Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20602

Trò hề trước Hội nghị Trung ương 5 của truyền thông “dân chủ”

 

Đã thành quy luật, cứ hễ Đảng, Nhà nước ta có bất kỳ sự kiện chính trị quan trọng nào, các đối tượng cơ hội, phản động lại lồng lên chống phá. Nhưng trước hội nghị này nhiều tháng, các kênh truyền thông có cái nhìn thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, VOA cùng các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chân trời mới media, Dân làm báo… hồ hởi, tích cực, hăm hở tung tin “đấu đá phe phái” trong Đảng, rằng sẽ có “thay đổi nhân sự”, thậm chí có tính “cách mạng” khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhưng rồi, cũng giống như sự kiện Đại hội XIII từng được họ “tuyên bố” là “đại hội cuối cùng của Đảng CSVN” thì Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá về phát triển kinh tế – xã hội, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… đã thành công tốt đẹp.

Chiêu trò công kích, đả phá của họ không có gì mới, đó là mượn tiếng nói, phỏng vấn mấy kẻ cơ hội, bất mãn, chống đối để “phát ngôn” những ý tưởng. Hoặc mấy cây bút Dân Làm báo, Tiếng Dân, …thì bóp méo, xiên xọ các vụ án, vụ việc, vấn nạn trong nước để  đơm đặt, xuyên tạc, dự báo Hội nghị Trung ương 5 theo ý đồ của họ.

Vậy là nhiều báo chí, mạng xã hội Việt Nam được dịp “nhớ lại” những “phân tích”, “bình luận”, “khẳng định” của truyền thông “dân chủ” nói trên trước Hội nghị Trung ương 5 để hiểu thêm về chiêu trò, thủ đoạn “đấu tranh dân chủ cho Việt Nam” của họ. Xin lấy một số dân chứng từ báo điện tử Bình Phước khá cụ thể như sau:

Chẳng hạn, ngày 28-4, kênh RFA đăng bài: “Những bất thường trước Hội nghị Trung ương 5” của Lê Hoàng Mai. Ngay phần sapo bài viết đã thể hiện góc nhìn méo mó: “Đảng quyền” không thể cứ tiếp tục lấn át “Chính quyền” mãi! Đó là một trong những kỳ vọng dư luận trông chờ ở Hội nghị Trung ương 5. Mọi diễn tiến bấy lâu nay, từ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đến đòi hỏi của các nhánh quyền lực và việc tống giam lãnh đạo những doanh nghiệp “thân hữu”… đều liên quan tới cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ, mà lần này có thể diễn ra ở tầng cao nhất”. Cho dù thời điểm đăng bài, Hội nghị Trung ương 5 chưa diễn ra nhưng Lê Hoàng Mai đã “cầm đèn chạy trước ôtô” khi bàn luận “banh trời” về những khó khăn, phức tạp của hội nghị. Kết luận bài báo, Lê Hoàng Mai viết: “Những vụ khởi tố, bắt giam lãnh đạo các doanh nghiệp “thân hữu” gần đây đều là do các phe cánh trong đảng đấu đá, tranh giành quyền lực chứ không phải chính quyền đẩy mạnh chống tham nhũng, thao túng trong thị trường tài chính. Đây là nhận xét của luật sư và tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, từ Hoa Kỳ”. Lê Hoàng Mai thì không ai biết là ai nhưng Cù Huy Hà Vũ – kẻ nổi tiếng xàm ngôn trong giới “dân chủ” thì ai cũng biết. Mang danh luật sư nhưng lại có những hành vi, lời nói bất chấp lý lẽ như Cù Huy Hà Vũ thì làm sao đủ tầm nhìn và sự khách quan để đánh giá một sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 5!

Cùng sự kiện này, ngày 5-5, trang BBC tiếng Việt có bài “Việt Nam: Nên phòng chống tham nhũng từ cấp tỉnh, thành?”. Đây là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng ta đưa ra bàn bạc và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5. Để tỏ ra khách quan, trang BBC tiếng Việt đã “hỏi ý kiến một số nhà quan sát từ Việt Nam”. Tuy nhiên, đối tượng phỏng vấn lại vẫn những gương mặt quen thuộc trong nhóm người chống phá đang khoác áo “dân chủ” như Trần Quốc Thuận. Khi đương nhiệm ở vị trí Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, ông Trần Quốc Thuận thường nói rất kêu về chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là phát ngôn trước báo chí. Vậy mà nghỉ hưu, ông ta trả lời báo Giáo dục Việt Nam rằng, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong điều hành trước đó vẫn thăng tiến, thậm chí giữ chức vụ cao hơn. Đây là lỗ hổng rất lớn trong công tác cán bộ. Ông phân tích nhiều và hiến kế cũng rất nhiều, toàn những điều ai cũng thấy và nói được. Nhiều người ngạc nhiên là tại sao khi còn tại vị, với vị trí quan trọng tại Văn phòng Quốc hội, ông lại không hiến kế được gì? Giờ nghỉ hưu, bị các thế lực chống phá xỏ mũi dắt đi bằng kế sách tung hô và cả Mỹ kim, ông ta “đổi màu” như con tắc kè hoa và trở thành con rối trong tay các tổ chức phản động. Sau Hội nghị Trung ương 5, ông Thuận phát biểu trên BBC thế này: Tham nhũng tại Việt Nam như con virus ăn sâu vào tế bào của Đảng Cộng sản, từ trên xuống dưới, nó còn tệ hơn cả đại dịch Covid! Rằng, những vụ khởi tố bắt giam và xét xử gần đây chỉ là bọt nước trên ngọn sóng biển… Dẫn ra như thế để bạn đọc nhận rõ nhân cách, bộ mặt thật của kẻ trở cờ, lật lọng Trần Quốc Thuận!

Không chỉ xuyên tạc các nội dung Hội nghị Trung ương 5, các đối tượng chống phá còn tung ra những thông tin mang tính suy diễn, quy chụp về công tác cán bộ của Đảng nhằm gây hoang mang dư luận. Mũi nhọn công kích được các đối tượng xấu hướng tới là chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì đây là tiền đề để cả nước phát huy mạnh mẽ hơn nữa những kết quả đã đạt được, đưa công tác phòng, chống tham nhũng vừa lan tỏa về chiều rộng vừa đi vào chiều sâu.

Tham nhũng là vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã chống tham nhũng một cách quyết liệt, không khoan nhượng, không có “vùng cấm” và đã đạt những kết quả tích cực, củng cố niềm tin trong nhân dân. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo khởi tố nhiều vụ án nổi cộm, trong đó phải kể đến vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, những sai phạm tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng… Nhiều bị can là cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đã xộ khám. Từ thực trạng đó, việc Trung ương quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đẩy lùi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhưng với dã tâm đen tối, các đối tượng chống phá lại rêu rao rằng: Việt Nam đang bế tắc trước nạn tham nhũng, rằng chống tham nhũng loay hoay như kiến leo cành đa…

Những luận điệu xuyên tạc kết quả Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII và đường lối đổi mới của Đảng ta có thể làm lung lay một số người thiếu vững vàng về bản lĩnh, thiếu niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Song, nó cũng cho thấy sự hậm hực, cuống cuồng một cách lộ liễu, kiểu “cà cuống chết đến đít còn cay” của những đối tượng thù địch, cơ hội trước sự thành công, trên dưới một lòng của Đảng ta tại hội nghị quan trọng này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *