Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16796

Công đoàn Việt Nam: đòi “độc lập” hay “đối lập”?

 

Sau thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, đánh dấu chặng đường hơn 93 năm hình thành, phát triển và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình, thì bộ phận những kẻ tự nhận “cấp tiến” hay “đấu tranh dân chủ, một mặt thừa nhận sự “hoành tráng” của tổ chức chính trị xã hội này, mặt khác lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận vai trò của nó bằng việc nhai đi nhai lại “điệp khúc”, như  Tổng liên đoàn lao động Việt Nam không “độc lập”, không “đại diện cho người lao động” và “đánh đồng” đây là cánh tay nối dài và là công cụ “nắm công nhân” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, RFA ngày 04/12/2023 đăng bài “”Nhích” lại gần Phương Tây hơn vì mục đích tăng trưởng”, trong đó xuyên tạc chính sách ngoại giao cây tre hay việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, ký các hiệp định thương mại, tích cực gia nhập các cơ chế quốc tế, tìm cách thu hút đầu tư từ các nước tư bản, vận động các nước thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường,…đều là cách thức để “nhích” lại gần phương Tây vì mục đích tăng trưởng. Đồng thời, tự huyễn cho rằng, không đảm bảo dân chủ, minh bạch, không có “công đoàn độc lập” đều là “thách thức”, “cản trở” Việt Nam “nhích” lại gần phương Tây, tức là cản trở Việt Nam tăng trưởng. Xin trích nội dung xuyên tạc vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:

“nó không còn “của giai cấp công nhân” nữa vì tiền lương thì do giới chủ trả, thiếu nguyên tắc tự nguyện, nhưng vẫn phải đóng “phí công đoàn” nuôi bộ máy quản lý cồng kềnh. Hơn thế, các quyền hiến định về thành lập các hội đoàn, biểu đạt bị trì hoãn thực thi. Các nguyên tắc thị trường bị phá vỡ!”

Dù cách diễn đàn lấp liếm, lươn lẹo, nhưng dễ dàng thấy được bản chất bài viết theo mô tuýp rằng: huyễn hoặc Việt Nam muốn phát triển kinh tế thì phải tìm cách thân phương Tây, nhưng luôn bị vấp phải rào cản  về chế độ chính trị, tham nhũng, không có dân chủ, nhân quyền, nhất là không có “công đoàn độc lập”, không có luật về Hội, công nhân phải đóng phí công đoàn, chế độ chính trị không hướng tới bảo đảm quyền lợi của người lao động,…Bản chất vẫn là “xúi bẩy” Việt Nam muốn khát triển kinh tế, muốn có tăng trưởng thì phải chấp nhận “dân chủ”, phải chấp nhận “công đoàn độc lập”.

Điều 10 Hiến pháp 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như thế có thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” được đặt lên hàng đầu đối với tổ chức công đoàn.

Những kẻ cổ súy đòi “Công đoàn độc lập” cố tình “quên” rằng, Công đoàn Việt Nam vẫn là pháp nhân đang tồn tại độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tư cách là một đoàn thể chính trị và là tổ chức đại diện người lao động. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công đoàn, vì Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam tại Điều 4 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo công đoàn, nhưng không làm thay hay can thiệp công đoàn mà luôn tôn trọng công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn hoàn thành sứ mệnh. Độc lập với Nhà nước nhưng Công đoàn Việt Nam phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Nhà nước để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động với tư cách là một bên trong quan hệ lao động ba bên (Nhà nước, giới sử dụng lao động, đại diện người lao động). Chính phủ cũng không làm thay hay can thiệp công đoàn, mà chỉ phối hợp để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.

Việc phủ nhận vai trò công đoàn hiện nay “không đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động” là không thể chấp nhận nổi. Thực tế, việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động được tổ chức công đoàn các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục, từ việc đấu tranh trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, đến tham gia và có tiếng nói mạnh mẽ ở Hội đồng tiền lương quốc gia cho tới những sự vụ thương lượng, đối thoại đấu tranh trực tiếp với người sử dụng lao động để đòi quyền lợi cho người lao động tại từng doanh nghiệp.

Nếu công đoàn không đấu tranh cho người lao động thì làm sao có Bộ luật Lao động 2019 với nhiều điểm rất có lợi cho người lao động, mà để đạt được điều đó đại diện công đoàn đã nhiều lần phát biểu rất mạnh mẽ, thấu tình, đạt lý để góp ý cho dự thảo Bộ luật.

Nếu công đoàn không đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì liệu lương tối thiểu vùng có được tăng đều đặn các năm, để trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng 51,4%? Trong các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên từ Công đoàn Việt Nam đã rất quyết liệt, kiên trì, đưa ra nhiều lập luận mang tính thuyết phục cao, đôi khi là những tranh luận gay gắt với giới sử dụng lao động, khi mà nhiều thành viên khăng khăng với việc không tăng lương, để rồi sau đó hằng năm lương tối thiểu đều tăng từ 5,3% đến 14%, góp phần cải thiện đời sống công đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Do vậy, khách quan đánh giá, những luận điệu xuyên tạc nói trên có dụng ý đánh tráo khái niệm “độc lập” với “đối lập” nhằm hình thành thông qua mua buộc, dụ dỗ, lôi kéo người lao động, dần dần xây dựng một lực lượng chính trị đối lập nhân danh dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, thông qua danh nghĩa đòi bảo vệ quyền lợi người lao động làm cớ để không tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, mỗi chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác với luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá này

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *