Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22161

Đừng mơ Mùa xuân Arập ở Việt Nam!

 

Cái vỏ bọc “đấu tranh dân chủ cho Việt Nam”, “đấu tranh bất bạo động”, không kích động hận thù và bạo lực ngày càng chật hẹp, kệch cỡm với chính những kẻ khoác nó lên người.  Chẳng hạn như đọc bài “Bao giờ Việt Nam có một mùa xuân Arab?” cho thấy họ thật sự hận thù chế độ, và sẵn sàng khai thác lòng hận thù trong xã hội cho mục đích của bản thân, bất kể những hậu quả và việc đó gây ra cho người dân và đất nước.

Trong nửa đầu của bài viết này, kẻ viết bài này mô tả một vấn nạn thường gặp ở Việt Nam gần đây, là xung đột bạo lực giữa những người bán hàng rong với các dân phòng và công an khu vực. Ví dụ được minh họa là vụ việc của Danh Dương, một người bán càng rong vừa bị kết tội giết người vì dùng vũ khí thô sơ tấn công cảnh sát. Để rộng đường dư luận, xin trích đăng lại đoạn viết về sự việc này:

“Mấy ngày trước, mạng xã hội chia sẻ nhau đoạn clip ngắn trích từ camera an ninh của một cửa hàng ở thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Một người đàn ông hai tay cầm hai con dao lao vào chém tới tấp một công an và một dân phòng trong một trạng thái bị kích thích cực độ.

Anh ta không sợ ngay cả khi tay công an rút súng, lên đạn, nhắm thẳng người anh ta bóp cò. Súng không nổ do kẹt đạn và anh ta lăn xả vào chém tới tấp tay dân phòng ngã dưới đất và tiếp tục lao vào chém tay công an. Thậm chí, khi bị rơi dao, anh ta đi tìm vũ khí khác, quay trở lại rượt đuổi những viên chức trốn chạy trước sự hung hãn và liều lĩnh của anh ta.

(…) Anh ta chỉ là một người bán khóm (trái dứa) rong. Tên của anh ta là Danh Dương, 37 tuổi. Anh ta phẫn uất như thế là bởi vì bị chửi mắng và bị công an, trật tự đô thị nhiều lần thu cân và hàng hóa. Sau khi chém người xong, anh ta về nhà và tự đâm vào bụng nhưng không chết. Ngay sau đó, Danh Dương bị bắt và bị khởi tố tội giết người. Với hệ thống tư pháp Việt Nam hiện tại, việc kết tội một người dân đen như Danh Dương hẳn rất nhanh chóng với một cái án nặng để răn đe đám dân đen khỏi nổi loạn.”

Dựa trên những sự việc như vậy, kẻ viết bài này đã tuyên bố rằng xã hội Việt Nam lẽ ra đã phải “bùng lên ngọn lửa hận thù”, giống như chuỗi cách mạng đường phố “Mùa Xuân Arab”, vốn cũng khởi phát từ vụ tự thiêu của một người bán hàng rong quá uất ức vì bị cảnh sát cấm buôn bán. Cuối bài, tác giả hù dọa rằng khi “giọt nước tràn ly”, khiến “sự căm giận của người dân bùng nổ”, “một cuộc tắm máu” sẽ xảy ra. Khi đó, các lãnh đạo và quan chức Việt Nam sẽ có kết cục giống như cựu tổng thống Libya là ông Muammar Gaddafi.

Nếu nhìn vụ việc theo lời kể của của kẻ viết bài, ai cũng thấy Danh Dương đã thật sự vi phạm pháp luật. Chẳng lẽ khi phát sinh một xung đột bạo lực, người bán hàng rong sẽ nhất định đúng, còn công an sẽ nhất định sai? Lối phán xử này cho thấy kẻ viết bài nhìn nhận sự việc qua lăng kính hận thù chứ không hề quan tâm đến công lý hay pháp luật. Hoạt động cổ súy bạo lực kiểu này chỉ khiến người Việt Nam chống lại nhau, chứ không thể đem lại công lý và bình an cho những người yếu thế trong xã hội.

Có thể thấy, bất cứ vụ việc nào có thể “thổi nóng” bức xúc, bất ổn trong xã hội Việt Nam, họ đều tận dụng triệt để với đủ ảo tưởng “cách mạng cây xanh” (vụ thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội), “cách mạng cá” (vụ Formosa Hà Tĩnh”, thậm chí cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Hồng Kong, chính biến ở Myanmar, bầu cử ở Thái Lan,… Tuy nhiên, cuộc bạo động, nổi loạn khắp nước Pháp những ngày vừa qua, nguyên nhân được cho là khởi phát từ vụ việc cảnh sát bắn chết thanh niên 17 tuổi khi bất tuân lệnh dừng xe của cảnh sát, thực chất căn nguyên của nó là tình trạng bất công xã hội và vi phạm nhân quyền trong lòng nước Pháp. Chính Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết tình trạng bất ổn là cơ hội để Pháp “giải quyết các vấn đề sâu sắc về phân biệt chủng tộc trong việc thực thi pháp luật”. Thế nhưng, hầu như không thấy những kẻ tự xưng “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” kia lên tiếng. Họ sẵn sàng công kích cảnh sát giao thông Việt Nam trong mọi tình huống dừng xe vi phạm – dù cảnh sát giơ dùi cui để ngăn xe bỏ chạy hay cương quyết ngăn chặn dẫn đến bị xe tông. Trong mắt họ, những tình huống đó đều là “vi phạm nhân quyền” – quyền gì thì họ không cần biết. Nhưng trong 6 năm cảnh sát Pháp dùng súng bắn hạ những tài xế từ chối dừng lại theo lệnh, dường như họ đã không cảm thấy chút bất công hay lạm quyền nào. Tại sao lại thế? Tại sao họ ấp úng khi nhắc đến vụ bạo động ở Pháp, thay vì đưa tin xối xả như vụ Hong Kong hay vụ Mùa Xuân Arab? Phải chăng họ sợ rằng nếu hé miệng, họ sẽ làm các nền dân chủ phương Tây mất thiêng, và làm những lời hô hào lật đổ của họ trở nên rỗng tuếch?

Còn vì sao họ vẫn mong muốn “Mùa Xuân Arab” xảy ra ở Việt Nam? Trong cả chục quốc gia ít nhiều trải qua “Mùa Xuân Arab”, nước duy nhất thiết lập được chế độ dân chủ đa đảng sau nhiều xáo trộn là Tunisia, nơi làn sóng này khởi phát. Các quốc gia còn lại – nhất là Syria, Libya và Ai Cập – đã bị cuộc “cách mạng đường phố” đó đẩy vào nội chiến, khủng hoảng kinh tế và ngoại thuộc, để rồi nằm dưới sự chiếm đóng của các quân đội nước ngoài hoặc những chính quyền quân sự còn hà khắc hơn. Họ có vẻ không quan tâm đến số phận của người dân trong những hoàn cảnh đó, vì thứ duy nhất mà họ muốn là trả thù, muốn Việt Nam rơi vào cảnh loạn lạc thì cơ hội phục quốc VNCH mới đến với những kẻ thất thếm, sống nhờ ngoại bang như họ. Đây là ví dụ tiêu biểu cho nhiều nhà chống cộng hải ngoại, những kẻ ngày càng mất đi mối liên hệ và sự đồng cảm với người dân trong nước.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *