Sự phát triển của công nghệ hàng hải trong thế kỷ XVII đã biến lãnh hải trở thành một bộ phận thuộc chủ quyền quốc gia; sự tiến bộ của công nghệ hàng không vào đầu thế kỷ XX đã biến quyền vùng trời trở thành một bộ phận của chủ quyền quốc gia; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ internet khiến chủ quyền quốc gia đương nhiên mở rộng ra không gian mạng. Dịch vụ thông tin có thể vượt qua biên giới quốc gia, nhưng không gian mạng không thể không có chủ quyền.
Những năm qua, ngoại trừ Mỹ, Trung Quốc là quốc gia ít ỏi đã đạt được tiến triển vững chắc trong việc hoàn thành các mục tiêu trong không gian mạng; tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, việc Mỹ và các đồng minh phương Tây từ năm 2020 đưa ra các biện pháp trừng phạt, tẩy chay các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huwei (công nghệ 5G), phần mềm Wechat… đã gây khó khăn cho việc triển khai sáng kiến, nội dung nhằm thúc đẩy chủ quyền không gian mạng.
Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ lớn ngày càng có vai trò trong việc định hình, kiểm soát thông tin, thậm chí là các hoạt động chính trị thông qua các nền tảng công nghệ của mình. Ví dụ: từ tháng 01-2021 đến nay, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị khóa tài khoản twitter, facebook, Youtube…, nên bị hạn chế trong các hoạt động chính trị của mình. Trên thực tế, trong những năm qua, Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới tìm kiếm các công cụ mới trong việc kiểm soát dòng chảy thông tin cũng như kiểm tra quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn thông qua việc ban hành các luật, văn bản pháp lý về an ninh mạng, dữ liệu mạng(17). Tuy nhiên, đây vẫn là những thách thức mà Trung Quốc và các quốc gia đang phải đối mặt.
CHÍNH SÁCH CHỦ QUYỀN KHÔNG GIAN MẠNG CỦA TRUNG QUỐC
Trong thời gian qua, Trung Quốc tích cực đưa ra những lập luận, cơ sở thực tiễn trên thế giới thông qua các tuyên bố, văn kiện các hội nghị quốc tế có nội dung liên quan đến không gian mạng, an ninh mạng, trong đó có chủ quyền không gian mạng. Thí dụ: Tuyên bố về các nguyên tắc của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (WSIS) năm 2003; Báo cáo năm 2015 và 2021 của Nhóm các chuyên gia chính phủ của Liên hợp quốc (UN GGE)(5); Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) năm 2015; Tuyên bố Goa của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) năm 2016;v.v.. Trên cơ sở đó, Trung Quốc cho rằng, chủ quyền không gian mạng gồm bốn yếu tố, bốn quyền cơ bản và bốn nguyên tắc cơ bản.
Bốn yếu tố là: (1) công nghệ thông tin truyền thông hỗ trợ sự tồn tại của không gian mạng; (2) dữ liệu được tạo ra, lưu trữ, xử lý, truyền và trình chiếu trong hệ thống công nghệ thông tin truyền thông; (3) các vai trò của mạng truyền và xử lý dữ liệu; và (4) kiểm soát các nguyên tắc xử lý và truyền dữ liệu.
Bốn quyền cơ bản gồm: (1) quyền độc lập về không gian mạng, tức là cơ sở hạ tầng không gian mạng được đặt trên lãnh thổ Trung Quốc hoạt động một cách tự chủ và không thể bị can thiệp bởi các quốc gia; (2) bình đẳng trên không gian mạng, tức là mọi quốc gia đều có địa vị quản trị bình đẳng trong kết nối mạng quốc tế; (3) nhà nước có quyền tự vệ trên không gian mạng để bảo vệ không gian mạng của họ không bị xâm phạm; (4) quyền tài phán trên không gian mạng, tức là các cơ sở cấu thành không gian mạng và dữ liệu của chúng được bảo vệ bởi quyền tài phán quốc gia.
Bốn nguyên tắc cơ bản gồm: (1) tôn trọng chủ quyền không gian mạng của tất cả các quốc gia; (2) mọi quốc gia không vi phạm không gian mạng của các quốc gia khác; (3) mọi quốc gia không can thiệp vào hoạt động quản lý không gian mạng của các quốc gia khác; (4) chủ quyền không gian mạng của tất cả các quốc gia có vị thế bình đẳng trong quản trị không gian mạng quốc tế các hoạt động(6).
Chủ quyền không gian mạng bao gồm các hình thức chủ quyền như: chủ quyền dữ liệu, chủ quyền thông tin, chủ quyền không gian điện từ và chủ quyền kỹ thuật(7).
THỰC TIỄN TRIỂN KHAI CHỦ QUYỀN KHÔNG GIAN MẠNG CỦA TRUNG QUỐC
Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần đề cập nội dung này trong các bài phát biểu của lãnh đạo và các cơ quan chính phủ ở các cấp, trong các văn bản pháp quy, văn bản luật, các quy định trong nước cũng như tài liệu quốc tế và các hiệp định song phương…, trong đó thể hiện rất rõ nội hàm về chủ quyền không gian mạng. Cụ thể:
Ở cấp độ toàn cầu:
Trung Quốc tập trung thúc đẩy nội dung chủ quyền không gian mạng là một nguyên tắc quản trị internet tại các diễn đàn Liên hợp quốc(9) và các diễn đàn đa phương khác. Trung Quốc mong muốn Liên hợp quốc có vai trò chính trong điều chỉnh các vấn đề không gian mạng, giảm bớt vai trò của Tổ chức quản lý tên và địa chỉ mạng quốc tế (ICANN, trụ sở tại Mỹ). Ngoài ra, Bắc Kinh tập trung xây dựng, lôi kéo đồng minh và các đối tác có cùng quan điểm để đối phó với sự kiểm soát của Mỹ và phương Tây trong không gian mạng(10).
Trong các cuộc thương lượng, Báo cáo của Nhóm công tác mở về an ninh mạng (OEWG) của Liên hợp quốc từ năm 2020 đến tháng 5-2021, các phát biểu, đề xuất của Trung Quốc đều nhất quán tập trung vào bốn điểm:
Một là, các quốc gia nên thực hiện quyền tài phán đối với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, các nguồn lực, cũng như các hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin – truyền thông trong lãnh thổ của mình.
Hai là, các quốc gia có quyền đưa ra các chính sách công liên quan đến công nghệ thông tin – truyền thông phù hợp với hoàn cảnh quốc gia để quản lý các vấn đề công nghệ thông tin – truyền thông của riêng mình và bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân trong không gian mạng.
Ba là, các quốc gia nên hạn chế sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Bốn là, các quốc gia nên tham gia vào việc quản lý và phân phối các tài nguyên internet quốc tế trên cơ sở bình đẳng.
Báo cáo sau đó được thông qua vào tháng 5-2021, tuy không đề cập nội dung chủ quyền không gian mạng, nhưng có nêu quan điểm trên của Trung Quốc và một số nước khác đối với nội dung này(11).
Các văn kiện như Tuyên bố của các cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng nhấn mạnh chủ quyền như một nguyên tắc chính của luật pháp quốc tế; ủng hộ một tiến trình đa phương mở, bao gồm tất cả các quốc gia và công nhận nhu cầu và lợi ích của các quốc gia.
Ở cấp độ khu vực:
Trung Quốc thúc đẩy nội dung chủ quyền không gian mạng để củng cố vị thế trong khu vực và vai trò lãnh đạo trong các nhóm quốc gia đang phát triển.
Năm 2009, các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ký một thỏa thuận xác định các lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin, bao gồm việc xây dựng các quy định trong luật pháp quốc tế để hạn chế việc phát tán và sử dụng vũ khí thông tin đe dọa năng lực quốc phòng, an ninh quốc gia và an toàn công cộng…
Năm 2011 và năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử quốc tế về an ninh thông tin do Trung Quốc, Nga và các thành viên SCO đề xuất, trong đó nhấn mạnh quyền chủ quyền của các quốc gia và xác định chủ quyền là nguyên tắc xác định của luật pháp quốc tế và tái khẳng định thẩm quyền chính sách đối với các vấn đề chính sách công liên quan đến internet là quyền chủ quyền của các quốc gia.
Ở cấp độ quốc gia:
Về xây dựng thể chế và triển khai chính sách, Trung Quốc tập trung xây dựng và hoàn thiện nhiều văn bản, chính sách về không gian mạng, an ninh mạng, trong đó có nội dung chủ quyền không gian mạng(12). Đáng chú ý là Luật An ninh mạng (năm 2015), Chiến lược An ninh không gian mạng quốc gia (năm 2017), Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (năm 2021), Luật An toàn dữ liệu (năm 2021). Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng của các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chủ quyền trên không gian mạng(13).
Về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, Trung Quốc tập trung xây dựng tên miền tiếng Trung riêng và tên miền .cn để giảm sự phụ thuộc vào ICANN, đưa ra các quy định về quản lý tên miền thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và đặt máy chủ trong lãnh thổ nước này. Bên cạnh đó, Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn về an ninh mạng để thúc đẩy việc bắt buộc sử dụng các công nghệ nội địa nhằm hạn chế sử dụng các công nghệ của nước ngoài(14). Ngoài ra, Trung Quốc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác về không gian mạng, an ninh mạng với Mỹ, Nga, Braxin(15).
BÀI HỌC THAM KHẢO CHO VIỆT NAM
Có thể thấy, quan điểm, cách tiếp cận và triển khai thúc đẩy nội dung chủ quyền không gian mạng của Trung Quốc được thực hiện rất bài bản, ở tất cả cấp độ (toàn cầu, khu vực và quốc gia) và ở tất cả các khía cạnh liên quan đến công nghệ, kỹ thuật. Điều đó cho thấy, vấn đề không gian mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong tiến trình nước này đang vươn lên trở thành cường quốc toàn cầu với mong muốn xây dựng một trật tự thế giới mới trong tầm nhìn về “cộng đồng chung vận mệnh”. Đối với Việt Nam, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đều thống nhất quan điểm chỉ đạo về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng(18). Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có quan điểm chính thức, toàn diện về nội dung, nội hàm của chủ quyền không gian mạng ở cấp độ chính sách và triển khai ở khía cạnh kỹ thuật.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên về quá trình xây dựng, triển khai và thúc đẩy chủ quyền không gian mạng của Trung Quốc, Việt Nam có thể tham khảo một số kinh nghiệm ở ba cấp độ (toàn cầu, khu vực và quốc gia) về vấn này.
Ở cấp độ toàn cầu: cân nhắc chủ động tham gia vào các quá trình thảo luận về vấn đề không gian mạng, an ninh mạng và quản trị internet toàn cầu, trong đó có nội dung chủ quyền không gian mạng phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc và phù hợp với khả năng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Ví dụ: tham gia vào tiến trình thảo luận của Nhóm OWEG, nội dung về công nghệ thông tin truyền thông (ủy ban 4 – Liên hợp quốc), thương lượng các văn bản, điều ước quốc tế về chống các hoạt động tội phạm mạng đe dọa đến an ninh, chủ quyền quốc gia;
Ở cấp độ khu vực: tham khảo các nội dung cách tiếp cận về chủ quyền không gian mạng gồm các nội dung về quản trị toàn cầu, bảo vệ dữ liệu… trong các văn bản, tuyên bố ở các khu vực mà Trung Quốc tham gia, thúc đẩy, qua đó rút ra những nội dung phù hợp, phục vụ việc xây dựng, đưa ra cách tiếp cận của Việt Nam ở cấp độ khu vực về vấn đề này. Việt Nam có thể đề xuất, dẫn dắt việc xây dựng văn bản/khung của ASEAN đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu xuyên quốc gia trong ASEAN và hợp tác của ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc. Chủ động tham gia thúc đẩy nội dung chủ quyền không gian mạng trong các mạng lưới nghiên cứu có uy tín của ASEAN.
Ở cấp độ quốc gia: cân nhắc việc đưa nội dung chủ quyền quốc gia không gian mạng trong các chiến lược phát triển của đất nước; tiến hành trao đổi hợp tác với các đối tác chiến lược toàn diện/đối tác chiến lược/đối tác toàn diện về an ninh mạng, an toàn an ninh thông tin. Đối với Trung Quốc, trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, tham khảo kinh nghiệm, tiếp thu có chọn lọc và tranh thủ thúc đẩy hợp tác ở các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, học giả giữa hai nước về xây dựng thể chế, nguồn lực, phát triển công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật an ninh mạng, tăng cường năng lực về an ninh mạng và nội dung, nội hàm về chủ quyền không gian mạng.
Bên cạnh đó, trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá của Trung Quốc về nội dung này, cân nhắc thúc đẩy nghiên cứu về tác động của việc thực hiện chủ quyền số trong không gian mạng đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, cũng như đề xuất các hướng giải quyết, trong đó có việc sớm xây dựng nội hàm về chủ quyền không gian mạng của Việt Nam(19).
Tư liệu tham khảo:
(1) Một điểm đáng lưu ý ở đây là: chủ quyền quốc gia không đồng nghĩa với quyền lực vô hạn và vô điều kiện của quốc gia. Các quốc gia có thể có các nghĩa vụ quốc tế, nhất là khi tham gia vào các điều ước quốc tế. Mặc dù các quốc gia có quyền lựa chọn có tham gia vào các điều ước này hay không, nhưng một khi đã tham gia vào các điều ước này họ buộc phải tuân thủ các nghĩa vụ và trao lại một phần chủ quyền của mình cho cộng đồng quốc tế. Xem Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp: Thuật ngữ quan hệ quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, tr. 121
(2), (6), (8) BinXing Fang (2018), Cybersapce Sovereignty, Reflections on Building a Community of Common Future in Cyberspace, Sience Press Beijing and Springer Nature Singapore Pte Ltd, tr.1, 321, 171.
(3) Phát biểu của Lu Wei, Giám đốc Văn phòng thông tin internet quốc gia Trung Quốc tại Bàn tròn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2013, xem thêm: An toàn quyết định sự thành công hay thất bại, sự phát triển dẫn dắt tương lai, http://www.xinhuanet.com//world/2013-12/10/c_125838121.htm.
(4) Sovereignty in Cyberspace Theory and Practice (Version 2.0), ngày 25-11-2020, https://www.wicwuzhen.cn/web20/information/release/202011/t20201125_21724588.shtml.
(5) Các đề cập đến việc áp dụng chủ quyền đối và các quy định của luật pháp quốc tế đối với công nghệ thông tin – truyền thông của các quốc gia, xem thêm Michael Schmitt: The Sixth United Nations GGE and International Law in Cyberspace, ngày 10-6-2021,https://www.justsecurity.org/76864/the-sixth-united-nations-gge-and-international-law-in-cyberspace/.
(7) Chủ quyền dữ liệu đề cập đến quyền sở hữu và định đoạt dữ liệu; chủ quyền thông tin đề cập đến quyền công bố thông tin; chủ quyền không gian điện từ đề cập đến để kiểm soát không gian điện từ của nhà nước; chủ quyền kỹ thuật đề cập đến sự tự chủ, tự định hướng và phát triển độc lập của công nghệ. Xem BinXing Fang (2018), tlđd, tr.357.
9) Cách tiếp cận đa phương ở Liên hợp quốc của Trung Quốc về thúc đẩy nội dung chủ quyền không giang mạng là có hai lợi ích cho Bắc Kinh. Thứ nhất, cách này ưu tiên lợi ích của các chính phủ hơn lợi ích của các công ty công nghệ và các nhóm xã hội dân sự. Thứ hai, Trung Quốc có nhiều cơ hội trong vận động phiếu bầu của các nước đang phát triển, trong đó nhiều nước cũng muốn kiểm soát internet và luồng thông tin tự do.
(10) Fang Binxing được coi là cha đẻ của Bức tường lửa của Trung Quốc, trong bài phát biểu năm 2016 tại Diễn đàn Trung – Nga về chủ quyền internet, cho rằng hầu hết cơ sở hạ tầng internet được đặt tại Mỹ, điều đó có nghĩa là quản trị internet ngày nay được đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ. The Chinese Cyber Sovereignty Concept (Part 2), https://theasiadialogue.com/2018/09/07/the-chinese-cyber-sovereignty-concept-part-2/.
(11) Ghi chú của Chủ tịch OEWG, ban hành kèm theo Báo cáo của OEWG về ICT https://front.un-arm.org/wp-content/uploads/2021/03/Chairs-Summary-A-AC.290-2021-CRP.3-technical-reissue.pdf.
(12) Sách trắng về internet của Trung Quốc (2010), Chiến lược không gian mạng quốc gia (12-2016), Chiến lược hợp tác quốc tế về không gian mạng (3-2017), Dự thảo Chiến lược thông tin hóa quốc gia.
(13) Các công ty Trung Quốc hiện đang là đối tác công nghệ quan trọng dọc theo các tuyến đường BRI và ở Đông Âu, họ có vai trò lớn hơn trong các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế.
(14) Ủy ban Kỹ thuật 260 phụ trách phát triển các tiêu chuẩn an ninh mạng, đã ban hành 300 dự thảo về các tiêu chuẩn riêng biệt, nhiều tiêu chuẩn trong số đó hiện đã có hiệu lực thi hành.
(15) Tuyên bố chung giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V.Putin về hợp tác phát triển không gian thông tin (tháng 6-2016); Hiệp định hợp tác Trung Quốc và Nga về bảo đảm an ninh thông tin quốc tế năm 2015; Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Braxin về làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7-2014.
(16) Nadege Rolland (2020), An Emergin China’s centric-order: China’s vision for the new world order in practice. Adam Segal, China’s Vision for Cyber Sovereignty and the Global Governance of Cyberspace, p86.
(17) Luật về triển khai mạng của Đức quy định các công ty truyền thông xã hội có thể đối mặt với mức phạt 50 triệu euro nếu các công ty này không dỡ bỏ các phát ngôn tiêu cực bất hợp pháp và các bài viết/đăng tải khác trong vòng 24 giờ kể tử khi nhận được thông báo của nhà chức trách. Xingapo yêu cầu các nền tảng mạng xã hội thực hiện các cảnh báo đối với những bài viết/đăng tải bị Chính phủ cho là sai và dỡ bỏ các bình luận không phù hợp với “lợi ích công cộng”. Tại Mỹ, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang nghiên cứu việc sửa đổi hoặc thu hồi Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong thông tin năm 1996. Nhờ vào Mục 230 này, phần lớn đã giải phóng một số công ty internet khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung của bên thứ ba.
(18) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược an ninh mạng quốc gia”…, Nguyễn Việt Lâm: Chủ quyền không gian mạng: Lý thuyết, thực tiễn trong quan hệ quốc tế và những vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 971 (8-2021), tr.110-111.
(19) Nội hàm về chủ quyền không gian mạng có thể bao gồm các nội dung chính, như: phạm vi mở rộng chủ quyền quốc gia trong không gian mạng, quyền độc lập trong việc lựa chọn con đường phát triển trong không gian mạng, phòng thủ không gian mạng và quyền bình đẳng trong tham gia quản trị toàn cầu không gian mạng, các nguyên tắc liên quan trong Hiến chương Liên hợp quốc áp dụng trong không gian mạng…