Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
55902

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với dải đất hình chữ S hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến mọi thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Và vì yêu quý Việt Nam, bà đã tự học tiếng Việt, biên soạn rất nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, dịch hồi “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” cùng cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

KỲ I: ĐIỆN BIÊN PHỦ- CHIẾN THẮNG CỦA TRÍ TUỆ VÀ TOÀN DÂN

Phóng viên: Xin chào nữ văn sĩ Lady Borton, chúng tôi được biết, bà đang hợp tác với Nhà xuất bản Thế Giới để cho ra mắt cuốn sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond” (tạm dịch là “Cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam: Điện Biên Phủ và những điều bên ngoài“). Bà có thể tiết lộ chút ít về nội dung cuốn sách?

Nhà văn Lady Borton:

Cuốn sách này của tôi tập hợp tư liệu từ những người từng tiếp xúc trực tiếp hoặc có quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuốn sách này, tôi có trình bày một số chi tiết ít người biết về hai danh nhân của đất nước các bạn. Chẳng hạn như từ các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc sinh thời) thì Bác Hồ có trình độ rất cao về quân sự. Đây là chi tiết mà giới nghiên cứu thế giới ít chú ý.

Theo tôi tìm hiểu, vào năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là thông dịch viên cho một cán bộ Liên Xô (thuộc Quốc tế Cộng sản). Để dịch đúng thì phải hiểu nội dung, tức là phải có kiến thức về quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh với khả năng về tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt đã vừa dịch, vừa học kiến thức về quân sự. Tài liệu tôi thu thập được cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giỏi về trinh sát quân sự. Như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng cho biết, ông là người thực hiện tác chiến trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vạch chiến lược tổng thể.

Nữ nhà văn Mỹ Lady Borton

Ngoài ra, trong cuốn sách, tôi còn bổ sung thêm bối cảnh cho những sự kiện đã diễn ra trong thời gian từ năm 1945-1954. Vì để hiểu rõ một sự kiện, cần phải biết về bối cảnh diễn ra của nó. Trong cuốn sách này, tôi cũng đề cập đến nhiều câu chuyện của những người từng tham gia cuộc kháng chiến 9 năm. Đó là bộ đội, dân công và có cả những cán bộ quân sự cấp cao như GS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản – người đã có đám cưới diễn ra  ngay trong hầm De Castries…

Cũng cần phải nói thêm rằng, khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, tôi mới 12 tuổi và chưa biết gì về sự kiện này. Sau này, tôi cũng từng đọc một cuốn sách về Paris vào những năm 1950 và thật kỳ lạ khi phát hiện nội dung không đề cập nhiều đến sự kiện Điện Biên Phủ, thay vào đó là Hiệp định Geneva. Tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy rằng, thời điểm đó, một số người Pháp nghĩ Việt Nam đơn giản là một nước thuộc địa. Họ không muốn Việt Nam giành lại độc lập. Nhiều người tại Mỹ cũng có suy nghĩ tương tự.

Phóng viên: Bà mất bao lâu để tìm kiếm đủ tư liệu cho quá trình viết sách? Xinchia sẻ về một vài tư liệu độc đáo màtìm được trong quá trình này.

Nhà văn Lady Borton:

Từ năm 1969, khi lần đầu đến Việt Nam, tôi đã tiếp xúc với nhiều người theo Cách mạng. Sau này, tôi cũng gặp nhiều người khác sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện riêng của họ trong chiến tranh. Các tư liệu tìm được, tôi đều chuyển cho bạn bè của tôi ở Việt Nam để xác thực và tổng hợp. Đơn cử như việc tôi tìm được một lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Hoàng thân Souphanouvong của Lào, trong đó đề cập về việc hai người không gặp được nhau. Lúc đó, lãnh tụ của Lào có mặt ở căn cứ Việt Bắc. Qua lá thư, tôi xác định với các bạn bè ở Bảo tàng Hồ Chí Minh được là, vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang công du Trung Quốc và Liên Xô. Đây là một chi tiết ít người chú ý. Hoặc như khi tôi dịch cuốn sách “Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử”, tôi tìm tài liệu qua những bạn bè và thành viên gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với cuốn sách mới, tôi cũng muốn giới thiệu hệ thống quan hệ đối ngoại của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngay khi mới thành lập. Đó là mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru. Theo tìm hiểu của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen biết với thân phụ của Thủ tướng Jawaharlal Nehru từ năm 1927. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt tại Trung Quốc, Người viết các bài thơ thuộc tập “Nhật ký trong tù”, trong đó có 1 bài tặng ông Jawaharlal Nehru. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết thư cho ông Jawaharlal Nehru. Sau khi Hà Nội được giải phóng (tháng 10/1954), ông Jawaharlal Nehru có tới Hà Nội cùng con gái, bà Indira Gandhi. Lần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận bà Indira Gandhi là cháu gái. Khi bà Indira Gandhi lên làm Thủ tướng Ấn Độ, chính quyền Washington từng sử dụng nhu cầu của Ấn Độ muốn nhập khẩu lương thực từ Mỹ để gây sức ép, buộc bà thuận theo chính sách của Mỹ đối với Việt Nam nhưng không được.

Một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nữ nhà văn Lady Borton.

Phóng viên: Lý do bà lại chọn thời điểm này để ra mắt sách?

Nhà văn Lady Borton:

Tôi có một người bạn Việt Nam đã quen nhau hàng thập kỷ. Khi bản tuyên ngôn độc lập ra đời, chị ấy mới 10 tuổi. Lúc đấy, Việt Nam rất khó khăn khi vừa chịu nạn đói lớn vào năm 1945, đa phần dân chúng thì mù chữ… Chị ấy đã đặt một câu hỏi cho tôi rằng, với tình hình một quốc gia như thế, tại sao sau 9 năm, Việt Nam có thể đánh bại Pháp và phần nào đó là cả Mỹ (nước đóng góp tới 80% chiến phí trong những năm cuối của chiến tranh Đông Dương lần 1 – theo cách gọi của giới sử gia Phương Tây) tại Điện Biên Phủ.

Năm nay kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và tôi muốn làm một điều gì đó đặc biệt. Trở lại Việt Nam lần này, tôi sẽ dành một tháng để hoàn thành bản thảo cuối cùng cho cuốn sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond”.

Trả lời cho hai câu hỏi: “Tại sao Việt Nam chiến thắng sau 9 năm kháng chiến? Tại sao có chiến thắng Điện Biên Phủ?” có lẽ không có gì hơn ngoài thuật ngữ “chiến tranh nhân dân” (pepople’s war). Như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định, không có những người dân làm ruộng thì lấy đâu ra gạo nuôi bộ đội đánh giặc.

Phóng viên: Thuật ngữ “people’s war” (chiến tranh nhân dân) trong cuốn sách nghĩa là gì và tại sao bà dùng thuật ngữ này làm tiêu đề cuốn sách?

Nhà văn Lady Borton:

Thuật ngữ “people’s war” (chiến tranh nhân dân) là cả nước tham gia phục vụ cho kháng chiến. Từ người già, thanh niên, phụ nữ cho cả đến thiếu nhi đều có thể góp sức phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Điều này đặc biệt đúng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Như tôi từng nhắc tới ở trên về GS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản – nữ chiến sĩ quân y trong đám cưới nổi tiếng cùng chú rể Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn Quân Tiên Phong (sau này ông là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được tổ chức ngay trong hầm De Castries. Bà Ngọc Toản xuất thân trong gia đình giàu có tại Huế nhưng đã tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi.

Hay như người bạn Việt Nam mà tôi nói từng lý giải với tôi rằng, gọi là chiến tranh nhân dân vì Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể lãnh đạo Việt Nam thời đó đã tập trung huy động sức mạnh toàn dân tham gia cuộc kháng chiến. Những tài liệu tôi thu thập được cũng khẳng định điều này. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cuộc kháng chiến không chỉ có vấn đề quân sự mà bao gồm việc huy động nhân dân tham gia, cũng như các mối quan hệ quốc tế thời điểm đó. Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh, cách nhìn nhận này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.

Người bạn của tôi cũng chỉ cho tôi về cách thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể lãnh đạo Việt Nam thời đó áp dụng để huy động được sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp kháng chiến chính là bắt đầu từ thế hệ trẻ bao gồm thanh niên và thiếu nhi. Minh chứng là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước chỉ ít ngày sau khi đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Phóng viên: từng khẳng định trong bài phỏng vấn rằng, “chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của trí tuệ toàn dân”, vậy chiến thắng nhân dân ở đây là gì?

Nhà văn Lady Borton:

Vấn đề trí tuệ tôi đề cập ở đây không trùng với trình độ văn hoá. Những người dân có thể không biết chữ nhưng có sự sáng tạo. Địa đạo là một minh chứng. Nhiều người được đào tạo, giáo dục đầy đủ nhưng chưa chắc đã biết cách tạo ra một địa đạo, nhưng những người dân bình thường không biết chữ lại hiểu rõ điều này. Còn khái niệm toàn dân có nghĩa là khi xuất hiện một vấn đề thì toàn bộ nhân dân từ già đến trẻ sẽ tham gia giải quyết.

Một điểm lưu ý nữa là, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ nhưng trong đó chỉ có 4 người dân tộc Kinh, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Thời đó, đa phần người dân tộc thiểu số đã biết chữ quốc ngữ đâu. Tất nhiên, họ có nhiều kỹ năng nhưng không biết chữ vẫn là một hạn chế. Khi Mặt trận Việt Minh ra đời, các lớp dạy chữ đã được tổ chức, việc học chữ giúp họ có thể đọc và hiểu những thông điệp từ Cách mạng. Với tôi, đây là minh chứng Cách mạng không chỉ có các vấn đề lớn lao như độc lập, tự do; mà với quần chúng bình thường, nó còn là những thay đổi trong đời sống xã hội hàng ngày.

Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945 – 1954) của Việt Nam.

Phóng viên: Với tư cách là một học giả, bà đánh giá thế nào về Chiến thắng Điện Biên Phủ và ảnh hưởng của nó tới lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?

Nhà văn Lady Borton:

Tôi có vài lần đến Điện Biên và lần nào đến đó, tôi đều rất xúc động. Khi Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra, tôi vẫn là một cô bé. Lúc bắt đầu dịch cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh, tôi muốn tìm hiểu bối cảnh mà thế hệ những người như Đại tướng đã trải qua. Đó là thế hệ đã trải qua gian khổ để giành chiến thắng cho đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện quyết tâm của người Việt Nam để có đầy đủ độc lập – tự do. Cần nói rõ thêm rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều nước Phương Tây không mong muốn Việt Nam thống nhất và đã có nhiều hành động để chia tách Việt Nam lâu dài. Sau này, lý giải cho hành động trên, họ nguỵ biện đó là cuộc chiến chống tư tưởng cộng sản. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi cho rằng, họ làm thế bởi cuộc đấu tranh của Việt Nam và đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra tấm gương, kinh nghiệm và bài học cho những thuộc địa khác tiếp bước.

Sinh ngày 8/9/1942 tại Thủ đô Washington DC(Mỹ), bà Lady Borton (tên tiếng Việt là Út Lý) là con gái của John Carter, một nhân viên làm việc tại Phòng Thươngmại Hoa Kỳ và Mary Borton- một nữ nhà văn lấy bút danh là Newlin. Bà Lady Borton từng dành 16 năm để học 6 đại học ở Mỹ (1962-1979). Người phụ nữ Mỹ này có một cuộc đời đầy phong phú, khi từng làm giáo viên, trợ lý Giám đốc chương trình từ thiện, là nhà văn tự do, phóng viên ảnh, điều phối viên của Tổ chức Chữ Thập đỏ… Sau khi dành nhiều năm tháng sống cùng bà con nông dân ở các làng quê Việt Nam, bà đã viết hai cuốn sách về Việt Nam: “Phía sau nỗi buồn”kể những người phụ nữ Việt Nam trong và sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và “Tìm hiểu kẻ thù”viết về những người di tản Việt Nam bằng đường biển. Bà cũng cùng với David Thomas viết cuốn “Hồ Chí Minh: Một chân dung”. Bên cạnh đó, bà còn dịch rất nhiều cuốn sách sang tiếng Anh như hồi ký “Gia đình, bạn bè, đất nước tôi” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư, hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” và cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Từng hai lần là khách mời đặc biệt của chương trình Người đương thời trên VTV3, nữ văn sĩ Lady Borton được nhiều người Việt Nam yêu mến và biết đến qua những tên gọi: “Sứ giả đem văn hóa Việt sang Mỹ và thế giới”, “Người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam cặn kẽ nhất”, “Nhà văn đã sáng tác nhiều tác phẩm về Việt Nam”…

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *