Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
47120

Tiếc cho những tư duy nặng thù hận!

 

Gần nửa thế kỷ trôi qua, Việt Nam đã dần dần hàn gắn vết thương chiến tranh và đạt được sự phát triển vượt bậc. Các cựu thù đều trở thành đối tác làm ăn, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Những người Việt bất kể vì lý do rời đất nước ra đi, đều được khuyến khích trở về, đóng góp công sức xây dựng quê hương. Thế những, buồn thay, vẫn còn một số đối tượng xấu vẫn cố tình bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, đồng thời truyền bá những tư tưởng hận thù, chống phá.

Dịp Việt Nam kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang được các đối tượng chống phá Việt Nam làm nóng vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, núp dưới danh nghĩa này để đào xới, xuyên tạc quá khứ, đều hướng đến. Họ ngang ngược cho rằng: Chỉ khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Những hoạt động ngang ngược, không cần biết lý lẽ, lợi ích dân tộc này lại được một số dân biểu ở đây tiếp tay cho chúng.

Chẳng hạn vào dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thì ngày 5-4-2021, Thượng nghị sĩ Tom Umberg ra cái gọi là thông cáo xuyên tạc sự thật về chiến tranh Việt Nam và ngang nhiên tuyên bố một cách hàm hồ và lố bịch rằng: “Tôi muốn người dân California dành thời gian hằng năm vào ngày 30-4 để tưởng nhớ những người lính, nhân viên y tế và thường dân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Việt Nam để theo đuổi tự do và dân chủ… Chính quyền cộng sản độc tài Việt Nam không nên khơi gợi lại quá khứ Sài Gòn thất thủ đau buồn, không ăn mừng chiến thắng 30-4 thì người Việt tại Mỹ mới chấp nhận hòa hợp dân tộc”. Chưa hết, ông ta còn đệ trình trước Thượng viện California bản Nghị quyết SCR2 với những nội dung sai trái về chiến thắng 30-4 của Việt Nam. Lố bịch hơn, ông ta đã trắng trợn xuyên tạc lịch sử Việt Nam bằng luận điệu của kẻ vô hồn rằng: Tháng tư đen là thời điểm tang tóc, thời điểm tưởng nhớ, không chỉ cho những sinh mạng đã mất trong chiến tranh mà còn là cuộc sống của những người Việt Nam trong cuộc đấu tranh lịch sử vì tự do và nhân quyền.

Với bản dự thảo Nghị quyết SCR2 cùng những phát ngôn quái thai của mình, Tom Umberg đã giễu cợt chính nhân cách của ông và uy tín của nước Mỹ một cách khôi hài. Vì, tinh thần hòa hợp hay hòa giải hoặc đoàn kết dân tộc là ý nguyện của người dân Việt Nam ở trong nước và đông đảo người Việt ở hải ngoại. Hơn nữa, trong lịch sử nhân loại chưa từng có chuyện kẻ thua trận yêu cầu người chiến thắng phải quên đi vinh quang của mình để được nhận cái bắt tay của kẻ chiến bại. Trong khi đó, đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng 30-4 là chiến thắng của chính nghĩa và sức mạnh đoàn kết dân tộc; là thắng lợi trọn vẹn nhất, vững chắc nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đối với nhân loại, chiến thắng 30-4 mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, được nhân loại tiến bộ công nhận, đánh giá cao.

Bằng chứng là chỉ một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1-5-1975, hãng tin AFP của Cộng hòa Pháp đã viết: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần”. Còn tờ Asahi Simbun của Nhật số ra ngày 1-5-1975 đăng bài xã luận, trong đó có đoạn viết: Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó có thể khẳng định thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt. Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Time ngày 1-5-1975, chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng Việt Nam. Thời báo này còn dẫn tập tài liệu mật ghi chép của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang, khiến người Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Cứ cho đó là chuyện của báo chí quốc tế, còn với người trong cuộc như trường hợp của ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn chẳng lẽ cũng lại sai. Sau gần 30 năm rời xa đất nước, đầu năm 2004 về thăm quê hương và khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Cao Kỳ đã khẳng định: “Tôi bảo đảm rằng sau gần 30 năm rồi, đất nước đã được thống nhất rồi, đang cần những người trong và ngoài nước bắt tay nhau phục hưng đất nước, đưa đất nước trở thành con rồng châu Á, thì tất cả những kẻ vẫn muốn quay trở lại dĩ vãng, nói những chuyện không tưởng, giờ phút này mà còn đánh đấm, phục hưng thế này thế nọ, không hướng tới tương lai mà chỉ lo nghĩ quá khứ là một lũ…, đừng nên để ý vì họ không có lợi cho quê hương, đất nước”.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn đề cao sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận những người từng lầm đường, lạc lối nếu họ thực sự có thiện chí, biết quay đầu về với Tổ quốc. Và với mọi người dân Việt Nam, Tổ quốc là điều vô cùng thiêng liêng. Vì thế, bất cứ thế lực nào và bất cứ ai nếu còn mang nặng hận thù quá khứ, vì lợi ích cực đoan, đi ngược dòng lịch sử, trái với đạo lý và truyền thống của dân tộc sẽ có kết cục chẳng ra gì.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *