Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25900

Hỏi đáp về quyền con người – Bài 4

  1. Tại sao trong xã hội có phân chia giai cấp, khái niệm quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc?

Con người về bản chất, vốn có đặc quyền. Đó là những quyền tự nhiên, gắn với con người và chỉ có ở con người. Các quyền này biểu hiện dưới dạng những nhu cầu, do chính phẩm giá con người quy định nhưng để trở thành quyền, những nhu cầu ấy cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Pháp luật luôn bị chi phối bởi các chế độ chính trị cụ thể. Trong xã hội có phân chia giai cấp, quyền lợi các giai cấp luôn xung đột nhau. Vì thế, chính sách, pháp luật trước hết nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Khi pháp luật thừa nhận quyền của giai cấp thống trị cũng đồng thời hạn chế quyền của giai cấp bị trị, không thể có quyền ngang nhau cho mọi giai cấp.

Trong phạm vi quốc gia, quan điểm giai cấp thể hiện ở các chính sách bảo vệ hệ thống chính trị, chế độ xã hội hiện hữu, bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền, của các giai cấp, tầng lớp xã hội đã từng đấu tranh bảo vệ chế độ xã hội đó. Mặt khác, để duy trì sự thống trị, bất cứ nhà nước nào cũng buộc phải thừa nhận quyền của các giai cấp đối kháng. Nhờ đó quyền con người vẫn có bước phát triển nhất định trong các xã hội có đối kháng giai cấp sâu sắc.

Trên phạm vi quốc tế, tính giai cấp của quyền con người được thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa lực lượng cách mạng, tiến bộ với các lực lượng phản động, phản tiến bộ; từ việc xây dựng các văn kiện quyền con người đến việc thực thi quyền con người. Trong thế kỷ XX, tính giai cấp của quyền con người được biểu hiện bằng cuộc đấu tranh giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa với hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ngày nay cuộc đấu tranh này biểu hiện dưới hình thức chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực phản động với cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và độc lập dân tộc.

Quyền con người, về bản chất không có tính giai cấp nhưng trong xã hội có giai cấp đối kháng, quyền con người được hành động, ứng xử theo nhận thức hay “lăng kính” của mỗi giai cấp cụ thể. Chỉ thị 41 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004) chỉ rõ: “Các thế lực phản động, thù nghịch thực chất không quan tâm tới quyền dân chủ của nhân dân ta mà chỉ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ chống phá đất nước ta, do đó cuộc đấu tranh trên vấn đề nhân quyền là cuộc đấu tranh mang tính giai cấp sâu sắc sẽ diễn ra liên tục, lâu dài và quyết liệt”[1].

Trong khi nhận rõ tính chất giai cấp của quyền con người, cũng cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa vấn đề giai cấp trong giải quyết các vấn đề cụ thể về quyền con người. Vì điều này dễ dẫn tới cực đoan, làm cản trở sự hợp tác, tăng đối đầu trên lĩnh vực nhân quyền.

Trong xã hội Việt Nam, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động gắn liền với quyền lợi của đất nước, dân tộc; tính giai cấp của quyền con người thống nhất với tính nhân loại, tính phổ biến của quyền con người. Nói một cách cụ thể, trong xã hội Việt Nam, quyền con người của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo đảm, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo…

  1. Tại sao khẳng định quyền con người gắn với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia?

Thực tiễn lịch sử Việt Nam và nhiều nước từng trải qua quá trình đấu tranh giành độc lập đã cho thấy, đất nước bị nô lệ thì người dân không thể có tự do, các quyền con người sẽ bị chà đạp nghiêm trọng. Vì vậy, các dân tộc bị áp bức sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh để giành và giữ nền độc lập. Quyền dân tộc tự quyết đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nhân quyền, được ghi nhận ở điều đầu tiên của hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966.

Có thể nói, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người; không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không thể nói đến các quyền con người.

Bảo đảm quyền con người trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia. Trách nhiệm pháp lý này đã được LHQ quy định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Mặt khác, chính Hiến chương LHQ cũng nhấn mạnh: “Không quốc gia nào, kể cả LHQ, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền quốc gia”.

Ngày nay, quyền con người đã được quốc tế hóa về nhiều mặt, nhưng việc bảo đảm quyền con người chủ yếu vẫn thuộc thẩm quyền của các quốc gia. Sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền là rất quan trọng, vì có thể bổ sung thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, các cơ chế nhân quyền quốc tế chỉ nhằm bổ sung chứ không thể thay thế các cơ chế đang vận hành tại các quốc gia. Đối với việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trách nhiệm của quốc gia càng rõ – không có bất cứ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể đảm đương được việc bảo đảm các quyền này thay cho mỗi nhà nước. Đây là những nguyên tắc cần được nhận thức rõ ràng, đầy đủ.

Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi nhân quyền, nhưng điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là nhà nước phải sử dụng các điều kiện này để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi thành viên của quốc gia. Điều này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân tộc tự quyết với quyền con người và trở thành định hướng chính trị quan trọng trong mọi hoạt động bảo vệ quyền con người của Nhà nước Việt Nam.

Nhận thức đầy đủ quan điểm này giúp khắc phục được những nhận thức cực đoan, khước từ việc tiếp nhận, chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong việc bảo đảm quyền con người.

  1. Vì sao quyền con người gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của mỗi quốc gia?

Đảng ta cho rằng: “Quyền con người luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Do vậy không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thứccủa nước này cho nước khác”[2].

Quyền con người là giá trị được kết tinh từ những thành tựu, kinh nghiệm đặc sắc trong việc bảo vệ quyền con người của mỗi quốc gia. Chính nét đặc sắc trong việc bảo đảm quyền con người của mỗi quốc gia lại làm phong phú thêm giá trị chung về quyền con người.

Tính đặc thù của quyền con người còn bắt nguồn từ sự phát triển “không đều” về mọi mặt của thế giới, nên quyền con người cũng không thể được đáp ứng như nhau giữa các quốc gia, mà luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi nước. Tính đặc thù được thể hiện rõ trong hệ thống luật quyền con người; chẳng hạn việc cho phép một quốc gia bảo lưu khi tham gia một công ước, hoặc có các nghị định thư bổ sung cho một công ước nào đó, thể hiện việc thừa nhận sự “chưa ngang bằng” giữa các quốc gia[3]. Chính cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận thực tế này trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động: “Trong khi phải luôn ghi nhớ tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các tự do cơ bản”.

Quyền con người là giá trị phổ biến, nhưng đối với các nước đang phát triển, thực hiện đầy đủ các chuẩn mực nhân quyền là quá trình lâu dài. Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu trong việc cân bằng giữa ổn định xã hội với đảm bảo đầy đủ nhân quyền, có quyền xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền. Đương nhiên, không được tuyệt đối hóa tính đặc thù, vin vào những khó khăn nhất thời để trì hoãn việc thực hiện các cam kết, mà cần phải hướng tới sự phát triển tiến bộ, văn minh và tôn trọng nhân phẩm cho tất cả mọi người.

Việc khẳng định tính đặc thù của quyền con người tạo cơ sở lý luận bác bỏ mọi sự sao chép, áp đặt các mô hình dân chủ, nhân quyền; đồng thời đòi hỏi phải chủ động, sáng tạo trong việc bảo đảm các quyền con người phù hợp với thực tiễn mỗi quốc gia.

[1] Tài liệu Tổng kết Chỉ thị 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, NXB Chính trị-hành chính, H, 2012, tr.62.

[2] Chỉ thị 12-CT/TW (1992).

[3] Hầu hết các công ước nhân quyền đều có những điều khoản bảo lưu (tức thừa nhận sự khác nhau giữa các quốc gia) nhằm thu hút sự tham gia của mọi quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *