Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22465

Vì sao “cờ vàng” khó chịu khi hai nước Việt-Mỹ xích lại gần nhau?

Có những sự kiện ngoại giao được người dân Việt Nam tiếp nhận một cách bình thản, nhưng lại khơi dậy nhiều xúc động trong lòng các nhà chống cộng cờ vàng, chỉ vì chúng liên quan đến nước Mỹ – cường quốc mà họ xem như ông chủ.

Việc tàu sân bay USS Ronald Reagan và và Nhóm Tác chiến Tàu Sân bay 5 cập cảng Đà Nẵng hôm 25/06/2023 có thể xem như một ví dụ. Đây không phải là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam, trước đó đã có tàu USS Theodore Roosevelt năm 2020 và tàu USS Carl Vinson năm 2018. Đây cũng không phải là một chuyến thăm bất thường thể hiện một sự đột biến trong quan hệ đối ngoại: nó chỉ là chuyến thăm theo đúng lịch trình dự tính, nhằm đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ, một mối quan hệ vẫn được cải thiện đều đặn trong suốt những năm gần đây bất chấp nỗ lực phá hoại của các nhóm cờ vàng. Chỉ vậy thôi, nhưng các trang truyền thông cờ vàng cũng lên bài bình luận về sự kiện này suốt vài ngày, nhiều bài trong số đó mang tính đơm đặt, bịa chuyện hơn là dựa trên thực tế.

Một ví dụ điển hình là bài đăng hôm 05/07 trên fanpage của đảng Việt Tân, chứa hình ảnh các quân nhân Mỹ bước xuống tàu trên thảm đỏ. Việt Tân bình luận: “Xưa đánh đuổi Mỹ, chửi Mỹ, giờ trải thảm đỏ đón Mỹ”. Vâng, nhưng Việt Tân ạ, cái nước Mỹ ngày xưa chống cộng giờ cũng đang mời một tổng bí thư Đảng Cộng sản sang thăm. Thảm đỏ là nghi thức ngoại giao bình thường giữa hai quốc gia độc lập đã bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh, người dân Mỹ và Việt Nam đều muốn hòa bình, chỉ Việt Tân là không muốn.

Hành động trải thảm đỏ của Việt Nam không phải là nghĩa cử một chiều, nó đương nhiên được đáp lại bởi những hành động thiện chí từ phía Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã nhấn mạnh rằng chuyến thăm này “thể hiện cam kết chung của hai nước hướng tới một tương lai thịnh vượng và an ninh”. Trước đó, trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng thông báo rằng Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam, kể cả về mặt quân sự, để tăng cường các cuộc tuần tra dọc bờ biển Việt Nam. Mỹ có thể sẽ giao thêm một tàu nữa cho Việt Nam, bổ sung vào con số 24 tầu đã được giao từ năm 2016. Đó chính là cái thảm đỏ bằng hành động mà phía Mỹ đang trải cho Việt Nam.

Thế còn dân cờ vàng, những người luôn vỗ ngực tự xưng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống cộng? Nước Mỹ đã cắt tài trợ, bỏ rơi họ vào năm 1972, dẫn đến việc chế độ VNCH sụp đổ. Gần đây, nước Mỹ tiếp tục bỏ rơi họ khi cắt tài trợ và gỡ bỏ ô dù che chắn các tổ chức chống chính phủ Việt Nam. Người ta không thể không trầm trồ trước mức độ nô lệ của các nhóm cờ vàng như đảng Việt Tân, khi họ vẫn tôn thờ nước Mỹ bất chấp những thực tế này, thậm chí lãng quên lịch sử và quá khứ mới hôm qua để giữ nguyên lòng tôn sùng Mỹ,

Người dân hai nước Việt-Mỹ đang đối mặt với nhau bằng một thái độ khác. Một mặt, họ thừa nhận và ghi nhớ những diễn biến lịch sử có thật, như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc thảm sát Mỹ Sơn, hay các cuộc biểu tình của người Mỹ để phản đối cuộc xâm lược Việt Nam. Mặt khác, họ chào đón việc bình thường hóa quan hệ và việc hợp tác trong hòa bình giữa hai quốc gia. Trong mắt họ, hai việc này không hề mâu thuẫn. Đó là thái độ đáng có ở người dân các quốc gia độc lập, yêu hòa bình, và cũng là thái độ không có ở dân cờ vàng – những người vẫn sa lầy trong cái bóng của cuộc chiến chống cộng đã lùi xa. Đây chính là lý do khiến các trang cờ vàng không thể hiểu nổi thái độ thân thiện mà hai nước Việt-Mỹ đang dành cho nhau trong các công việc chung vào thời điểm hiện tại.

Sự bối rối của dân cờ vàng trước sự kiện này đã khiến họ phải tuyên truyền bằng những thông tin bịa đặt. Trong một bài đăng hôm 28/06, trang Nhật Ký Yêu Nước đã mô tả thuỷ thủ Đoàn Nhật Huyền Trân của tàu USS Ronald Reagan như một dạng thanh niên cờ vàng tiêu biểu, người gia nhập hải quân Mỹ để “chống Trung Quốc”, không khác các “biểu tình viên”. Nhưng hóa ra đây là chuyện bịa: trang BBC tiếng Việt cho biết Trân xin vào hải quân Mỹ chỉ vì chán làm nail, lại thích bộ đồng phục hải quân màu trắng. Và hóa ra Trân vẫn là người mang quốc tịch Việt Nam, có gia đình ở Việt Nam, chưa hề có quốc tịch Mỹ. Giờ đây, hẳn nhiều fan của Nhật Ký Yêu Nước phải chưng hửng khi thấy Trân vui vẻ trả lời phỏng vấn các tờ báo trong nước.

Trong câu chuyện của Việt Nam, của Mỹ, và của thủy thủ Đoàn Nhật Huyền Trân, chỉ có dân cờ vàng là không được chào đón bằng trải thảm đỏ. Trong cơn hằn học của họ khi thấy hai nước Việt-Mỹ trải thảm đỏ đón nhau, hẳn có sự ghen tị xen lẫn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *