Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24808

Bảo đảm cao nhất các quyền con người 

Sự vào cuộc quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu của Chính phủ đã mở ra hướng đi đúng đắn, góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ứng phó tốt nhất với dịch. Đến thời điểm này, “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong công tác kiểm soát dịch bệnh, ưu tiên bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm ổn định, an toàn xã hội, thực hiện các giải pháp thúc đẩy, duy trì và hồi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã thực sự phát huy tác dụng. 

Bộ Y tế đã cho phép thử nghiệm 2 loại vaccine COVID-19 gồm: Nanocovax của Công ty Nanogen (thử nghiệm trên người giai đoạn 1 từ ngày 10/12/2020) và Covivac của IVAC (dự kiến thử nghiệm trong tháng 01/2021). Dù quá trình thử nghiệm mới bắt đầu và vẫn còn nhiều thách thức, song cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.

          Bảo đảm quyền sống và quyền chăm sóc sức khỏe: Tuy ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng trong giai đoạn đầu chống dịch, Chính phủ đã hỗ trợ hoàn toàn các chi phí cho người dân, bao gồm xét nghiệm y tế, cách ly; điều trị miễn phí. Hiện, Việt Nam cũng đã gia nhập “cuộc đua” tìm kiếm vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trở thành một trong số 40 nước đầu tiên thử nghiệm vaccine trên người. Dự kiến, năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam. Cùng với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vaccine COVID-19 để bảo đảm kịp thời trong chữa trị COVID-19 cho người dân. 

Đồng thời, với tinh thần “người yếu thế không thấy mình bị bỏ rơi”, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) để hỗ trợ hơn 20 triệu người thuộc một số nhóm cụ thể: người lao động hợp đồng tạm nghỉ việc hoặc mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, các hộ kinh doanh cá thể, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo… nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Quyền tiếp cận thông tin chính xác về dịch bệnh cho người dân: Việt Nam xác định nguyên tắc đầu tiên trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 là công khai, minh bạch, không giấu dịch và coi đây là một trong những biện pháp hiệu quả để đẩy lùi dịch, nâng cao ý thức của người dân. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển đổi số, số hoá nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như giáo dục, y tế, thương mại…, thiết lập nhiều nền tảng liên quan tới chất lượng bưu chính, viễn thông nhằm thoả mãn nhu cầu của người dân; giúp bảo đảm sinh hoạt của người dân không bị gián đoạn. Quá trình chuyển đối số là một bước tiến lớn, giúp vực dậy nền kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu những rủi ro và nguồn vốn hiện đang hạn hẹp thậm chí là trong bối cảnh COVID-19. 

Quyền tự do và bảo hộ công dân: Tuy việc “giãn cách xã hội” đã làm gián đoạn kinh tế và chất lượng đời sống của người dân, thế nhưng chính nhờ những biện pháp quyết liệt, Việt Nam đã thành công ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng và trở thành một trong số ít những nước không có sự lây lan rộng trong cộng đồng. Đồng thời, Việt Nam đã liên tục phối hợp, trao đổi với các nước nhằm thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân ở nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã đưa được khoảng 50 nghìn công dân từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Hiện, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các đại sứ quán, văn phòng kinh tế, văn hóa Việt Nam cùng các địa phương liên quan tổ chức các chuyến bay tới những địa điểm chưa có kế hoạch giải cứu; chủ động thông tin, minh bạch về các chuyến bay để hỗ trợ người dân đăng ký, tránh bị lừa đảo. 

Thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III: Những thành tựu trong công tác phòng, chống dịch mà Việt Nam đã đạt được, nhất là trong bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, là minh chứng tốt nhất cho thực tiễn bảo đảm quyền con người nói chung và việc triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, vì lợi ích của người dân. 

Để tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn nữa các khuyến nghị của UPR chu kỳ III trong bối cảnh COVID-19 trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng các kịch bản phục hồi phù hợp với mục tiêu thực hiện các khuyến nghị mà vẫn có thể bảo đảm phục hồi kinh tế, tái ổn định tình hình an sinh xã hội, đặc biệt là tối đa hoá khả năng thụ hưởng các quyền con người; bảo đảm người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác và khuyến khích người dân tự giác thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, cũng như tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng để hồi phục nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chủ động hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các nước tại các cơ chế đa phương về phòng, chống dịch cũng như khôi phục kinh tế, đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người theo các khuôn khổ pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên.■ 

Box: Bộ Y tế đã cho phép thử nghiệm 2 loại vaccine COVID-19 gồm: Nanocovax của Công ty Nanogen (thử nghiệm trên người giai đoạn 1 từ ngày 10/12/2020) và Covivac của IVAC (dự kiến thử nghiệm trong tháng 01/2021). Dù quá trình thử nghiệm mới bắt đầu và vẫn còn nhiều thách thức, song cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.

Box: Hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục quá trình xây dựng Báo cáo giữa kỳ về thực hiện Kế hoạch tổng thể trong năm 2021 và chủ động, tích cực chuẩn bị cho việc tham gia UPR chu kỳ IV, dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2023 – 2024. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *