Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
60067

Bảo vệ người tố cáo tham nhũng Kỳ 2: Nâng cao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Mặc dù tình hình tham nhũng ở nước ta được đánh giá là nghiêm trọng (năm 2019, Việt Nam đứng thứ 96/180 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế), nhưng chưa thấy có trường hợp người đứng đầu, cán bộ, công chức  nào bị xử lý kỷ luật vì không bảo vệ người tố cáo, hoặc vì không chỉ đạo, giải quyết đơn thư tố cáo đúng quy định.

Người dân còn sợ tố cáo, ngại tố cáo

Tố cáo là một phương thức thể hiện quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước. Tố cáo và việc giải quyết tố cáo góp phần bảo vệ uy tín của Đảng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Thời gian qua, số lượng đơn thư tố cáo của công dân tăng, minh chứng cho sự tin cậy của công dân vào việc thực thi pháp luật của Nhà nước cũng như việc thực hiện các quy định của Đảng. Một số công dân chủ động, tích cực đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động tố cáo, cung cấp bằng chứng sai phạm cho các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan có thẩm quyền và cơ quan báo chí. Điều đó thể hiện rất rõ trách nhiệm công dân xây dựng đất nước, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, liêm chính, cần phải cổ vũ, khích lệ. Do đó cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người dân tố cáo tham nhũng.

Tình hình hiện nay cho thấy, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng, hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị để xảy ra tham nhũng thường tìm mọi cách che chắn, bảo vệ người bị tố cáo, bưng bít thông tin, thoái thác trách nhiệm, thậm chí chỉ đạo tổ chức đảng, chính quyền ở đó làm mọi cách để người tố cáo phải rút đơn. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhận định: Còn tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm…

Năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành cuộc khảo sát ý kiến công chúng trên toàn thế giới về tham nhũng ở 107 quốc gia. Hầu hết những người được hỏi khẳng định rằng, con người đang bị xúc phạm bởi nạn tham nhũng và thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch và thiếu liêm chính trong hoạt động của các chính trị gia, công chức và chủ doanh nghiệp. Có 67% số người được hỏi tin rằng những công dân bình thường cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng ở đất nước họ và hơn 69% nói rằng họ sẽ báo cáo về các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tế số người báo cáo tham nhũng thấp hơn nhiều. Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng nêu lên những lý do người dân không báo cáo tham nhũng, trong đó: 47% khó chứng minh một vụ việc; 33% báo cáo việc đó là vô nghĩa bởi vì những người có trách nhiệm sẽ không bị trừng phạt; 31% cho rằng người báo cáo không được bảo vệ; 21% không biết báo cáo với ai; 20% những người báo cáo vụ việc tham nhũng gặp rắc rối với cảnh sát hoặc cơ quan khác.

Tại cộng hòa Séc, 39% công dân được hỏi lo ngại rằng, việc báo cáo tham nhũng sẽ đưa đến những rắc rối với cảnh sát hoặc các nhà chức trách. Ở Luxembourg, các cơ quan công cộng có thể không hành động khi nhận được đơn tố cáo nặc danh.

Tháng 11-2013, tổ chức Public Concern at Work có trụ sở tại Anh đã phỏng vấn 1.000 người tố cáo và phát hiện thấy 15% trong số họ bị sa thải sau khi họ báo cáo việc làm sai trái trong tổ chức của mình. Nhân viên càng ở vị trí quan trọng càng dễ bị sa thải. Cứ năm người thì có một người phải nhận kỷ luật hoặc cách chức sau khi nêu lên mối lo ngại của họ ở nơi làm việc. 74% số người tố cáo nói rằng, tổ chức của họ không hành động sau khi nghe nhân viên nêu lên các vấn đề quan ngại ở nơi làm việc và 60% không nhận được phản ứng nào từ người quản lý. Nhiều thông tin tố cáo của nhân viên cấp thấp bị phớt lờ. Những người tố cáo không gặp thuận lợi khi phải ra toà chứng minh phát hiện sai phạm, chỉ có 22% thắng kiện. Trong số này, 2% được phục hồi trở lại công việc cũ và 8% được bồi thường thiệt hại.

Còn tại nước ta, theo khảo sát của Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 (từ đó đến nay không có nghiên cứu nào được thực hiện thêm) về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng; 51% người dân sợ rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì và 28% sợ gánh chịu hậu quả. Khi tham nhũng chui sâu vào các cơ quan phụ trách công tác tổ chức cán bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý tài chính, dự án, thì những người tố cáo có rất ít cơ hội được bảo vệ.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Do đó, thời gian tới nước ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo theo hướng trách nhiệm cá nhân cụ thể, gắn với vị trí việc làm; vị trí lãnh đạo của thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu. Bên cạnh đó cần xây dựng các chính sách, các kênh để khuyến khích người dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng

Trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương về các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội và Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, bảo vệ người tố cáo. Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện quyết định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cần xử lý trách nhiệm   những người đứng đầu cấp ủy thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW Ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích trong phòng chống tham nhũng

Chỉ thị số 27-CT/TW đề ra các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, cụ thể là phải kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo nhưng không làm tròn trách nhiệm; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ. Động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Cần tiếp tục quán triệt người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương về các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội và Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, bảo vệ người tố cáo. Các cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng cần chủ động công khai thông tin điều tra các vụ việc chống tham nhũng trên mạng internet, thậm chí cập nhật diễn biến điều tra nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của người dân, đồng thời bảo vệ người tố cáo hữu danh cũng như ẩn danh. Cơ quan có thẩm quyền cần xử lý các thông tin hữu danh, đồng thời có cơ chế xử lý thông tin tố cáo nặc danh, mặc dù theo pháp luật hiện hành là không xử lý. Bên cạnh đó cần chú trọng bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho người tố cáo; khen thưởng, vinh danh những người tố cáo vì lợi ích xã hội.

Để người đứng đầu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong việc bảo vệ người tố cáo, và để khuyến khích công dân tố cáo tham nhũng, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng, chống tham nhũng từ trên xuống, đẩy mạnh thực thi pháp luật ở tất cả các cấp./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *