Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10092

Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5: Gìn giữ tinh thần nhân đạo

Ngày 8/5 hàng năm là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hưởng ứng phong trào này, từ đầu năm nay, nhiều hoạt động trợ giúp những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng tiếp tục được triển khai.

Phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu

Cách đây 165 năm, ngày 24/6/1859 ở thành phố Solferino, miền Bắc nước Italy, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp – Italy chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.

Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách “Ký ức về Solferino”. Cuốn sách được hoàn thành năm 1862 đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một hội cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, người danh tiếng, khách có tên tuổi để chăm sóc người bị thương khi có chiến tranh; vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.

Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt – chữ thập đỏ trên nền trắng – để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua.

Henry Dunant – người khởi xướng Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế được thành lập. Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập là dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu.

Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế. Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Đến năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

Gìn giữ tinh thần nhân đạo

Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 2024 có chủ đề “Gìn giữ tinh thần nhân đạo”. Thông điệp này như một lời nhắc nhở sâu sắc về cam kết lâu dài của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhằm đề cao tinh thần nhân đạo, giảm bớt đau thương và mở rộng trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và khó tiếp cận.

Thông điệp chính của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Tại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ (Hội) là thành viên có những đóng góp tích cực đối với phong trào này. Hàng năm, Hội đều xây dựng Đề án tổ chức Tháng Nhân đạo vào tháng 5.

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội cho biết, tháng 5 vừa có ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, vừa là tháng kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, trong đó có ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) – người đã đặt nền móng cho tư tưởng nhân đạo. Vì vậy, Hội chọn tháng 5 là tháng cao điểm vận động toàn dân làm nhân đạo với mong muốn thông qua đó kêu gọi sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng làm nhân đạo để lan tỏa tốt hơn truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.

Năm 2024, Tháng Nhân đạo có chủ đề “Hành trình nhân đạo – Trao nhận yêu thương”. Ngay từ đầu năm, Trung ương Hội đã phát động chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái” nhằm tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tinh thần đoàn kết, nhân ái của dân tộc gắn với các hoạt động của Hội như: Bảo vệ môi trường (trồng cây xanh, thu gom rác thải nhựa…), hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo…

Phát động chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”.

Hội cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT tổ chức Chiến dịch gây quỹ mang tên “Triệu bước chân nhân ái”. Chiến dịch hướng tới mục tiêu thu hút 70.000 người tham gia trên nền tảng trực tuyến V-Race, đạt 700.000 km, vận động kinh phí tài trợ 7 tỷ đồng.

Toàn hệ thống Hội trợ giúp 100.000 địa chỉ nhân đạo. Trong đó, mỗi tỉnh, thành Hội vận động, kết nối xây mới, sửa chữa 1 điểm bếp ăn bán trú/nội trú tại các các trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 150 triệu đồng/điểm; xây dựng, sửa chữa 2 nhà Chữ thập đỏ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên hộ ngư dân nghèo, khó khăn, trị giá tối thiểu 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ sinh kế, gắn địa chỉ nhân đạo đối với ít nhất 50 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá hỗ trợ tối thiểu 5 triệu đồng/hộ; tổ chức được ít nhất 01 công trình, phần việc nhân đạo, chương trình gắn địa chỉ nhân đạo có sự tham gia ủng hộ trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương…

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *