Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16433

Chính phủ can thiệp vào thị trường để đảm bảo an sinh là “trái quy luật thị trường”?

Nhằm cổ súy cho bất cứ cái gì tư bản đều đúng, đều hay, đều chuẩn mực, Việt Nam không đi theo con đường đó sẽ thất bại, dân sẽ đói khổ, nước mất,nhà tan,…là luận điệu quen thuộc mấy chục năm qua của những kẻ tự xưng danh “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”. Tuy nhiên, việc cổ súy này đôi khi thô thiển đến mức khó chấp nhận.

Dư luận gần đây đề cập đến việc lợi dụng tình trạng nhiều cây xăng tạm dừng bán hàng, khiến nhiều người dân gặp khó khăn khi mua xăng và di chuyển, giới dân chửi đã tăng cường khai thác chủ đề này để công kích chế độ. Một trong những hướng tuyên truyền nổi bật của họ là lợi dụng chuyện thiếu xăng để phản đối nhà nước điều tiết kinh tế.

Chẳng hạn, ngày 15/10/2022, fanpage của đảng Việt Tân đã đăng một bài viết có tựa đề “Cơ quan nhà nước chớ nghĩ mình khôn hơn thị trường”. Trong bài có đoạn:

“Nguồn cung không thiếu nhưng cây xăng không có xăng là do các doanh nghiệp đầu mối ghim hàng, chủ yếu bằng chiết khấu 0 đồng. Chiết khấu 0 đồng nghĩa là nơi bán lẻ càng bán càng lỗ, nên đóng cửa cây xăng.

Vì sao lại chiết khấu 0 đồng? Là doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về khi giá xăng thế giới cao, nếu bán theo giá quy định của nhà nước thì sẽ bị lỗ. Họ giữ hàng để chờ nhà nước quyết định tăng giá.

Vì sao thị trường thế giới cao mà giá bán do nhà nước quy định không cao theo để doanh nghiệp khỏi lỗ? Là mấy anh Bộ Công thương và Bộ Tài chính cứ 10 ngày quyết định giá 1 lần, lấy giá bình quân xăng dầu thế giới trong 10 ngày làm cơ sở. Trong khi xăng dầu thế giới thay đổi giá trong từng giờ từng phút, giá bình quân đó chẳng phản ánh được điều gì.

(…) Giá nhập khẩu lên xuống từng giờ từng ngày, nhà nước có đủ khả năng quy định giá bán từng ngày từng giờ không? Đương nhiên là không. (…) Nhà nước không thể nào khôn hơn thị trường được, không chỉ đối với xăng dầu.

Trong sự nhốn nháo vừa rồi, cả Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Chính phủ đều không có giải pháp. Không thể có giải pháp nào nếu luật lệ về định giá xăng dầu vẫn tiếp tục được duy trì. Đó chính là tàn dư của cơ chế tập trung quan liêu không ai có ý định xoá bỏ.”

Những lập luận của Việt Tân thoạt nghe có thể tưởng hay. Nhưng nếu người đọc có chút hiểu biết về lịch sử chính sách kinh tế của các quốc gia, hoặc về chính những gì đang diễn ra trong cuộc suy thoái kinh tế trên thế giới lúc này, thì bài viết trên sẽ lộ rõ là những lời kệch cỡm.

Trước hết, nhà nước điểu chỉnh thị trường là một hiện tượng rất bình thường ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, kể cả trong các nền kinh tế tư bản thời điểm hiện tại. Donald Trump đẻ ra các đòn trừng phạt “thao túng kinh tế” và một cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, đó là nhà nước điều chỉnh thị trường. Các khoản thuế lớn nhắm vào người giàu của Joe Biden cũng thế. Đôi khi chính quyền Mỹ can thiệp vào thị trường một cách trắng trợn và đầy bất công – như khi họ đem tiền thuế của người dân ra cứu các ngân hàng sắp bị vỡ nợ trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dù những ngân hàng này nằm trong số những nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Nhưng cũng có lúc sự can thiệp vào kinh tế của chính quyền Mỹ đem đến phép màu tăng trưởng nhanh và bền, như trong thời “Chính sách kinh tế mới” (New Deal) của Roosevelt. Nếu để mọi quyết định cho thị trường, hẳn nền kinh tế của nước Mỹ đã sụp đổ từ rất lâu về trước.

Vậy trong cuộc suy thoái kinh tê hiện tại, chính quyền các nước tư bản có đang can thiệp vào kinh tế không? Hôm 14/10, tân thủ tướng Anh là bà Liz Truss đã phải sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng, sau khi ý định giảm can thiệp của chính phủ vào kinh tế của bà và ông Kwarteng bị người dân phản đối. Cụ thể, sau khi bà Truss và ông Kwarteng hứa hẹn cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định, với niềm tin rằng việc đó sẽ giúp kinh tế phục hồi, phản ứng tiêu cực từ các thị trường xảy ra dữ dội đến mức Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn chặn các quỹ hưu trí sụp đổ. Reuters nhận định rằng giải pháp vội vàng của chính phủ Truss đã khiến Vương quốc Anh chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị, gợi nhắc cuộc chiến công nghiệp của những năm 1970, hay sự sụp đổ của đồng bảng Anh vào đầu những năm 1990, và sự hỗn loạn sau Brexit.

Giới dân chửi không hiểu rằng họ không còn sống trong thời Chiến Tranh Lạnh nữa. Ngày nay, mọi chính phủ đều phải can thiệp vào thị trường để đảm bảo an sinh. Thay vì phủ nhận sạch trơn mọi sự điều tiết thị trường của nhà nước nhân danh ý thức hệ tư bản, họ lẽ ra nên suy nghĩ về những giải pháp cụ thể và thực tế hơn. Tiếc rằng họ không thật sự có giải pháp, vì lâu nay họ chỉ biết chửi.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *