Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15504

Luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta bởi vậy, nó cũng là mục tiêu chống phá của thế lực thù địch, phản động. Chẳng hạn, mới đây trang facebook – Việt Tân viết “…Việt Nam hiện nay với thể chế kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất vẫn mang đậm dấu ấn của nền kinh tế tập trung theo mô hình Xô Viết, mà nhà nước vẫn đóng vai trò chỉ huy. Kinh tế thị trường là đặc trưng của kinh tế tư bản chủ nghĩa, là điều trái ngược hoàn toàn so với nền kinh tế tập trung của chủ nghĩa Cộng Sản. Sự khác biệt căn bản là vấn đề bóc lột và sở hữu tư liệu sản xuất. Đó là lý do vì sao lâu nay nhiều lần các quan chức lãnh đạo Việt Nam từng nhiều lần đề nghị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng không có kết quả”.

Thực tế, Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng KTTT làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình KTTT ở các nước tư bản phát triển như: KTTT tự do ở Mỹ, KTTT xã hội ở Đức, KTTT nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển, KTTT phối hợp ở Nhật Bản… Các mô hình KTTT này ở những mức độ khác nhau, dù được thừa nhận hay không thừa nhận đều có các nhân tố khách quan XHCN. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của CNXH ngay trong lòng các nước tư bản phát triển.

Việt Nam đi lên CNXH từ một nước kinh tế chưa phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển KTTT định hướng XHCN là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Các nền KTTT hiện đại trên thế giới hiện nay đều có sự kết hợp giữa cơ chế thị trường và vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước. Nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng, tạo môi trường hoạt động cho các quy luật KTTT; vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật KTTT gây ra; giữ môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và hướng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước tư bản dù có sự điều chỉnh, điều tiết đến đâu thì bản chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn là phục vụ cho thiểu số lợi ích của giai cấp tư sản, không phải vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động; và khi nó còn tồn tại dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thì những mâu thuẫn đối kháng của xã hội tư bản chủ nghĩa do khuyết tật của nền KTTT tạo ra không những không mất đi mà ngày càng gia tăng.

Từ thực tiễn quá trình đổi mới, nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền KTTT theo các chuẩn mực quốc tế, như đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, thị trường phát triển ngày càng đồng bộ; nhà nước quản lý kinh tế bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế; nhà nước đóng vai trò ổn định vĩ mô nền kinh tế, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường. Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Việt Nam từ một nước nghèo đói, lạc hậu, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta không ngừng được mở rộng. Nếu như ở những năm 1990, GDP bình quân đầu người ở nước ta dưới 100 USD thì năm 2023 đạt 4.300 USD, quy mô nền kinh tế  đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, Việt Nam luôn có vị thế, uy tín trong cộng đồng quốc tế, được truyền thông, báo chí quốc tế đánh giá cao điển hình như: Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập với 30 năm kinh nghiệm của Anh (CEBR), công bố báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14. Theo xếp hạng trên Bảng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT), quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo có bước nhảy vọt trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đáng chú ý, báo cáo của CEBR đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Cụ thể, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD. Đến năm 2038, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD. Theo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ hiện tại, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

2. Việt Nam xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng, là động cơ của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Để triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp triển khai các nội dung đã thống nhất trong Tuyên bố chung, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại và đầu tư, tiếp tục đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, như Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện …Hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư. Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ. Ngày 8 tháng 9 năm 2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định. Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng…”

Đến nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm cả những nền kinh tế lớn như: Canada, Australia, Nhật Bản… Gần đây nhất, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại. Thực tế đã khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Do đó, mỗi chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *