Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
84354

KỲ III: TÔI LÀ NGƯỜI HIỂU VIỆT NAM

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với dải đất hình chữ S hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến mọi thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Và vì yêu quý Việt Nam, bà đã tự học tiếng Việt, biên soạn rất nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, dịch hồi “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” cùng cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

 

Phóng viên: Bà tới Việt Nam lần đầu vào năm 1969 và làm việc cho một tổ chức thiện nguyện. Trước khi đến, bà biết gì về Việt Nam?

Nhà văn Lady Borton:

Khi gia nhập tổ chức thiện nguyện vào năm 1967, ban đầu tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều. Đến năm 1969 thì tôi sang Việt Nam như một nhân duyên. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết một chút ít về Việt Nam. Tôi sang Việt Nam không phải làm y tá hay bác sĩ mà làm quản lý. Hồi đó, chúng tôi cung cấp các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Bạch Mai và một số trang bị y tế cho người dân. Chúng tôi cũng có một trung tâm đào tạo chỉnh hình ở Quảng Ngãi.

Bà Lady Borton ở Núi Thiên Ân, Quảng Ngãi năm 1969.

Với tư cách là một quản lý, tôi thường xuyên tiếp xúc với người dân Việt Nam để hiểu được nỗi đau khổ của người dân trong chiến tranh. Tôi cũng thấu hiểu sự mất mát, đau thương của cả người Mỹ khi họ tham gia cuộc chiến tranh này.

Phóng viên: Vậy sau khi đến Việt Nam (lần đầu tiên), bà thấy thế nào?

Nhà văn Lady Borton:

Lúc mới sang Việt Nam, tôi phải học tiếng Việt và chưa tiếp xúc được nhiều với người dân ở đây. Tại Quảng Ngãi, ngoài công việc chính, tôi còn lái xe đưa đón bệnh nhân, tới nhà giúp đỡ người dân, từ đó tôi biết được người dân ở đây sinh hoạt ra sao, cuộc sống của họ bị chiến tranh ảnh hưởng như thế nào… Qua quá trình tiếp xúc với người dân miền Trung Việt Nam, tôi bắt đầu tập viết để ghi lại những gì mình gặp, những câu chuyện được nghe…

Thời điểm tôi tới Quảng Ngãi cũng trùng thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đặc biệt hơn nữa là khu vực tôi có mặt lại là vùng mà ban ngày thuộc sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hoà nhưng ban đêm thì Mặt trận Giải phóng hoạt động mạnh. Dẫu vậy, khi đó tổ chức thiện nguyện mà tôi phục vụ tiến hành giúp đỡ không phân biệt người dân thuộc sự quản lý bên nào.

Có một điều tôi ấn tượng mãi, đó là về những phụ nữ Việt Nam phục vụ trong căn cứ quân đội Mỹ gần đó. Họ làm công tác lau dọn vệ sinh, thông thường rời căn cứ vào khoảng 5h chiều sau khi bị lính Mỹ kiểm tra gắt gao. Quân đội Mỹ nghi ngờ họ do thám căn cứ nhưng không tìm được bằng chứng. Sau này hoà bình, tôi có gặp lại một số người trong số họ và thực tế đúng là họ có do thám căn cứ Mỹ. Họ sử dụng trí nhớ để lưu lại các vị trí trọng yếu trong căn cứ rồi về báo lại cho bộ đội.

Phóng viên: Chứng kiến thời khắc chiến tranh chấm dứt vào năm 1975 ở Việt Nam, bà thấy thế nào?

Nhà văn Lady Borton:

Vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1975, tôi có mặt ở Hà Nội trong một phái đoàn giáo dục. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ vào miền Nam,  nhưng rồi Chiến dịch Tây Nguyên với Chiến thắng Buôn Ma Thuột diễn ra, tiếp đó là một loạt chiến thắng khác của Mặt trận giải phóng nên chúng tôi không rời miền Bắc. Khi dịch cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi mới biết lúc đó, Việt Nam đã dự trù kế hoạch giải phóng, thống nhất đất nước trong vòng 2 năm và khi có những diễn biến mới, kế hoạch trên được điều chỉnh rút ngắn lại.

Nhà văn Lady Borton trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.

Phóng viên: Gắn bó với Việt Nam mấy chục năm, bà thấy sự đổi thay của Việt Nam ra sao?

Nhà văn Lady Borton:

Tôi đã biết Hà Nội từ khi đất nước Việt Nam đang có chiến tranh ở miền Nam. Hồi đó, Hà Nội đã có hoà bình rồi nhưng đường phố rất hiếm xe ô tô. Tôi nhớ như in lúc đó mọi ngả đường của Hà Nội hoàn toàn chỉ có xe đạp, xích lô, thậm chí cả xe bò…

Bây giờ thì mọi thứ đã khác. Tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng này. Hà Nội giờ không thiếu một thứ gì. Nhưng con người Hà Nội thì vẫn giữ được truyền thống văn hoá lâu đời.

Phóng viên: Vậy bà ấn tượng điều gì nhất về người Việt?

Nhà văn Lady Borton:

Người Việt Nam luôn đoàn kết và gắn bó với nhau. Cách họ gọi nhau là “đồng bào” nói lên tất cả. Tôi có hai người bạn từng có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Họ cho tôi biết, câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” hoàn toàn không có trong văn bản. Và tôi rất ấn tượng khi biết được ý nghĩa của hai chữ “đồng bào” trong tiếng Việt.

Phóng viên: Đó cũng là lý do để bà học tiếng Việt?

Nhà văn Lady Borton

Vâng, tôi bắt đầu học tiếng Việt vào năm 1969, bằng cách đọc báo, nghe đài phát thanh, xem vô tuyến truyền hình và cố gắng nói chuyện với người Việt càng nhiều càng tốt. Tiếng Việt vừa hay, vừa phong phú và cũng rất khó nhưng để hiểu người Việt, tôi đã nói, viết được tiếng Việt. Khó nhất là việc dùng dấu vì tiếng Anh không có dấu.

Có lẽ tại tôi luôn cố gắng, những gì không hiểu thì tôi luôn tìm cách để nhờ người khác giải thích. Với những chỗ khúc mắc trong bản thảo, tôi cũng đều nhờ những người bạn Việt Nam giải thích. Vì thế, tôi mới có thể dịch và truyền tải những câu chuyện từ phía Việt Nam về Điện Biên Phủ hay Hiệp định Geneva.

Phóng viên: Vậy Việt Nam có ý nghĩa thế nào đối với bà?

Nhà văn Lady Borton:

Tôi yêu Việt Nam. Đất nước này là quê hương thứ hai của tôi. Khi nói chuyện với những người Việt Nam, tôi vẫn thường dùng tên gọi bằng tiếng Việt là “Út Lý”. Tôi cũng có nhiều bạn Việt Nam quen biết nhau hơn 50 năm. Mỗi lần trở lại đây, tôi đều có cảm giác như mình trở về nhà. Cũng có lẽ vì thế mà nhiều người còn gọi tôi là “Người phụ nữ Mỹ hiểu rõ Việt Nam nhất” (cười).

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện thú vị này.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *