Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11857

Tổng LĐLĐ Việt Nam không bỏ phiếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021

Trưa 5.8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu biểu quyết tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo tháng năm 2020 đến hết năm 2021. Tuy nhiên, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã không tham gia bỏ phiếu. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG), cho hay căn cứ cơ sở khoa học thực tiễn, dữ liệu dự báo của Chính phủ và của các chuyên gia, năm 2021 tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn.

Vì vậy, HĐTLQG đã quyết định đề xuất phương án tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo tháng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh trong năm 2021); đồng thời, chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng.

Hội đồng tiền lương quốc gia "chốt" không tăng lương tối thiểu năm 2021 /// Ảnh Thu Hằng

Hội đồng tiền lương quốc gia “chốt” không tăng lương tối thiểu năm 2021 ẢNH THU HẰNG

Một bất ngờ lớn đã xảy ra trước khi bỏ phiếu, 4 đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xin không tham gia bỏ phiếu bởi phương án trên chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động (NLĐ).

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho hay trước phiên họp này, đại diện cho NLĐ đã đưa ra 2 phương án là tăng 3,95% và phương án tăng 2,95% áp dụng từ 1.7.2021. Đây mới chính là nguyện vọng của NLĐ.
Tuy nhiên, tại phiên họp này, sau khi nghe ý kiến của các bên, đại diện cho phía người lao động, ông Quảng đề xuất: “Chúng ta tạm thời chưa điều chỉnh lương tối thiểu mà vẫn tiếp tục theo Nghị định 90 nhưng chỉ dừng đến mốc 1.7.2021. Đầu năm 2021, căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội chúng ta có thể điều chỉnh hoặc không điều chỉnh, nhưng nếu điều chỉnh sẽ bắt đầu từ 1.7.2021. Vì vậy, các thành viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định không tham gia bỏ phiếu”.

Ông Thanh cho biết: “Tại phiên họp này, các bên đều thống nhất chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp (DN) trước đại dịch Covid gây ra. Trước hết, với DN ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, vật liệu, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn đó ảnh hưởng tới việc làm của NLĐ.
Khó khăn này DN cố gắng vượt qua, trước hết để duy trì việc làm, hỗ trợ NLĐ và NLĐ cũng nên chia sẻ với DN. Chính phủ đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN và NLĐ bằng các biện pháp giảm thuế phí, giảm đóng bảo hiểm, chúng tôi rất mong DN chia sẻ với NLĐ để có cuộc sống tốt hơn”.

Theo ông Thanh, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được khống chế vào đầu năm, nhưng tháng 7 đã bùng phát trở lại tại một số địa phương. Chính phủ đang quyết liệu đưa ra các biện pháp khống chế, phòng chống dịch, ngăn chặn được dịch trong thời gian sớm nhất.

Lý giải lý do “chốt” phương án lương tối thiểu tại phiên họp thứ 2, ông Thanh cho biết, thời gian đàm phán đã hết, trong quý 3, HĐTLQG phải báo cáo Chính phủ phương án lương tối thiểu. Vì vậy, tại phiên thứ 2 HĐTLQG đã quyết định bỏ phiếu.

Ông Thanh cho biết thêm, các đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại HĐTLQG đã không tham gia bỏ phiếu và đề xuất phương án điều chỉnh lương vào tháng 7.2021. Tuy vậy, với tỷ lệ 9/13 thành viên bỏ phiếu thông qua, việc giữ mức lương tối thiểu năm 2021 như năm 2020 là hoàn toàn hợp lý.

Trước quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh chia sẻ: “Sau cuộc họp này, các thành viên HĐTLQG sẽ phải tiếp tục gặp nhau để làm sao tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động và và NLĐ .

Chúng tôi sẽ nghiên cứu nếu tình hình Covid được đẩy lùi, chúng ta sẽ gặp nhau để thương lượng phương án lương tối thiểu 2021. Các ý kiến của của Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ được đưa vào khuyến nghị với Chính phủ”.

Thu Hằng

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *