Người cao tuổi là một trong các đối tượng “thế yếu” trong xã hội. Hiện cả nước có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm trên 13% dân số. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo 3,6%, cận nghèo 11,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước. Mặc dù, tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh hiện nay chỉ đạt 64 tuổi. Do đó, Việt Nam ngày càng có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người cao tuổi.
Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 khẳng định: người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Điều 3 Luật người cao tuổi 2009 cũng đã nêu rõ các quyền của người cao tuổi tại Việt Nam gồm:
+ Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;
+ Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;
+ Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;
+ Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi;
+ Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;
+ Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
+ Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, hệ thống pháp luật liên quan đến người cao tuổi luôn được nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện.
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, hiện cả nước có khoảng trên 12 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số người cao tuổi. Nhà nước chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT đúng qui định cho người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và 100% chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng người cao tuổi được hưởng thụ chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, việc này sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT.
Cùng với chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi cũng luôn được chú trọng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi được tăng cường thông qua các câu lạc bộ thơ ca, võ thuật, dưỡng sinh, dân vũ; các giải thể thao, bóng chuyền hơi… Hiện có trên 77.000 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút 2,5 triệu người cao tuổi tham gia.