Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
45084

Đa đảng có phải là phép màu để chống tham nhũng?

 

Lâu nay, các trang chống công liên tục công kích rằng, tham nhũng ở Việt Nam do độc đảng, chừng nào còn độc đảng thì không thể chống tham nhũng, do mâu thuẫn giữa thể chế chính trị với thể chế kinh tế thị trường. Gần đây, lợi dụng kết luận điều tra vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB, RFA, thoibao.de,… lại đẩy mạnh công kích rằng: “Căn nguyên của vấn nạn tham nhũng và sự suy thoái kinh tế ở Việt Nam là sự níu kéo ý thức hệ”. Đây là những giọng điệu đòi Đảng, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn và đi theo con đường khác – con đường “dân chủ” kiểu phương Tây, đồng thời lồng ghép thông tin sai sự thật, tạo dựng, xuyên tạc bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực tế cho thấy, tham nhũng xảy ra ở mọi chế độ, vấn nạn chung của nhiều quốc gia, thậm chí của nhiều chế độ chính trị trong cùng một quốc gia. Như ở các nước đó luật pháp về chống tham nhũng được quy định rất chặt chẽ, các đảng đối lập đấu tranh với nhau rất quyết liệt nhưng tham nhũng vẫn xảy ra và nhiều vụ tham nhũng ở những người có quyền hành cao nhất của đất nước đó. Chúng ta có thể điểm ra những vụ tham nhũng nổi tiếng ở các nước có chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị như: Cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrad, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun – Hye, cựu Tổng thống El Salvador Elias Antonio Saca…

Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố đầu năm 2023 cho thấy, trên thế giới không có quốc gia nào không có tham nhũng, không nhà nước nào là hoàn toàn minh bạch, trong sạch. Quốc gia có điểm số cao nhất thế giới (điểm càng cao thì càng ít tham nhũng) trong bảng xếp hạng này là Đan Mạch với số điểm 90, Phần Lan và New Zealand cùng đứng thứ hai với số điểm 87. Cũng trong bảng xếp hạng này, Nhật Bản và Vương quốc Anh cùng xếp thứ 18 với số điểm là 73, Hoa Kỳ xếp thứ 24 với số điểm là 69, Hàn Quốc xếp thứ 31 với số điểm là 63. Như vậy, từ báo cáo trên thì các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về phòng, chống tham nhũng vẫn không hoàn toàn trong sạch và minh bạch. Những quốc gia luôn tự đề cao như một hình mẫu về dân chủ và tinh thần chống tham nhũng thì vẫn có chỉ số chống tham nhũng khá khiêm tốn.

Như vậy, chế độ đa đảng không phải là phép màu để chống tham nhũng.

Thế còn tại Việt Nam, một quốc gia do một đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam thì sao? Thực tế cho thấy, bản chất cách mạng, tính tiền phong và năng lực lãnh đạo, tổ chức thực tiễn là nhân tố cơ bản quyết định, bảo đảm Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng để chống tham nhũng hiệu quả.

Theo báo cáo của TI, trong lúc tình hình không được cải thiện hoặc tồi tệ hơn ở 86% các quốc gia trong bảng xếp hạng thì chỉ số CPI của Việt Nam liên tục được cải thiện. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng tới 9 điểm kể từ năm 2018.

Vạn Thịnh Phát, AIC, Việt Á,… là những vụ án kinh tế, không liên quan đến đấu đá nội bộ như các trang tin này vẫn rêu rao. Ngày 07/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 03 bị can đồng phạm là Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019.

Rõ ràng việc khởi tố bắt tạm giam các đối tượng trên là hoàn toàn có căn cứ và được thực hiện đúng trình tự của pháp luật Việt Nam. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra. Thế nhưng dưới con mắt của những kẻ chuyên bới móc, xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam thì vụ án này bị gán ghép đủ loại thuyết âm mưu, bịa đặt gieo rắc hoang mang, lo lắng cho người dân, hướng lái dư luận hoài nghi tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan liên quan đến quyền lợi kinh tế của một số cán bộ cấp cao trong Đảng, Nhà nước. Việc xử lý các vi phạm như các vụ án lớn gần đây là yêu cầu cấp thiết, khẳng định tính nghiêm minh và thượng tôn pháp luật ở Việt Nam. Một quốc gia dân chủ và kỷ cương thì không thể để các vụ việc sai phạm có tính chất coi thường ứng xử văn hóa, văn minh, thách thức dư luận và pháp luật… Vụ án bà Trương Mỹ Lan đang trong quá trình điều tra, sai phạm đến đâu thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó.

Cũng từ vụ án này, những trang tin phản động lại vội vàng quy chụp rằng “tình hình kinh tế – xã hội ảm đạm, là sự níu kéo của ý thức hệ về Chủ nghĩa Xã hội”. Không hiểu sao lại gọi là “ảm đạm” trong khi nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính và giới truyền thông quốc tế đánh giá nổi lên là điểm sáng của nền kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định và là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việc hội nhập kinh tế quốc tế cũng diễn ra rất mạnh mẽ. Nước ta đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó nổi bật như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Tất cả yếu tố nêu trên đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Giờ đây, những thành tựu to lớn ấy là bằng chứng của sự vươn lên, khẳng định quá trình phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là bằng chứng sinh động bác bỏ những toan tính của các phần tử chống đối, thù địch muốn chúng ta rời bỏ lựa chọn này, chia rẽ sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Và như một quy luật, mỗi khi trong nước có bất kỳ sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội nào thu hút sự chú ý của dư luận thì đương nhiên khi đó các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại tìm mọi cách lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Việc chúng ta đẩy mạnh phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế có nghĩa rằng pháp luật Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và thực thi nghiêm minh, không hề có chuyện bản chất chế độ nào ở đây!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *