Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13780

Giới chống cộng bối rối trong cơn nghiện Facebook

 

Nếu ban đầu, các nhà chống cộng tin rằng họ sẽ khai thác Facebook để lật đổ chính phủ Việt Nam, thì lúc này, dường như họ đã biến thành những con nghiện bị Facebook khai thác.

Ta có thể thấy điều này nếu theo dõi fanpage của đảng Việt Tân – một trong những tổ chức chống cộng cờ vàng có nhiều duyên nợ tréo ngoe với Facebook nhất. Ngày 25/03/2024, fanpage Việt Tân đã đăng lại một status mà họ cho là “đáng suy ngẫm”, với nội dung như sau: “Một dân tộc không đọc sách là một bi kịch; nhưng một dân tộc chỉ đọc Facebook và cả tin, không chọn lọc thì đó là thảm kịch”. Có lẽ khi đăng status này, Việt Tân muốn chê dân tộc Việt Nam dốt, “không đọc sách” mà “chỉ đọc Facebook”, và không biết chọn lọc thông tin. Tuy nhiên, phản ứng của các nhà chống cộng thường theo dõi fanpage Việt Tân đã cho thấy một tác dụng ngược.

Trong phần comment, họ nhao nhao ca ngợi Facebook và chê bai “sách của Việt Cộng” – ý chỉ những cuốn sách phát hành ở Việt Nam. Một người viết nguyên văn như sau: “Có fb mới biết được cái nào là thật cái nào là đang bị bịp chứ và biết được thế giới họ đã làm được những gì và VN đang ở vị trí nào” – câu văn lủng củng này dường như đến từ một người dùng mạng xã hội nhiều hơn là đọc sách. Trong khi đó, các nhà chống cộng viết rằng sách trong nước “toàn là sách tuyên truyền ba sạo, ai thèm đọc”; qua đó gián tiếp thừa nhận rằng mình không đọc sách, chỉ đọc Facebook thôi. Cái thảm kịch mà Việt Tân nhắc đến chưa xảy ra với dân tộc Việt Nam, nhưng có vẻ đã bao trùm giới chống cộng.

Lý do mà các nhà chống cộng viện dẫn, rằng các sách xuất bản ở Việt Nam “toàn là sách tuyên truyền ba sạo” nên “không ai đọc”, liệu có hợp lý? Phía trên là biểu đồ về hoạt động xuất bản ở Việt Nam giai đoạn 2011-2021, cho thấy mỗi năm có hàng chục nghìn đầu sách phát hành ở Việt Nam, và con số vẫn đang gia tăng. Người Việt Nam đang đọc sách nhiều hơn, và một lượng lớn trong số đó là sách dịch đến từ nước ngoài. Nếu quen thuộc với thị trường sách Việt Nam, người ta sẽ biết rằng Việt Nam khá mạnh trong mảng văn học dịch nếu so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trong khoảng hai thập niên gần đây, thông qua sách dịch, người đọc Việt Nam cũng được tiếp cận với một lượng khá lớn các luồng tư tưởng đa dạng trên thế giới, phân bổ ở nhiều lĩnh vực – như triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, chính trị & đối ngoại .v.v. Một sinh viên chăm đọc ở Việt Nam có lẽ còn hiểu rõ về thế giới hơn đa số các nhà chống cộng cờ vàng – những người cuồng Mỹ nhưng chưa bao giờ đọc những trí thức Mỹ như Judith Butler hay Susan Sontag. Trong khi đó, với thái độ sùng bái Facebook và kỳ thị sách vở, nhiều nhà chống cộng vẫn còn đang tin rằng nước Pháp chưa bao giờ xâm lược, chưa bao giờ lấy một tấc đất của Việt Nam, và chỉ đến để khai hoá văn minh cho Việt Nam. Sự ngu muội ấy là không tránh khỏi, khi họ biết đến lịch sử của dân tộc chỉ qua những bức ảnh vụn vặt đăng trên fanpage Việt Tân, thay vì qua ghi chép lịch sử về những hy sinh của Tôn Thất Thuyết, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám…

Tất nhiên, đảng Việt Tân – kẻ đăng cái status mỉa mai vừa kể – cũng phải chịu một phần trách nhiệm trước tình trạng này. Hiện nay, cứ mỗi nửa giờ, fanpage Việt Tân lại đăng một bài viết mới, tuyệt đại đa số chỉ là những dòng giật tít để kích động đám đông thay vì mang đến hiểu biết. Chính Việt Tân đang lây truyền và nuôi dưỡng cơn nghiện Facebook ở những nhà chống cộng vừa nêu. Và nếu 15 năm trước, các nhà chống cộng tin rằng mạng xã hội sẽ giúp họ lật đổ chế độ một cách dễ dàng hơn, thì ngày nay, họ đã đồng loạt trở thành những con nghiện nuôi sống mạng xã hội trong khi chế độ vẫn đứng vững. Năm 2019, nhà chống cộng Phạm Đoan Trang từng kêu gọi đồng hội tẩy chay Facebook khi bị Facebook kiểm duyệt nội dung. Còn ngày nay, giới chống cộng dùng Facebook nhiều hơn là nhắc đến cô ta; ví dụ này cho thấy họ đã trở thành nô lệ của mạng xã hội này và chẳng còn giữ được chút phẩm giá nào nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *