Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17011

Phải chăng “không ưa thì dưa có dòi”?

Đây là ví von của bạn đọc Nguyễn Phù Nghĩa với thái độ, hành xử cực đoan, thiếu tính xây dựng của thành phần chống phá Việt Nam.

Chẳng hạn, trang Việt Tân, ngày 28/9/2023 có bài viết đã gán cho Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nói chuyện với kiều bào tại Hoa Kỳ ngày 17/9/2023 là “NỔ”, được hiểu là những điều Thủ tướng nói là không có thật, là khoe khoang. Chẳng hạn như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đứng TOP 20 của thế giới”, “Nền kinh tế nằm trong TOP 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, “Chúng ta đi đâu cũng không lép vế nữa, ta đi đâu họ cũng nói chuyện họ chào”, v.v. Với thông tin cung trên của Thủ tướng cho kiều bào, Việt tân xuyên tạc rằng: “văn hóa của các lãnh đạo CSVN đi tới đâu là phải NỔ tới đó…”(!) Vậy xem Thủ tướng nói như thế là NỔ hay KHÔNG NỔ?

Ông Nguyễn Phù Nghĩa đưa ra 3 bằng chứng đủ khiến Việt tân và đám “tiền hô hậu ủng” hổ thẹn:

1. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta hiện nay đứng ở đâu của thế giới? Điều này phải “nói có sách, mách có chứng”, có số liệu cụ thể, rõ ràng không thể theo chủ quan, cảm tính.

Theo Tổng cục Thống kê, sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 của nước ta đã có sự phục hồi, về đích với con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021[1]. Còn theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính: Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,30 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm 2021; tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 26,06 tỷ USD) so với năm 2021. Với sự tăng trưởng ấn tượng kể trên, vị trí của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu có sự vươn lên mạnh mẽ. Năm 2006, WTO ghi nhận Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và 44 về nhập khẩu. Đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng 20[2]. Như vậy, năm 2022 và 2023 trên đà phát triển vượt bậc thì thứ hạng về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đứng thứ 20 không phải là sự phóng đại. Bởi việc công bố với toàn thế giới, không phải cứ thích nói thế nào thì nói, mà các tổ chức kinh tế có sự theo dõi, đánh giá độc lập. Nếu công bố con số không chính xác không những ảnh hưởng đến uy tín người nói, nhất là người đó đại diện cho quốc gia như Thủ tướng mà còn mất uy tín của đất nước với bạn bè quốc tế. Vậy nên, mọi số liệu đưa ra là con số chính xác, chứ không phải con số trên trời mà Việt Tân cho là NỔ.

2. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay ở vị trí nào của thế giới? Khi gõ câu hỏi trên vào công cụ tìm kiếm Google trong 0,58 giây cho kết quả: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN.

Theo báo cáo mới nhất của IMF, nhiều khả năng trong năm 2023, Việt Nam sẽ đứng thứ tư Đông Nam Á về quy mô kinh tế, sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và xếp trên Philippines, Malaysia, với mức tăng trưởng 5,8%, đạt trên 430 tỷ USD. Đầu năm 2023, theo dự báo của IMF, Việt Nam có thể vươn lên đứng thứ ba Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 469,62 tỷ USD. Xếp sau Indonesia (1.390 tỷ USD) và Thái Lan (580,69 tỷ USD) và vượt qua Malaysia (467,46 tỷ USD), Singapore (447,16 tỷ USD), Philippines (425,66 tỷ USD).

Nhưng IMF đã điều chỉnh tăng quy mô GDP Singapore năm 2022 lên 466 tỷ USD, và dự báo tăng trưởng được cập nhật, thứ hạng của Singapore và Việt Nam đã thay đổi so với dự báo trước đó[3], nhưng vị trí của Việt Nam vẫn đứng thứ tư Đông Nam Á về quy mô nền kinh tế.

Theo Cổng thông tin điện tử, Bộ Tài chính, trong bài viết: “Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế”, ngày 29/6/2021: Quy mô và chất lượng nền kinh tế Việt Nam ngày càng cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8%/năm, hệ số ICOR giảm xuống còn khoảng 6,1. Năm 2020, kinh tế Việt Nam có quy mô thứ 40 trên thế giới, thứ 4 trong ASEAN và bình quân GDP/người đứng thứ 6 trong ASEAN[4].

Vì thế, theo xếp hạng của hãng US News & World Report về những đất nước hùng mạnh nhất thế giới năm 2022, Việt Nam xếp thứ 30 với GDP đạt 363 tỷ USD, dân số vượt 98,2 triệu dân. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (vị trí 26), vượt Indonesia (vị trí 32) và Thái Lan (vị trí 36)[5].

Bảng xếp hạng những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới do US News & World Report công bố, đánh giá khách quan mức độ ảnh hưởng của các quốc gia, chính sách đối ngoại cũng như sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của nước đó trên khắp thế giới.

3. Uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn. Do thực lực về quy mô nền kinh tế và thứ hạng quốc gia hùng mạnh của Việt Nam được nâng lên đã làm cho vị thế quốc tế của đất nước trong ngoại giao được bạn bè quốc tế trân trọng. Vì thế, lãnh đạo nước ta “đi đâu cũng không lép vế nữa, ta đi đâu họ cũng nói chuyện họ chào” là thực tế và là lẽ tất yếu. Thế mà Việt Tân lại cho là NỔ. Đúng là “không ưa thì dưa có dòi”./.

[1] . https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/01/no-luc-phuc-hoi-xuat-nhap-khau-nam-2022-lap-ky-luc-moi/

[2]. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất nhập khẩu – Search (bing.com)

[3]. GDP Việt Nam sẽ đứng thứ mấy Đông Nam Á theo các dự báo mới nhất? (soha.vn)

[4]. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM203797

[5]. https://nhandan.vn/viet-nam-xep-thu-30-trong-nhom-quoc-gia-hung-manh-nhat-the-gioi-post732935.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *