Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26628

RFA lại xuyên tạc, thổi phồng khó khăn kinh tế, chính trị Việt Nam

Suốt nhiều thập kỷ qua, giới chống cộng cờ vàng đã không ngừng mong chờ Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, mang đến cho họ cơ hội kích động biểu tình, bạo loạn để lật đổ chế độ – điều không thể xảy ra khi đất nước đang yên bình. Và mới đây, tham vọng này đã lần nữa lộ rõ qua phản ứng háo hức của họ trước một bài báo trên RFA tiếng Việt, mang tựa đề “Những lo ngại về kinh tế là nền tảng của sự nhạy cảm chính trị tại Việt Nam”, do giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington viết.

Trong bài báo của mình, Abuza đã khơi dậy hy vọng của các nhóm cờ vàng hải ngoại khi liệt kê nhiều khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải trong hơn nửa năm qua. Số này bao gồm việc Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP là 3,3% trong quý I, chỉ bằng một nửa so với mục tiêu đề ra trước đó; việc xuất khẩu giảm 13% và sản xuất công nghiệp giảm 1,8%; cùng đợt sa thải hàng loạt tại nhiều nhà máy trên cả nước, khiến 149.000 người đã mất việc làm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022… Nguyên nhân chính là sự sụt giảm xuất khẩu do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu vì đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Mỹ đã lần lượt giảm 60% và 40% trong quý I.

Dù những số liệu này không có gì mới, bài viết của Zachary Abuza đã khích động các nhóm chống cộng cờ vàng, khi tung ra một nhận xét rằng tình hình kinh tế u ám vừa nêu đã khiến chính phủ Việt Nam “lo sợ”, từ đó “gia tăng đàn áp”. Theo lời Abuza, biểu hiện đàn áp bao gồm “những phiên tòa xử các nhà hoạt động đất đai, các nhà báo độc lập, hoặc những người gây ảnh hưởng (các influencer), những người bị bắt vì “lạm dụng tự do dân chủ”… Nó cũng bao gồm việc đình bản 3 tháng đối với báo điện tử Zing News, và việc bắt giữ, xét xử nhóm khủng bố ở Tây Nguyên. Điều kỳ lạ là những phiên xét xử các vụ án tham nhũng – như vụ sai phạm trong mua bán vật tư của các lãnh đạo Cảnh sát Biển, vụ chuyến bay giải cứu, hay vụ kit test Việt Á – cũng được Abuza gộp luôn vào các biểu hiện “gia tăng đàn áp”.

Bài viết cùa Zachary Abuza đã mang đến sự khích lệ và an ủi cho giới chống cộng cờ vàng, trong một hiệu ứng kiểu AQ. Dù trong thực tế, các vụ bắt giữ và xét xử đang khiến các nhóm cờ vàng ngày một tan nát hơn, thì trên mạng, nhiều nhà chống cộng đã mượn bài viết này để tuyên bố rằng “đàn áp gia tăng cho thấy cộng sản Việt Nam đang suy yếu”. Từ đó, họ lôi kéo sự gia nhập của những người thiếu hiểu biết trong nước, những người bị họ lợi dụng như những con tốt thí, để rồi làm tăng số vụ bắt giữ và xét xử trong tương lai. Cả họ lẫn các nạn nhân đều không nhận ra rằng Abuza có thể đang đánh giá sai tình hình Việt Nam, do làm việc trên những thông tin mang nhiều tính chắp vá và võ đoán.

Trước hết, dường như Abuza đã quá bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam vì không hiểu chi tiết câu chuyện. Đơn cử, ông ta tin rằng sự xuống dốc của thị trường bất động sản là một trong những tin xấu nhất cho nền kinh tế Việt Nam, vì nó khiến tầng lớp trung lưu mới nổi nghèo đi và trở nên bất mãn. Abuza, tương tự các nhà lý luận về cách mạng đường phố khác ở nước Mỹ, có vẻ tin rằng một tầng lớp trung lưu bất mãn và mất cơ hội thăng tiến sẽ trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến biểu tình, bạo loạn nổ ra. Ông ta không hiểu rằng tình trạng của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay trước tiên xuất phát từ những nỗ lực điều chỉnh mà chính phủ chủ động đưa ra từ năm 2021, nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân và xì bớt bong bóng bất động sản trước khi nó đủ lớn để nổ. Diễn biến này mang lại không ít tác động tích cực, từ việc ngăn cản một cuộc khủng hoảng lớn diễn ra, cho đến việc giữ cho nhà cửa ở thành phố thật sự thuộc về những người lao động thay vì những kẻ đầu cơ đất. Về lâu về dài, sự điều chỉnh này sẽ ủng hộ phát triển bền vững, vì nó giữ cho khoảng cách giàu nghèo không tăng quá nhanh và quá trình đô thị hoá không làm tan vỡ xã hội. Và tầng lớp trung lưu thành thị ở Việt Nam đã đến mức “chật vật” hay chưa, cứ xem lòng nhiệt tình tiêu tiền của họ khi đón Black Pink đến Việt Nam thì biết.

Trong khi Abuza tin chắc rằng những phiên toà gần đây xuất phát từ sự lo ngại của chính phủ trước tình trạng suy thoái kinh tế, thực tế dường như không diễn ra như vậy. Thực ra việc gia tăng trấn áp các tổ chức chống đối, tăng cường chấn chỉnh báo chí và chống tham nhũng đã diễn ra liên tục từ năm 2016, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ổn định. Lý do của hiện tượng đó không phải là biến động kinh tế, mà là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước và thực tiễn hoạt động chống đối gia tăng phức tạp của thành phần chống phá hoặc tội phạm xã hội và sự quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Còn sự rã đám của các nhóm cờ vàng và thành phần khoác áo dân chủ trong nước lại bắt nguồn từ khi chính phủ Donald Trump cắt tài trợ “dân chủ”, khiến giới chống cộng gần như rã hàng ở nước ngoài và chỉ còn rất ít ảnh hưởng ở trong nước. Nói cách khác, chính sự yếu kém và vọng ngoại của giới chống cộng đã khiến họ bị rã đám khi tình hình quốc tế chuyển biến theo hướng bất lợi, điều này nhiều người đã nói từ lâu. Xem phản ứng của giới chống cộng trước bài viết của Abuza, thì có vẻ họ muốn tự lừa mình rằng “cộng sản suy yếu nên đàn áp nhiều hơn”, dẫn đến “phong trào” của họ bị rã đám chứ không hề muốn tự nhìn lại mình.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng Zachary Abuza không phải là một cây bút trung lập, mà là giáo sư của Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington. Qua diễn biến này, có thể thấy một bộ phận hiếu chiến ở Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý định can thiệp vào tình hình chính trị Việt Nam thông qua các cuộc biểu tình, bạo động khi khủng hoảng.

Việc tung hứng, dựa vào bài viết của một người nước ngoài tìm hiểu Việt Nam qua các con số, lẫn lộn giữa các vụ việc chống tham nhũng tiêu cực với việc xử lý thành phần phản động, chống phá đất nước làm căn cứ đánh giá “cục diện” Việt Nam, làm “bằng cớ” để tố chính quyền và phán xét nội tình Việt Nam, đã cho thấy “nội lực” bết bát của cái gọi là “phong trào dân chủ” kia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *