Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16074

Hội nghị Trung ương 7: Đảng Cộng sản có “hoàn toàn bế tắc”?

Cứ mỗi bận Đảng Cộng sản Việt Nam có sự kiện, hội họp quan trọng là nhóm những kẻ tự xưng đấu tranh dân chủ cho Việt Nam trên mạng lại tung ra các bài viết công kích, xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện thậm chí cả những thuyết âm mưu kịch tích như phim kiếm hiệp thời trung cổ.

Gần đây, nhận dịp Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo BCT, BBT – một hoạt động định kỳ, mang tính quy luật của Đảng lại “nhận” được vô khối bài viết đơm đặt chuyện đấu đá phe phái, bịa đặt ông lãnh đạo này tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để “hạ bệ” vị lãnh đạo kia, thậm chí họ phác họa ra bộ máy lãnh đạo Nhà nước thời gian tới sau màn “hạ bệ” nhau bằng lấy phiếu tín nhiệm. Đến khi kết thúc Hội nghị, không thấy có bất kỳ “sự biến” gì, thì họ xem như “chưa từng nói gì”, tiếp tìm săn tìm mục tiêu “đấu đá nội bộ” mới. Trong các màn kịch say sưa, mang tính “lối mòn” đó, vẫn xuất hiện vô khối chuyện hài vô đối, trong đó có những bài gây cười nhiều hơn là đáng được xem xét nghiêm túc.

Chẳng hạn như bài viết mang tựa đề “Hội nghị Trung ương 7: Đảng Cộng sản hoàn toàn bế tắc”, ký tên Việt Hoàng, được đăng trên trang web Thông Luận của tổ chức “Tập hợp Dân chủ Đa nguyên”. Đọc xong những luận điệu cũ kỹ của bài này, người ta không biết Đảng Cộng sản đang bế tắc hay nhúm thành viên “Tập hợp Dân chủ Đa nguyên” đang bế tắc.

Trước tiên, vì sao tác giả Việt Hoàng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang bế tắc? Sau khi trình bày rằng nền kinh tế Việt Nam đang “gặp khủng hoảng nặng nề” do đà suy thoái của các cường quốc sau chiến tranh Nga-Ukraine và dịch COVID-19, Việt Hoàng tiếp lời như sau:

“Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích và nhận định, thế giới đã và đang thay đổi sâu sắc sau cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine. (…) Đại dịch Covid-19 đã làm khựng lại làn sóng đầu tư của các công ty đa quốc gia vào Việt Nam sau khi rút khỏi Trung Quốc. Tiến trình này có mọi dấu hiệu thoái trào khi Việt Nam luôn đứng về phía Trung Quốc, ủng hộ cho cuộc chiến phi nghĩa và dã man nhất trong thế kỷ 21 của Putin và nước Nga vào lãnh thổ Ukraine. Thế giới dù muốn hay không cũng đã chia thành hai cực: Độc tài và Dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới lẫn người dân Việt Nam thấy rằng họ chọn đứng về phía các nước độc tài. Các nước dân chủ đã thấy rõ điều đó và các công ty đa quốc thay vì đến Việt Nam thì họ đã tìm đến các nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia…”

Tóm lại, theo lời Việt Hoàng, thế giới đã quay về thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, trong đó các nước đa đảng không làm ăn với các nước độc đảng. Chẳng biết Việt Hoàng có sống trên cung trăng không, mà không biết rằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã phục hồi và tăng trưởng liên tục, tới mức xóa bỏ già nửa những nỗ lực của Donald Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 07/02/2023 cho thấy tổng thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên 690,6 tỉ USD vào năm 2022, tức đạt đến một con số kỷ lục mới bất chấp căng thẳng chính trị giữa hai bên. Cuộc Chiến Tranh Lạnh mới rốt cuộc chỉ là một ảo tưởng của giới chống Cộng, do họ bị truyền thông chính trị phương Tây dắt mũi.

Và có thật các doanh nghiệp nước ngoài đang ngừng đầu tư vào Việt Nam vì vấn đề thể chế chính trị không? Các doanh nghiệp chỉ tìm kiếm lợi nhuận, họ chẳng hề quan tâm đến vấn đề thể chế nếu chính quyền của họ không đặt ra các rào cản. Và cho đến lúc này, chính phủ các nước đa đảng vẫn làm ăn bình thường với Việt Nam. Riêng chính phủ Mỹ và Úc còn bỏ ngoài tai những lời kêu ca về “nhân quyền” để liên tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hình như Việt Hoàng đang nói về những gì mình tưởng tượng ra chứ không phải về thực tế.

Trong một cuộc phỏng vấn trên BBC tiếng Việt mới đây, nhà nghiên cứu Hạnh Nguyễn từ Viện Pacific Forum nhận xét rằng việc Việt Nam được mời dự Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản “có vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và cũng là đối tác chiến lược quan trọng của Nhật Bản”. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đang tiếp tục tăng cường chuyển các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam chứ không giảm. Đầu năm nay, đại diện Samsung Việt Nam cũng tuyên bố rằng doanh nghiệp Hàn Quốc này đang giữ nguyên kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam, trái ngược với tin đồn mà giới chống cộng đưa ra. Đây là vài ví dụ cho thấy nhận xét của Việt Hoàng thiếu cơ sở.

Trong bài viết, Việt Hoàng cũng ba hoa rằng “phải dân chủ hóa đất nước thì mới có phát triển”. Vậy có phải mọi cố gắng “dân chủ hóa” đều dẫn đến phát triển không? Những quốc gia chứng kiến nỗ lực “dân chủ hóa” bằng cách mạng đường phố dạo gần đây – như Ai Cập, Libya, Syria… – đã phát triển chưa? Hay những nỗ lực đó chỉ dẫn đến nội chiến, ngoại thuộc và các chế độ độc tài quân sự còn khắc nghiệt hơn trước? Vậy có thật cái gì dán nhãn “dân chủ hóa” cũng dẫn đến phát triển?

Suốt 20 năm nay, vào kỳ hội nghị, đại hội nào của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhóm “Tập hợp Dân chủ Đa nguyên” của Việt Hoàng cũng dự báo rằng Đảng Cộng sản đang “bế tắc”. Có lẽ họ sẽ tiếp tục lặp lại như vẹt những dự báo đó trong 20 năm tới, trong lúc nhân sự của họ dần chết già ở hải ngoại. Nhìn vào tình hình đó, không biết Việt Hoàng có thấy bế tắc không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *