Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14050

Chủ nghĩa dân tộc mới: thách thức cho các sinh viên quốc tế

“Tại Mỹ, sinh viên từ những nước đang phát triển không thuộc phương Tây bị kỳ thị nhiều hơn hẳn sinh viên từ châu Âu, Canada và Úc. Tôi gọi trào lưu này là chủ nghĩa dân tộc mới. Phân biệt chủng tộc mới không chỉ dựa trên những khác biệt sinh học mà còn kèm theo những khác biệt văn hóa thời hậu thực dân”, GS JennyJ.Lee chuyên về giáo dục đại học tại Đại học Arizona, Mỹ cảnh báo.

Theo đó, các con số thống kê đều cho thấy, trong một thập kỷ qua, số sinh viên học ngoài biên giới nước mình đã tăng gấp đôi và dự báo xu hướng ngày tăng nhanh hơn trong những năm sắp tới. Cùng với việc tăng nhu cầu quốc tế, các trường đại học cũng đối mặt với thách thức mới là phải trở nên phù hợp hơn với tính toàn cầu đáp ứng tính đa dạng của sinh viên. Kèm theo là những thách thức to lớn không chỉ liên quan đến những điều chỉnh về văn hóa, cũng không chỉ liên quan đến việc chuẩn bị của sinh viên, mà là những đặc tính của môi trường mới nơi họ sống. Mặc dù lãnh đạo trường có thể rất cố gắng, nhưng nhân viên cũng như cộng đồng địa phương chưa chắc đã chào đón những người mà họ cho là “người ngoài”. Báo chí nêu khá nhiều trường hợp về sự kỳ thị này, từ việc chế giễu cho đến bạo lực chống lại sinh viên quốc tế.

 

Riêng tại Mỹ, sinh viên từ những nước đang phát triển không thuộc phương Tây bị kỳ thị nhiều hơn hẳn sinh viên từ châu Âu, Canada và Úc. Trào lưu này được gọi là chủ nghĩa dân tộc mới. Phân biệt chủng tộc mới không chỉ dựa trên những khác biệt sinh học mà còn kèm theo những khác biệt văn hóa thời hậu thực dân. “Một sinh viên Trung Quốc đến từ Trung Quốc sẽ đau đầu hơn rất nhiều một sinh viên gốc Trung nhưng sống ở Mỹ. Đối với sinh viên bị đối xử kém ngay trong khu vực của mình, những nghiên cứu mới nhất của tôi cho thấy có sự kỳ thị không dựa trên chủng tộc mà dựa trên quốc tịch. Trong khi phân biệt chủng tộc dựa vào sắc tộc, thì chủ nghĩa dân tộc mới dựa vào quốc tịch. Sinh viên cùng một sắc tộc, học trong cùng một khu vực, vẫn có thể bị đối xử khác nhau vì có quốc tịch khác nhau, nhiều khi còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với sinh viên đến từ những vùng địa lý khác hoặc dân tộc khác”, GS JennyJ.Lee cho biết.

Trong khi đó, Gerardo Blanco, Phó Giám đốc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Mỹ dẫn chứng dữ liệu của Open Doors cho biết, trong số hơn 340 ngàn sinh viên Mỹ ở nước ngoài, khoảng 17 ngàn hoặc 5% chọn điểm đến là những quốc gia châu Phi cận Sahara hoặc những nước Caribe với cư dân đa số là người da đen. Sinh viên từ những khu vực này chiếm khoảng 47 ngàn hoặc 4% trong số gần 1,1 triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ. Dữ liệu từ NAFSA (Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế) về năm học 2017–2018 cho thấy sinh viên da đen chiếm 6% sinh viên Mỹ ở nước ngoài, mặc dù họ chiếm 13% số sinh viên nhập học của các trường Mỹ. Như vậy, sinh viên người da đen chiếm một tỷ lệ rất thấp trong mọi khía cạnh của quá trình quốc tế hóa. Nhưng sự kỳ thị người da đen trên toàn cầu vẫn đang tiếp diễn.

Ông Gerardo Blanco nói: “Còn nhiều việc phải làm để chấm dứt sự kỳ thị người da đen, nhưng một bước cần thiết là phải nhận biết được mức độ sự phân biệt chủng tộc ngấm sâu trong giáo dục đại học ở Mỹ và những nơi khác. Nhiều người đã thừa nhận và chỉ trích nó, nhưng trên thực tế, hệ thống giáo dục đại học đã quen với sự hiện diện này mà không có hành động chống lại nó. Trong các nghiên cứu và chính sách về giáo dục đại học, phân biệt chủng tộc và quốc tế hóa được xem là hai vấn đề khác nhau, một mang tính quốc gia và một mang tính quốc tế. Chúng ta phải thay đổi cách nhìn này: cả hai đều mang tính địa phương và tính toàn cầu, như đã được làm rõ trong những bài viết khác của số này. Điều quan trọng là phải chống lại tình trạng sự kỳ thị người da đen và phân biệt chủng tộc tác động đến mọi khía cạnh công việc của chúng ta, từ tuyển sinh đến giáo dục ở nước ngoài, từ những trải nghiệm mà chúng ta cung cấp cho sinh viên và học giả quốc tế người da đen, đến công việc học thuật và các chính sách”.

Một số sinh viên gốc Á kêu gọi “tuyển sinh bình đẳng” tại Harvard.

Cuối tháng 6/2023, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết cấm xét các yếu tố chủng tộc và sắc tộc trong tuyển sinh Đại học tại nước này nhằm chấm dứt thông lệ đã kéo dài nhiều thập kỷ qua nhằm tăng cơ hội học tập cho những người Mỹ gốc Phi và các nhóm thiểu số khác tại Mỹ.

Chính sách nâng đỡ (Affirmative action) lâu nay tại Mỹ cho phép các yếu tố như màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được các doanh nghiệp hoặc chính phủ xem xét để tăng cơ hội cho một bộ phận trong xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, chính sách này hỗ trợ người da màu và các nhóm sắc tộc thiểu số khác khắc phục những bất lợi về giáo dục và kinh tế trong tuyển sinh vào các trường Đại học.

Theo nhiều nhà phân tích, phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ chính sách nâng đỡ nói trên được cho là làm tổn hại những nỗ lực nhằm tăng tính đa dạng trong các trường Đại học, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Phán quyết trên nhận được sự ủng hộ của phe bảo thủ nhưng vấp phải chỉ trích từ phe tiến bộ. Trong 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao có 3 thẩm phán phản đối phán quyết. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ “rất thất vọng” với quyết định của các thẩm phán. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho rằng tình trạng phân biệt vẫn tồn tại ở Mỹ, đồng thời khẳng định các trường Đại học ở Mỹ sẽ tốt hơn nếu đa dạng về chủng tộc.

Reuters/Ipsos đã thực hiện một cuộc khảo sát trước khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết về vấn đề này, liên quan các cáo buộc một số trường Đại học phân biệt chủng tộc khi tuyển sinh.

Người dân Canada tuần hành chống phân biệt chủng tộc tại Toronto ngày 5/6/2020.

Với 4.408 người trưởng thành tham gia trong khoảng thời gian 6-13/2, kết quả cho thấy 62% người được hỏi phản đối đưa yếu tố sắc tộc vào quyết định tuyển sinh – thông lệ thường được các trường Cao đẳng, Đại học Mỹ sử dụng để thúc đẩy sự đa dạng hóa sắc tộc.

Tỷ lệ phản đối trong những người theo đường lối Cộng hòa là 73%, trong khi tỉ lệ này bên Dân chủ là 46%. 67% người da trắng cũng đồng quan điểm này. Trong khi đó, chỉ 52% người trả lời thuộc nhóm sắc tộc thiểu số phản đối ưu ái.

Cũng theo cuộc khảo sát, 46% số người được hỏi cho rằng chính sách ưu ái thể hiện rõ ràng việc đối xử bất công với người da trắng. 49% người da trắng đồng tình với quan điểm trên, tương tự với 39% người thuộc nhóm thiểu số.

Trong khi đó, hầu hết người được hỏi không nghĩ các văn phòng tuyển sinh nên xem xét vấn đề chủng tộc. 58% cho biết họ ủng hộ các chương trình ưu tiên nhằm tăng sự đa dạng chủng tộc của sinh viên trong khuôn viên trường Đại học.

Hiện Nhà Trắng đang tiếp tục kêu gọi các trường đại học tiếp tục xem xét hoàn cảnh của học sinh xin nhập học. Chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ làm việc với các cơ quan giáo dục bậc cao để hỗ trợ họ duy trì những chính sách nhằm tăng cường tính đa dạng mà vẫn đảm bảo tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao.

 

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *