho bạc thấp một cách giả tạo và do đó khiến việc đổi đô la lấy vàng theo giá cố định trở thành một thỏa thuận tuyệt vời đối với các chính phủ khác. Chính quyền Nixon đã từ chối điều chỉnh giá trị của đồng đô la, thay vào đó vào năm 1971, rút đồng đô la khỏi chế độ bản vị vàng bằng cách từ chối cho các nước đổi đô la lấy vàng theo yêu cầu. Các loại tiền tệ giờ đây sẽ trôi nổi trên các thị trường so với nhau, giá trị của chúng được đặt ra bởi các nhà đầu cơ chứ không phải bởi các chính phủ, khiến tất cả kể cả các quốc gia mạnh nhất cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực tài chính từ Hoa Kỳ.
Các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới đã tăng giá dầu một cách đáng kể vào năm 1973. Chính quyền Nixon đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn của Hoa Kỳ một năm sau đó, khuyến khích các nhà sản xuất dầu gửi lượng đô la mới của họ vào các ngân hàng Hoa Kỳ và áp dụng các chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay những đồng đô la gửi đó. Nhưng có lẽ “khuyến khích” là một từ quá nhẹ. Nhà kinh tế học và cũng là người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc Michael Hudson từng viết: “Tôi được thông báo tại một cuộc họp ở Nhà Trắng rằng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cho Ả Rập Xê-út và các nước Ả Rập khác biết rằng họ có thể tính giá bao nhiêu tùy thích cho dầu của họ, nhưng phải thanh toán bằng đô la Mỹ. Các quốc gia sẽ bị coi là đưa ra hành động chiến tranh nếu không giữ số tiền thu được từ dầu của họ bằng đô la Mỹ”.
Các hạn chế đối với sự di chuyển vốn xuyên biên giới đã bị phản đối bởi các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, bởi các nhà đầu cơ mới trên thị trường trao đổi tiền tệ nở rộ với sự đổ vỡ của Bretton Woods và bởi các hệ tư tưởng tân tự do, tạo ra động lực quyết định trong nước Mỹ cho việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn. Kết quả cuối cùng của những phát triển này là làm cho đồng đô la trở nên trung tâm hơn nữa trong thương mại thế giới và do đó tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Không cần phải nói, chính sách lưỡng đảng của Hoa Kỳ kể từ đó là xoay quanh việc duy trì sự kiểm soát này.
CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHÁT CỦA HOA KỲ TRÊN THỰC TẾ:
Hai ví dụ điển hình về các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng ngoài lãnh thổ là các lệnh trừng phạt đối với Cuba và Iran (ngoài ra còn nhiều ví dụ khác, bao gồm cả trường hợp của Venezuela).
Trong trường hợp của Cuba, bất kỳ tổ chức nào có hoạt động kinh doanh với Cuba đều bị cấm kinh doanh tại Hoa Kỳ hoặc với bất kỳ tổ chức nào của Hoa Kỳ; Các doanh nghiệp nước ngoài thuộc sở hữu của các công ty Hoa Kỳ bị nghiêm cấm làm ăn với Cuba. Bất kỳ công ty nào đã kinh doanh ở Cuba đều phải ngừng mọi hoạt động ở đó nếu được một tập đoàn Hoa Kỳ mua lại. Một số công ty bán thiết bị y tế và thuốc cứu sinh cho Cuba đã phải ngừng hoạt động khi được một tập đoàn của Mỹ mua lại.
Trong khi đó, các nhân viên đại sứ quán Mỹ được cho là đã đe dọa các công ty ở các nước như Thụy Sĩ, Pháp, Mexico và Cộng hòa Dominica bằng các đòn trả đũa thương mại trừ khi họ hủy bỏ việc bán hàng hóa cho Cuba như xà phòng và sữa. Thật ngạc nhiên, một báo cáo của Tạp chí Y tế Công cộng của Mỹ đã trích dẫn một thông báo bằng văn bản vào tháng 7 năm 1995 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong đó bộ này cho biết những hình thức bán hàng đó góp phần gây ra “khủng bố y tế” đối với người dân Cuba! Chà, nhiều người trong chúng ta khi mới 5 tuổi có thể coi xà phòng là nỗi kinh hoàng, nhưng có lẽ đã vượt qua điều đó từ lâu, chỉ Bộ Thương mại là không!
Các biện pháp trừng phạt đối với Cuba đã liên tục được thắt chặt trong những năm qua. Joy Gordon, viết trên Tạp chí Luật Quốc tế Harvard vào tháng 1 năm 2016, cung cấp một bức tranh sống động về những khó khăn do đó gây ra: “Đạo luật Torricelli năm 1992 quy định rằng không một con tàu nào có thể cập cảng Hoa Kỳ trong vòng 180 ngày sau khi nó vào một cảng của Cuba. Hạn chế này khiến việc giao hàng đến Cuba không khả thi về mặt thương mại đối với nhiều công ty châu Âu và châu Á, vì tàu của họ thường giao hoặc nhận các chuyến hàng từ Hoa Kỳ khi họ đang ở Caribe. Đạo luật Torricelli cũng cấm các công ty con ở nước ngoài của các công ty Hoa Kỳ giao dịch với Cuba. … Đạo luật Helms-Burton, ban hành năm 1996, cho phép công dân Hoa Kỳ khởi kiện các công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Cuba và sở hữu các tài sản đã bị bỏ hoang hoặc bị tịch thu sau cuộc cách mạng Cuba. Ngoài ra, Đạo luật Helms-Burton cấm các quốc gia thuộc bên thứ ba bán hàng hóa tại Hoa Kỳ có chứa bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc từ Cuba.
Quy định hạn chế vận chuyển trong Đạo luật Torricelli đã làm tăng chi phí theo một số cách khác nhau, chẳng hạn như Cuba đôi khi phải trả thêm tiền cho các tàu chở hàng nhập khẩu từ châu Âu hoặc nơi khác phải trở về không có hàng hoá vì họ không thể cập cảng Hoa Kỳ để lấy hàng. Các công ty vận tải biển đã xoay sở đối phó một phần bằng cách dành những con tàu riêng cho việc giao hàng ở Cuba; nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ có xu hướng chỉ định các tàu cũ trong tình trạng kém, do đó dẫn đến chi phí bảo hiểm hàng hải cao hơn”.
Liên hợp quốc ước tính thiệt hại của Cuba do các lệnh cấm vận ít nhất cũng vào khoảng 130 tỷ USD. Các lệnh trừng phạt tương tự đối với Cuba cũng được áp đặt lên Iran. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là đối với chính phủ theo chủ nghĩa chính thống tôn giáo của Iran, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, vốn là thứ vũ khí cùn, lại đã gây ra nhiều khó khăn hơn cho người dân Iran so với Cuba. Vào tháng 9 năm 2020, Chính phủ Iran cho biết họ đã mất 150 tỷ USD chỉ trong vài năm, kể từ khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và họ bị cản trở nhập khẩu thực phẩm và thuốc men.
Các biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Trump được áp đặt đơn phương và chống lại các chính sách của tất cả các bên ký kết khác – Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga. Với việc các chính phủ không thể kiềm chế được Washington, các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đã buộc rút lui để tránh bị trừng phạt. Các biện pháp đối phó của EU không hiệu quả – các khoản phạt nhỏ với đối tác Mỹ không thể bù đắp thiệt hại do sự trừng phạt của chính phủ Mỹ, các công ty châu Âu hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và các phán quyết có lợi cho họ tại tòa án châu Âu là không có giá trị thi hành tại tòa án Mỹ.
Sascha Lohmann, tác giả của bài viết đăng trên trang của Viện Quốc tế và An ninh Đức, đã viết: “Trước thời hạn do chính quyền Trump đặt ra và không có bất kỳ hành động đối phó nào, các công ty lớn của châu Âu và châu Á đã lần lượt rút khỏi thị trường Iran béo bở. Đáng chú ý nhất, điều này bao gồm SWIFT, đã loại bỏ hầu hết hơn 50 ngân hàng của Iran vào đầu tháng 11 năm 2018 khỏi hệ thống thanh toán, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Iran, sau khi họ một lần nữa bị Mỹ trừng phạt tài chính. … việc các công ty có trụ sở tại EU bỏ chạy khỏi Iran đã tiết lộ một sự thật bất tiện cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu, đó là việc các công ty đó thực tế được quản lý bởi Washington,… Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể ra lệnh cho các ngân hàng Hoa Kỳ đóng cửa hoặc áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt về việc mở hoặc duy trì các tài khoản đại lý hoặc tài khoản phải trả thay mặt cho một ngân hàng nước ngoài, do đó đóng cửa quyền truy cập vào các giao dịch đô la hóa – vũ khí đó trong tay phố Wall tương đương với án tử hình”.
CÁNH TAY THỰC HIỆN CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA MỸ TRẢI DÀI KHẮP THẾ GIỚI
Ý tưởng về các biện pháp trừng phạt trong tay “phố Wall tương đương với án tử hình” không phải là một sự tưởng tượng sai lầm. Hai ví dụ về các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp đa quốc gia châu Âu đã chứng minh điều này.
Vào năm 2015, ngân hàng BNP Paribas của Pháp đã bị phạt gần 9 tỷ đô la vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ do xử lý các khoản thanh toán bằng đô la từ Cuba, Iran và Sudan. Ngân hàng đã nhận tội với hai tội danh. Những hình phạt này đã được lưu truyền tại các tòa án Hoa Kỳ, bị truy tố bởi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Giám đốc điều hành của ngân hàng nói trước toà án rằng “chúng tôi vô cùng hối hận về hành vi sai trái đó trong quá khứ”. Thẩm phán giám sát vụ việc tuyên bố ngân hàng nay đã “không chỉ làm sai chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà còn hỗ trợ các chính phủ đe dọa cả an ninh khu vực và quốc gia của chúng tôi”, điều được nhấn mạnh trong thông cáo báo chí về phán quyết của Toà án.
Tại sao một ngân hàng Pháp lại có thể đồng ý với những hình phạt này và bày tỏ sự hối lỗi như vậy? Và tại sao nó lại chấp nhận ý tưởng phi lý rằng Cuba đại diện cho bất kỳ mối đe dọa an ninh nào đối với Mỹ? Và rằng tại sao một ngân hàng Pháp lại phải thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ? Là một phần của phán quyết, theo Reuters báo cáo: “các cơ quan quản lý đã cấm BNP trong một năm thực hiện các giao dịch bằng đô la Mỹ, một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của ngân hàng” – điều đó cho chúng ta thấy căn nguyên. Nếu ngân hàng không chấp nhận phán quyết cho vụ việc của mình, họ sẽ đối mặt nguy cơ bị cấm vĩnh viễn quyền truy cập vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ, có nghĩa là nó không thể xử lý bất kỳ giao dịch nào bằng đô la. Ngay cả lệnh cấm kéo dài một năm cũng có thể kích hoạt một số khách hàng trong một số ngành công nghiệp lớn, bao gồm cả dầu và khí đốt rời bỏ ngân hàng.
Đây hoàn toàn là một ứng dụng ngoài lãnh thổ của luật pháp Hoa Kỳ. Một bản tóm tắt của Hiệp hội Luật sư Quốc tế về vụ việc ghi nhận: “các giao dịch được đề cập không phải là bất hợp pháp theo luật của Pháp hoặc EU. Họ cũng không vi phạm các nghĩa vụ của Pháp trong Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc Liên hợp quốc; không có thỏa thuận nào giữa Pháp và Mỹ bị vi phạm. Nhưng vì chúng được thanh toán bằng đô la, nên các giao dịch cuối cùng phải đi qua New York và do đó thuộc cơ quan quản lý của nó”.
Dù không tham gia trực tiếp vào các giao dịch tài chính để tránh né các biện pháp trừng phạt dài hạn của Hoa Kỳ. Một công ty Thụy Sĩ, Société Internationale de Télécommunications Aéronautiques (SITA), vẫn buộc phải đồng ý trả 8 triệu đô la để giải quyết các cáo buộc rằng họ đã cung cấp cho các hãng hàng không trong danh sách đen “phần mềm và/hoặc dịch vụ được cung cấp từ, quá cảnh hoặc có nguồn gốc từ Hoa Kỳ”. SITA bị trừng phạt chỉ vì đã sử dụng phần mềm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ để theo dõi hành lý thất lạc và sử dụng hệ thống truy tìm hành lý thất lạc toàn cầu được quản lý từ các máy chủ ở Hoa Kỳ. Lấy lại hành lý là một dịch vụ mà hầu hết mọi người sẽ không coi là một tội phạm cao, nhưng với Hoa Kỳ thì khác!
EU HOẶC TRUNG QUỐC CÓ THỂ TẠO RA MỘT GIẢI PHÁP THAY THẾ KHÔNG?
Từ bỏ việc sử dụng rộng rãi đồng đô la và thay thế một hoặc nhiều loại tiền tệ khác, và thiết lập các hệ thống tài chính thay thế, sẽ là con đường ngắn hạn hợp lý để chấm dứt quyền bá chủ tài chính của Hoa Kỳ. Đài truyền hình công cộng Đức Deutsche Welle (DW) trong một báo cáo năm 2018, đã dẫn lời Ngoại trưởng Đức, Heiko Maas: “Chúng ta phải tăng cường quyền tự chủ và chủ quyền của Châu Âu trong các chính sách thương mại, kinh tế và tài chính. Nó sẽ không dễ dàng, nhưng chúng ta đã bắt đầu làm điều đó”.
DW báo cáo rằng Ủy ban Châu Âu đang phát triển một hệ thống song song với SWIFT cho phép Iran tiếp cận với các hệ thống thanh toán đối phó của Châu Âu thông qua giải pháp thực hiện các giao dịch bằng đồng euro, nhưng một hệ thống như vậy đến nay vẫn chưa bao giờ được đưa ra. Vào tháng 1 năm 2021, khi chính quyền Biden mới nhậm chức, Iran đã bác bỏ hoàn toàn, theo Bloomberg đưa tin: “Các chính phủ châu Âu ‘không biết’ làm thế nào để có thể tài trợ cho đường ống dẫn được thành lập cách đây hai năm, được gọi là Instex, và ‘không có đủ can đảm để duy trì chủ quyền kinh tế của họ’, Ngân hàng Trung ương Iran cho biết trong các bình luận trên Tưitter”.
Có vẻ như việc loại bỏ Teheran là có cơ sở. Nghị viện Châu Âu, trong báo cáo về việc các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đang được áp đặt ngoài lãnh thổ, chỉ có thể đưa ra các ý tưởng tự do theo kiểu nước đôi, chẳng hạn như “khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp EU đưa ra các yêu sách tại trọng tài nhà nước-nhà đầu tư quốc tế và tại các tòa án Hoa Kỳ; Khiếu nại các biện pháp áp đặt ngoài lãnh thổ lên Tổ chức Thương mại Thế giới”. Những đơn thuốc như vậy chắc không khiến ai ở Washington phải mất ăn mất ngủ.
Còn Trung Quốc thì sao? Bắc Kinh thực sự đã tạo ra một giải pháp thay thế hoạt động cho Ngân hàng Thế giới và IMF, đó là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á. Theo quan điểm cáo buộc của Washington rằng ngân hàng mới này đại diện cho “một ví dụ xấu”, chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên Australia và các quốc gia khác, để chắc chắn rằng Canberra từ chối tham gia ngân hàng này (ban đầu) mặc dù lãi suất rất cao, Indonesia và Hàn Quốc cũng vậy, dù rằng sau đó cả ba đều đã tham gia. Tuy nhiên, lại có khả năng xảy ra một chiều ở đây, vì cho đến nay, Trung Quốc có tỷ lệ sở hữu lớn nhất (dẫn tới quyền quyết định lớn nhất) là 27%, cao hơn 7% so với vị trí thứ 2 của Ấn Độ, mang lại cho Bắc Kinh quyền phủ quyết tiềm năng. Và chỉ với 74 tỷ đô la Mỹ vốn hóa (ít hơn mục tiêu 100 tỷ đô la đặt ra vào năm 2014), nó thực tế không thể thay thế cho các cơ cấu tài chính đa phương hiện có.
Trung Quốc cũng đã thiết lập một giải pháp thay thế cho SWIFT, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một hệ thống thanh toán và bù trừ bằng đồng Nhân dân tệ. CIPS cho biết họ có sự tham gia từ 50 quốc gia và khu vực, xử lý 19,4 tỷ đô la Mỹ mỗi ngày. Nhưng con số đó chưa bằng 1% so với 6 nghìn tỷ đô la SWIFT xử lý hàng ngày. Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc (ngân hàng trung ương của nước này), đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp thay thế cho hệ thống đồng đô la để có thể né tránh bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ. “Một cú đấm tốt vào kẻ thù sẽ giúp bạn thoát khỏi hàng trăm cú đấm từ nó” – một báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Trung Quốc cho biết, “chúng tôi cần chuẩn bị trước, về mặt tinh thần và thực tế”. Báo cáo cho biết nếu các ngân hàng Trung Quốc bị tước quyền tiếp cận các giao dịch bằng đồng đô la, Trung Quốc sẽ xem xét việc ngừng sử dụng đồng đô la Mỹ làm tiền tệ neo (định giá) cho các biện pháp kiểm soát ngoại hối của nó.
Nói thì dễ hơn làm – Trung Quốc nắm giữ 1,1 nghìn tỷ USD nợ của chính phủ Mỹ do Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Tổng số đó chỉ đứng sau Nhật Bản, và Bắc Kinh chiếm 15% tổng số nợ của Mỹ do các chính phủ nước ngoài nắm giữ. Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng thừa nhận rằng Trung Quốc nắm giữ lượng tài sản dự trữ lớn như vậy trong các khoản nợ của Hoa Kỳ là vì “phần lớn do vị thế đô La vẫn là ‘nơi trú ẩn an toàn’ để đầu tư trong điều kiện thị trường hỗn loạn”. Mặc dù Bắc Kinh tìm cách làm xói mòn sự thống trị của đồng đô la và lo ngại rằng sự bất ổn kinh tế của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế thế giới khác, việc sử dụng đô la làm nơi trú ẩn an toàn của họ vẫn chưa thể kết thúc. Tờ Morning Post viết: “Rõ ràng là Trung Quốc muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ của chính phủ Mỹ, các chuyên gia vẫn tin rằng Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, vì có rất ít sản phẩm thay thế chi phí thấp mà không có rủi ro”.
Dù còn những hạn chế trong việc chuyển đổi đồng nhân dân tệ, các thể chế Trung Quốc ngày nay đã không còn xa vị thế có thể thách thức các mối quan hệ tài chính toàn cầu hiện tại. Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley gần đây đã dự đoán rằng đồng Nhân dân tệ có thể đại diện cho 5 đến 10% dự trữ ngoại hối vào năm 2030, tăng mạnh so với 2% hiện tại. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ tăng lượng nắm giữ đồng tiền Trung Quốc của họ, tuy nhiên nó chưa gây ra bất kỳ mối đe dọa thực sự nào đối với sự thống trị của đồng đô la.
KHÔNG CÓ ĐẾ CHẾ HAY HỆ THỐNG NÀO TỒN TẠI VĨNH VIỄN
Câu hỏi mấu chốt cho tất cả những điều trên là: Liệu sự thống trị này của Hoa Kỳ có chấm dứt?
Quay trở lại và xem xét câu hỏi này theo phương pháp lịch sử cho chúng ta biết rằng câu trả lời duy nhất là “có”, vì đã có một loạt các thành phố từng là trung tâm tài chính. Nhiều thế kỷ trước, nơi tọa lạc của một nước cộng hòa nhỏ như Venice là trung tâm tài chính hàng đầu về sức mạnh của mạng lưới thương mại. Tuy nhiên, khi chủ nghĩa tư bản nắm quyền, trung tâm tài chính được đặt trong một liên bang lớn hơn sở hữu cả hải quân mạnh và đội tàu buôn đáng kể (Amsterdam); tiếp sau đó trong một quốc gia thống nhất và rộng lớn với dân số đủ lớn để duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh và sự hiện diện vật chất của một đế chế trên khắp các lục địa (London).
Không có đế chế nào, dù ở dạng nào, có thể tồn tại mãi mãi. Nhưng kiến thức về trình tự dịch chuyển của các trung tâm tư bản không cho chúng ta biết về thời gian của nó. Mỗi khu vực tài chính mới tiếp theo nhau sẽ được gắn với các quyền lực lớn hơn tiếp sau có thể hoạt động quân sự trên các khu vực rộng lớn hơn và với nhiều lực lượng hơn. Điều gì tiếp theo sau có thể thay thế Mỹ? Liên minh châu Âu từng có hiệu quả nay đã bị suy yếu bởi nhiều quốc gia dân tộc chủ nghĩa trong phạm vi của nó (và do đó chủ nghĩa dân tộc đóng vai trò như một tác nhân làm suy yếu EU trong khi lại là một tác nhân tăng cường cho Mỹ và Trung Quốc). Nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhỏ và vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn; trong khi đồng tiền của nước này, Nhân dân tệ, không thể chuyển đổi hoàn toàn. Tín phiếu kho bạc Mỹ vẫn là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng, thể hiện khi các nhà đầu tư tiếp tục mua nợ của Mỹ trong các cuộc khủng hoảng như năm 2008, ngay cả khi chính các sự kiện ở Mỹ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng.
Không có đối thủ khả dĩ nào khác, cả EU và Trung Quốc, như đã thảo luận, có khả năng thách thức nghiêm trọng quyền bá chủ của Mỹ. Ở đây, chúng ta có một sự mâu thuẫn giữa các khả năng: Sự vượt lên của chủ nghĩa tư bản để chuyển sang một hình thức tư bản mới, hoặc sự suy giảm chức năng của hệ thống tư bản thế giới, diễn ra trong vài thập kỷ nữa.
Với khả năng phục hồi của chủ nghĩa tư bản và nhiều công cụ có sẵn cho nó (không nhất thiết là sức mạnh quân sự), cũng không thể loại trừ kịch bản thứ hai mặc dù nó có thể khó xảy ra. Việc đưa ra bất kỳ dự đoán nào về tuổi thọ của chủ nghĩa tư bản đều gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do đã có nhiều dự đoán về sự sụp đổ của nó trong hơn một thế kỷ qua.
Nhưng chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hệ thống đòi hỏi sự phát triển vô hạn, điều hoàn toàn không thể xảy ra trên một hành tinh hữu hạn và điều tồi tệ hơn là hầu như không còn nơi nào trên Trái đất để nó có thể mở rộng. Mặc dù chúng ta không thể biết ngày cáo chung của chủ nghĩa tư bản chính xác là khi nào, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ vào một thời điểm trong thế kỷ hiện tại.
Tuy nhiên, nó sẽ không được nối tiếp bởi một thứ gì đó tốt hơn nếu không có một phong trào toàn cầu hoạt động xuyên biên giới với lý tưởng mang lại một thế giới tốt đẹp hơn. Trong trường hợp không có những vận động như vậy, chủ nghĩa tư bản vẫn có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ tới. Trong kịch bản đó, quốc gia hoặc khối nào có thể thay thế Mỹ trở thành trung tâm? Và liệu chúng ta có muốn một trung tâm mới để ra lệnh cho phần còn lại của thế giới hay không? Trong một thế giới dân chủ kinh tế (mà chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa xã hội), nơi tất cả các quốc gia và xã hội có thể phát triển theo cách riêng của họ, hài hòa với môi trường và không cần mở rộng, và sản xuất được thực hiện là vì nhu cầu của con người chứ không phải vì lợi nhuận của doanh nghiệp, ở đó sẽ không có trung tâm toàn cầu hay bá chủ nào cả, không cần một thứ gì trong những thứ đó.
Đúng, ngày Hoa Kỳ bị truất ngôi sẽ đến, cũng như sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều thứ nhất sẽ không sớm xảy ra, tuy nhiên nhiều triệu người trên thế giới mong muốn điều đó. Và điều thứ hai là điều chúng ta nên làm. Một thế giới tốt hơn là điều có thể; còn một hình thức chủ nghĩa tư bản “dịu dàng và tử tế hơn” với một trung tâm toàn cầu khác thì không.
===
Bình luận về bài viết, đa phần độc giả Việt đều cho rằng đây là bài hay, cung cấp thông tin đa đạng và cơ bản giải thích được lý do khiến Hoa Kỳ hiện chưa có đối thủ. Chính vì biết rõ cơ sở làm nên “sức mạnh” của mình nên Hoa Kỳ luôn sử dụng truyền thông bẩn và bất chấp mọi thủ đoạn để phá hoại sự đoàn kết dân tộc, làm suy yếu sức mạnh của các nước khác, nhất là các nước nhỏ lại đa đảng không có sự thống nhất về hành động, về đường lối dân tộc.
Tuấn Thanh
Bài viết cùng chủ đề:
-
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) và câu chuyện chống rửa tiền: Những góc khuất bị phơi bày
-
Cách nhìn của Mỹ Latinh về chiến thắng của Trump: Một sự phân cực sâu sắc
-
Canada bị “đâm vào tim” phơi bày những rủi ro khi là đồng minh của Hoa Kỳ
-
Phương Tây và Trung Quốc, ai đang “trả tiền cho ai” gây ô nhiễm, biến đổi khí hậu?
-
Di sản của của chủ nghĩa thực dân cần được thừa nhận và lên án
-
Tại sao sự chia rẽ chính trị ở Hàn Quốc lại nghiêm trọng đến vậy?
-
Những người ly khai chống Trung Quốc ở Hong Kong bị kết án, gửi thông điệp rõ ràng đến sự can thiệp của phương Tây
-
Lạm dụng quyền phủ quyết, Hoa Kỳ có phải là ‘kẻ gây ra thảm họa nhân đạo’ ở Gaza?
-
Canada sẽ phải đối mặt với lịch sử che giấu về tình trạng lạm dụng trong trường nội trú
-
Hoa Kỳ phải đối mặt với sự cô lập hơn nữa tại Liên Hợp Quốc vì lệnh cấm vận đối với Cuba
-
Cuộc bầu cử năm 2024 của Hoa Kỳ sẽ trở thành ‘cuộc bầu cử tốn kém nhất’ trong lịch sử khi chi tiêu kỷ lục 15,9 tỷ đô la cho các chiến dịch
-
Nhiều người ở châu Âu muốn đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh Ukraine, phản đối việc chuyển giao vũ khí
-
Thế giới yêu cầu chấm dứt sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel đối với Palestine, trong cuộc bỏ phiếu áp đảo của Liên Hợp Quốc
-
Tiếng nói từ Hungary: Từ CIS đến BRICS
-
“Từ Tanks đến Tweets” – Chúng ta bước vào cuộc chiến thông tin như thế nào?
-
81% thanh niên lo sợ một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu – dường như không ai quan tâm