Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28812

Chính khách, học giả Mỹ từng đánh giá Ngô Đình Diệm ra sao?

Dịp 30/4 hay 2/11 hàng năm được giới cờ vàng, chống cộng, zân chủ cuội trong nước xem là ngày giỗ của ông Ngô Đình Diệm và chế độ ngụy quyền VNCH và họ lại rùm beng “tưởng nhớ”, “tiếc thương”, “ca ngợi công đức” của ông Ngô Đình Diệm và chế độ VNCH thời ông Diệm, như là cách thức để họ bày tỏ quan điểm phản đối, chống lại thể chế và chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam. Năm nay cũng vậy, cả truyền thông Việt ngữ của Mỹ và phương Tây và đám người nhận “chống cộng” lại tạo trend này trên mạng. Một số đưa lại bức ảnh đi viếng, làm lễ bên ngôi mộ của ông Diệm để thể hiện sự “thành kính” , “tôn sùng” của họ.

Nói vè ông Ngô Đình Diệm, ông Trần Chung Ngọc, học giả, giáo sự người Mỹ gốc Việt từng có bài dài “Vài dòng về cụ Diệm” nói về quá trình ông Diệm lọt vào mắt xanh của chính giới Mỹ nhờ vào sự ủng hộ của Hồng y Spellman và Vatican. Ông Diệm nhận được sự tín nhiệm từ chính giới Mỹ khi quyết định can thiệp vào Việt Nam và từ đám đồ tể tay sai thực dân, đế quốc trong nước nhờ vào “ông thuộc dòng họ ba đời làm Việt Gian” và “Thành tích “yêu nước” nổi bật nhất của ông là trong thời Pháp thuộc, khi làm Tri Phủ Hòa Đa, ông đã dùng đèn cầy đốt hậu môn của những người yêu nước chống Pháp để tra khảo”.

Còn nói về sự nghiệp chính trị của ông Diệm, không đề cập đến sách sử Việt Nam, học giả Việt Nam đã đúc kết từ các tư liệu lịch sử, nhân chứng, bảo tàng…đều còn nguyên ở đó. Trong phạm vi bài viết này, BBT xin giới thiệu 20 ý kiến đánh gái được trích dẫn từ chính khách, học giả Mỹ đánh giá, phân tích, mổ xẻ về “chiến tranh Việt Nam”, nguyên nhân thất bại của Hoa Kỳ, thì hẳn giới chống cộng, zân chủ không thể phủ nhận được, đã được giáo sư Trần Chung Ngọc ghi chép, tổng hợp, biên dịch rất cụ thể, trích dẫn rõ ràng.

===

 

1. “Vietnam: Crisis of Conscience” by Robert McAfee Brown, Abraham J. Heschel & Michael Novak, Associated Press, New York 1967, p. 30:

Ký giả người Úc Denis Warner viết “Trong nhiều năm, cái chế độ bạo ngược chuyên chế mà Tây phương đồng minh với ở Saigon (chế độ Ngô Đình Diệm) thì còn tệ hơn là cái chế độ mà Tây phương đang chiến đấu để chống(chế độ CS)”. Diệm và gia đình ông ta đã giết hoặc lưu đày tất cả những thế đối lập. “Diệm đã mất đi sự tin cậy và trung thành của dân chúng” như Bộ Trưởng McNamara đã nhận định ngày 26 tháng 3, 1964.

2. “Fire In The Lake” by Frances Fitgerald (Winner of the Pulitzer Prize, Winner of the National Book Award, Winner of the Bancroft Prize For History), Vintage Books, New York 1985, pp. 134-139:

Cái chất công giáo của Diệm, không hề mở mắt hắn đến với những ý tưởng mới, mà chỉ thuyết phục hắn là cai trị bằng nghi lễ và huấn thị đạo đức là có thể thành công, mà nó có vẻ như vậy trong các làng mạc ở miền Bắc và Trung sống trong cái vỏ bằng sắt và điều khiển bởi các linh mục.

Cái mà hắn ta không ý thức được là cái kiểu cai trị thiển cận như vậy của các giáo xứ có thể thực hiện chỉ vì người Pháp đã bảo vệ họ và tổ chức nền hành chánh quốc gia. Do đó, tham vọng của hắn phục hồi xã hội cổ xưa giống như là của những tên thực dân Pháp, coi mình như cha người ta, đã chống những chương trình cải cách của những giới chức hành chánh nơi thành thị – sự khác biệt là trong khi người Pháp giữ lãnh vực hiện đại cho riêng họ thì Diệm không nhận ra được sự quan trọng của vấn đề hiện đại hóa. Đối với hắn, thế giới hiện đại là Sài-Gòn, cái thị trấn ký sinh trùng đó đã trở nên béo mập bởi máu của thôn quê và lợi lộc của Tây phương…

Những ký giả như Robert Shaplen đã chỉ trích Diệm như làm cho những nông dân xa lánh vì những biện pháp đàn áp của hắn.

Một số đông những giới chức và ký giả, kể cả những người có nhiều kinh nghiệm và có khuynh hướng chính trị khác nhau như Douglas Pike, Chester Bowles, và chuyên gia chống nổi loạn người Anh, Robert Thompson, đều coi Diệm như là kẻ thù của chương trình chống Cộng.

Trong tất cả những năm cầm quyền, Ngô Đình Diệm chỉ có một đồng minh ở thôn quê, đó là những người Công giáo, đặc biệt nhất là những người di cư từ ngoài Bắc vào. Ngay từ đầu, Diệm dùng trong bộ máy hành chánh phần lớn là những người Công giáo, và thiên vị các làng Công giáo đối với phần còn lại của quốc gia. Những giới chức của Diệm, làm việc chặt chẽ với các linh mục, đem phần lớn viện trợ Mỹ cho các làng Công giáo, và phần lớn những nông sản. Chúng cho những người Công giáo quyền khai thác lâm sản và độc quyền sản xuất loại hàng hóa nông sản mới do các kỹ thuật gia Mỹ đưa vào giúp. “Theo đạo có gạo mà ăn” là một câu tục ngữ khi xưa của người Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Dưới thời Diệm người dân Việt đã phải theo cái lệnh này. Đặc biệt ở miền Trung, hàng ngàn người, trong vài trường hợp hầu như toàn thể khu định cư, theo đạo để tránh những dịch vụ cỏ vê của chính phủ, hoặc để tránh biện pháp tái định cư trong vài vùng rừng rú hay sình lầy gian khổ – để giúp những người Công giáo lân cận. Nuôi người Công giáo trong sự tổn hại của phần còn lại của dân chúng, lẽ dĩ nhiên, là một chính sách thiển cận, nhưng Diệm không thấy một đường lối nào khác, và Mỹ cũng không đề nghị cho Diệm một đường lối nào khác.

3. “Background to Vietnam” by Bernard Newman. Signet Books, New York 1965, p. 117:

Bất kể hiến pháp viết như thế nào, Diệm cai trị như là một nhà độc tài. Triết lý chính trị của ông ta dẫn xuất từ một nhóm Công giáo Pháp, những người đã đặt ra thuyết Nhân Vị. Thuyết này nhấn mạnh đến nhân cách để chống với quan niệm đưa quần chúng vào kỷ luật của Cộng Sản. (Thực ra, đây chỉ là một chiêu bài chống Cộng vì trong cấu trúc toàn trị của Công Giáo thì tín đồ chỉ có quyền vâng phục các bề trên, do đó làm gì có Nhân Vị. TCN). Chi tiết về thuyết này phức tạp, khó hiểu đối với mọi người trừ một triết gia. Một chuyên gia Mỹ được mời đến để cố vấn cho hệ thống thuế má địa phương mô tả thuyết Nhân Vị như là “một pha trộn lộn xộn của những sắc lệnh của giáo hoàng và kinh tế mẫu giáo, tổ hợp với một sự nghi ngờ những tư nhân thương gia, một sự e ngại đầu tư ngoại quốc, và một quan niệm là không thể thành đạt được gì nhiều ở Việt Nam nếu không có sự kiểm soát của chính phủ.”

Trên thực tế chính phủ đây là chính phủ Diệm.

…Ngày tháng qua, cách cai trị của Diệm càng ngày càng trở nên không thể chịu được, và tới năm 1963 hắn là một nhà độc tài hoàn toàn, chỉ nghe những thân nhân trong gia đình. Hắn hoàn toàn xa lạ với quần chúng. Người ta phàn nàn là hắn đã trao những chức vụ tốt nhất cho người Công giáo: nhưng những người Công giáo là “người ngoại quốc” – những người di cư từ ngoài Bắc vào. Sự bất mãn đưa đến phong trào chính trị của Phật Giáo.”

4. “Backfire: Vietnam – The Myths That Made Us Fight, the Illusions That Help Us Lose, The Legacy That Haunts Us Today” by Loren Baritz, Ballantine Books, New York 1985, pp. 83-85:

Công giáo Việt Nam phát triển do chính sách kỳ thị Phật Giáo một cách có hệ thống của Ngô Đình Diệm. Người Công giáo được dùng trong các dịch vụ dân sự, trong khi những người Công giáo sống trong những làng mạc thường không bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc làm đường xá và những việc công cộng. Không giống như những Chùa Phật Giáo, nhà thờ Công giáo được đặc quyền sở hữu tài sản đất đai, cũng như trong thời Pháp thuộc. Với thời gian, sự kỳ thị đối với tuyệt đại đa số dân chúng này đưa đến những phản đối chính trị chống Diệm của những nhà sư Phật Giáo.

…Diệm làm cho người Mỹ khó chịu không chỉ vì đường lối cai trị của hắn. Hắn thích thú trong việc đàn áp những đối lập chính trị mà hắn đã bắt giữ lên tới 40000 người. Đầu năm 1959, Diệm hợp thức hóa sự tàn bạo của mình bằng sự thiết lập những tòa án quân sự để xử những đối lập chính trị và xử tử hình trong vòng ba ngày. Những tòa án này bắt giữ, điều tra, và tuyên án những kẻ phạm tội.

Diệm hăng say đóng cửa những nhà báo không ủng hộ hắn. Tệ hơn cả, hắn dẹp bỏ cấp lãnh đạo trong các làng mạc và thay thế họ bằng những người của Diệm. Hắn đã trở thành một nhà độc tài.

5. “A Bright Shining Lie” by Neil Sheehan, Vintage Books, New York 1989, p. 143:

Lansdale để cho những tiên kiến của mình đưa tới những giả định sai lầm… Lansdale nghĩ rằng những người Công giáo di cư từ miền Bắc là những người yêu nước đã “chiến đấu giành lại sự tự do của đất nước từ người Pháp”. Hắn không nhìn thấy sự sai lầm nào trong vấn đề Mỹ chỉ tin cậy vào sự trợ giúp đặc biệt của người Công Giáo. Hắn không nhìn thấy vấn đề có một người Công Giáo làm tổng thống của cái mà hắn quan niệm là “Việt Nam Tự Do” là không thích hợp.

Công giáo Rô Ma là một thiểu số có nhiều tỳ vết ở Việt Nam. Lansdale lo việc phân biệt giữa người Mỹ và những tên “thực dân” Pháp. Điều hắn làm là đưa ra sự phân biệt tuy chẳng có gì khác nhau.. Chỉ dựa vào người Công giáo giúp đỡ, và bằng cách đặt một người Công Giáo lên cầm quyền ở Saigon, hắn ta đã chứng tỏ là Mỹ đã nhảy vào thay thế người Pháp. Những người Việt Nam theo đạo Công giáo đã được người Pháp sử dụng như là một đạo quân thứ 5 để xâm nhập Việt Nam trước thời thuộc địa và những người Công Giáo đã được Pháp tưởng thưởng cho sự hợp tác của họ với những tên thực dân Pháp. Người Công Giáo thường bị coi như là thuộc một tôn giáo”ngoại lai”, “không phải là Việt Nam”. Với sự ra đi của người Pháp, hiển nhiên là người Công Giáo phải tìm một một ngoại bang khác để bảo vệ họ. Họ nói với Lansdale những gì mà họ cho rằng Landale muốn nghe…

..Trong sự hướng dẫn Diệm của Lansdale đến thành công bằng cách diệt các giáo phái dựa trên lý thuyết Diệm là Magsaysay để lập một chính phủ tập trung quyền lực mới, không bao giờ Lansdale lại nghĩ rằng Diệm bắt đầu chính sách cai trị của mình bằng cách loại bỏ những người chống Cộng hữu hiệu nhất ở miền Nam.

Dòng họ Ngô Đình tiến tới sự áp đặt trên miền Nam Việt Nam cái tôn giáo Công giáo ngoại lai của họ, đảng Công giáo bảo thủ từ ngoài Bắc vào và từ vùng quê hương của họ ở miền Trung. Diệm và gia đình bổ nhiệm những sĩ quan chỉ huy đơn vị, những nhân viên hành chánh và cảnh sát bằng những người Công giáo, từ miền Bắc và từ miền Trung, quê hương của Diệm. Diệm và gia đình hắn bổ nhiệm những người Công giáo vào cấp chỉ huy quân đoàn, hành chánh và cảnh sát. Nông dân ở miền đồng bằng sông Cửu Long thấy mình bị cai trị bởi những tỉnh trưởng, hạt trưởng, bởi những viên chức hành chánh ngoại lai và thường là cao ngạo và tham nhũng…

6. “America in Vietnam” by Dr. John Guilmartin, United Press International/Bettmann, England 1991, p.69:

Những ảnh hưởng đối nghịch của sự thiếu khả năng và tính toán sai lầm của Diệm không chỉ chấm dứt ở sự thất bại về quân sự chống Việt Cộng. Nghi ngờ tất cả những người không có cùng đức tin Công giáo của mình, và hoan hỉ với sự thành công trong việc dẹp bỏ các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo, họ khởi sự chiến dịch chống Phật Giáo.

7. “Vietnam: The Valor and the Sorrow” by Thomas D. Boettcher, Little Brown & Company, Boston 1985, p.150:

“Trong 10 đô la viện trợ thì 8 được dùng cho nội an chứ không dùng cho công tác chiến đấu chống du kích Cộng sản hay cải cách ruộng đất. Diệm lo lắng về những cuộc đảo chánh hơn là Cộng sản.

Như là hậu quả của những biện pháp đàn áp càng ngày càng gia tăng, sự bất mãn của quần chúng đối với Diệm cũng càng ngày càng tăng, bất kể là toan tính của Diệm dập tắt sự bất mãn này trong mọi cơ hội. Hàng triệu nông dân ở những vùng quê trở thành xa lạ đối với Diệm. Không lạ gì, hoạt động của Cộng sản gia tăng cùng với sự bất mãn của quần chúng. Và những biện pháp đàn áp của Diệm cũng gia tăng theo cùng nhịp độ. Nhiều ngàn người bị nhốt vào tù.

Cho tới năm 1960, điều khác biệt duy nhất giữa hai chính quyền Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh là ở những lá cờ của họ.”

8. “The Indochine Story” by the Committee of Concerned Asian Scholars, A Bantam Book, New York 1970, pp. 32 & 34:

“Một nhân vật Mỹ ủng hộ Diệm lúc đầu kết luận: Lạm dụng quyền lực, độc tài, tham nhũng, coi thường cấp dưới, và không đếm xỉa gì đến nhu cầu của dân chúng một cách ác độc, đó là tấm gương mà gia đình họ Ngô để cho những bộ trưởng, nhà lập pháp, tướng lãnh, tỉnh trưởng, trưởng làng mà họ Ngô dùng như những quân cờ noi theo.

Đàng sau gia đình nhà Ngô là Mỹ. Ở dưới gia đình này chẳng có gì mấy. Gia đình này đã trải cái bóng của họ trên xã hội Việt Nam; tuy nhiên cái rễ của họ thật sự chỉ cắm nông vào đất Việt. Điều này định trước những phương pháp Diệm dùng để kiểm soát đất nước… Chỉ có một đường lối: đàn áp và củng cố quyền lực trong tay những anh em và thuộc hạ của Diệm.. Săn lùng toàn diện những người bất mãn được tổ chức ở thôn quê năm 1956, và tăng gia cường độ khi tình hình suy kém.

75000 người hay hơn nữa bị giết trong chiến dịch này. Còn nhiều người hơn nữa bị tống giam bởi sắc lệnh số 6 của tổng thống, ký trong tháng 1, 1956. Sắc lệnh nói: “Những cá nhân coi là nguy hiểm cho quốc phòng và an ninh chung có thể bị bắt giam trong những trại tập trung do lệnh của cơ quan hành pháp. Tình trạng trong những trại tập trung của Diệm, chỉ bị phanh phui sau khi Diệm đổ, thật sự nhơ nhớp. Cố ý để cho chết đói, cố ý làm cho mù, cố ý hành hạ…, danh sách này thật là dài.”

9. “The Story of Vietnam” by Hal Dareff, An Avon Camelot Book, New York 1966, p. 108:

“Nay Diệm đã thắng mọi kẻ thù, anh em nhà Diệm muốn chắc rằng không ai có thể bứng họ đi. Ở ngoài mặt, Nam Việt Nam là một thể chế Cộng Hòa với một hiến pháp mới toanh hứa hẹn tự do và dân chủ cho quần chúng. Tuy nhiên, thực tế thì lại trái ngược hẳn… Nhu là cánh tay phải của Diệm.. Hắn tổ chức gian lận bầu cử, đưa vào quốc hội những tay sai của hắn, và sai bọn Cần Lao đi rình mò khắp nước để kiếm những người chống đối hắn.

Chế độ Diệm bắt đầu thoái trào vào đầu năm 1963. Tổng thống cai trị dân trong dinh thự của mình như là một thể chế quân chủ, cắt lìa khỏi quần chúng. Sự thù ghét Diệm và gia đình hắn gia tăng đến độ người ta có thể cảm thấy đầy trong bầu không khí ở Saigon. Tin đồn về đảo chánh loan truyền trong thành phố hầu như hàng ngày. Trong những hoàn cảnh như vậy, Diệm chỉ lo bám chặt vào quyền lực. Cuộc chiến (chống Cộng) trở thành thứ yếu. Sĩ quan được thăng cấp nếu giữ được mức tổn thất thấp. Chỉ có một cách chắc chắn giữ được như vậy – không tác chiến. Không tác chiến đã trở thành một cách sống đối với một số cấp chỉ huy và là cách duy trì địa vị.

…Cuộc tranh chấp giữa Diệm và các Phật tử đã được tích lũy kể từ ngày Diệm lên làm thủ tướng năm 1954. Diệm, một tín đồ Công giáo, đương nhiên là cảm thấy thoải mái hơn đối với những tín đồ Công giáo khác. Nhiều chức vụ chỉ huy trong chính quyền và quân đội được trao cho những người Công giáo, những người này được đặc quyền đặc lợi làm tiền trong những thương vụ của chế độ.

Trong số 15 triệu dân ở miền Nam Việt Nam, hơn 1 triệu một chút là người Công giáo. Phần còn lại, phần lớn là Phật tử, phẫn nộ vì chính sách thiên vị người Công giáo. Sự đối xử khác biệt này còn trắng trợn hơn ở các tỉnh lỵ, nơi đây các linh mục địa phương và các giới chức chính quyền, hầu hết là Công giáo, có toàn quyền. Khi các ấp chiến lược được dựng lên, những người Công giáo được miễn làm việc và những người phi-Công giáo bị đưa vào chỗ thay thế họ để làm những công việc lao dịch. Những vùng đất mới được mở mang và phát triển, người Công giáo được chọn những miền đất phì nhiêu ở những miền duyên hải có an ninh. Những đất đai dành cho Phật tử ở sâu trong nội địa, ở đây họ phải lao động dưới sự đe dọa của Việt cộng. Nhiều Phật tử theo đạo (không có nghĩa là tin đạo. CTN) để được sống dễ dàng hơn.”

10. The Two Viet-Nams” by Bernard B. Fall, Frederik A. Praeger Publisher, New York 1967:

Trang 236: Tính hiếu chiến của ông Ngô Đình Diệm thuộc loại như thế này: Đức tin của ông ta ít có tính chất từ ái của các tông đồ hơn là tính hiếu chiến tàn nhẫn của một Đại Phán Quan Tây Ban Nha của Tòa Án Dị Giáo (Torquemada); và Quan điểm của ông ta về chính quyền thì ít có tính chất của một tổng thống theo hiến định của một nước cộng hòa hơn là một bạo chúa theo truyền thống quan lại phong kiến. Một người Pháp theo Công Giáo khi nói chuyện với ông ta muốn nhấn mạnh về ảnh hưởng văn hóa Pháp đối với ông Diệm đã nhấn mạnh những từ như “tín ngưỡng của chúng ta”, thì Diệm thản nhiên trả lời rằng: “Ông biết mà, tôi tự coi tôi như là một người Công Giáo Tây Ban Nha” , có nghĩa là, ông ta là một đứa con tinh thần (của Giáo Hội La Mã) của một đức tin hung hăng, hiếu chiến hơn là một tín đồ dễ dãi và khoan dung giống như người Pháp theo hệ phái Công Giáo Gallican.”

Trang 250: “Trong số những người lên cầm quyền cùng với Diệm năm 1954-55, KHÔNG MỘT NGƯỜI NÀO còn giữ chức vụ bộ trưởng khi Diệm bị giết năm 1963. Một vài người bị lưu đày ở Pháp hoặc Mỹ, và một vài người rút lui với thái độ trông chờ ở Saigon. Một sự dập theo những phương pháp toàn trị của Cộng sản Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng của Ngô Đình Nhu. Đảng này trở thành một hệ thống quyền lực hoàn toàn giống như của Cộng sản, với những thành viên mật và chỉ biết nhau trong những tổ 5 người, và những “nhóm hành động” có nhiệm vụ dẹp bỏ mau chóng và kín đáo những người đối lập… Như vậy, chế độ Diệm sai lầm trong hai phương diện: Quân đội không bao giờ thực sự hữu hiệu, và các sĩ quan ở quân đoàn thì không trung thành với những ông chủ dân sự và nhắm mắt làm ngơ trước sự thất bại của chế độ.

Trong sự mô tả đảng Cần Lao, John C. Donnell định nghĩa Cần Lao như là “một đảng chính trị mạnh gồm những thành viên thường tin rằng mình thuộc những đảng chính trị khác và ngự trị những đảng này.” Nói cách khác, những hoạt động trong hệ thống nội bộ của họ y hệt như của đảng Cộng sản: dò thám bạn bè, xâm nhập đồng minh, và hoạt động như “một quốc gia trong một quốc gia” trong chính guồng máy chính quyền của mình. Nếu không còn cái gì khác, những điều trên có thể làm cho chế độ Nam Việt Nam mang nhãn hiệu một loại “dân chủ của quần chúng” chống-Cộng mà sự khác biệt lớn nhất đối với người anh em song sinh Cộng sản Bắc Việt Nam là thái độ hành trì Công giáo và là sở hữu chủ của những đồn điền cao su.”

11. “An Eye For The Dragon” by Dennis Bloodworth; Farrar, Straus & Giroux, New York 1970, p. 209:

“Cho tới năm 1963 mật vụ của Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những kẻ thù hầu như mọi người quốc gia có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước. Hắn và gia đình hắn đã đàn áp mọi đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực.”

 

12. “Intervention and Revolution” by Richard J. Barnet, A Meridian Book, New York 1972, pp. 233-235:

“Khuyến cáo rằng “nếu bầu cử được tổ chức ngày nay (1956) thì tuyệt đại đa số dân Việt sẽ bầu cho Cộng sản,” Cherne tuyên bố rằng uy tín của Mỹ ở Á Châu tùy thuộc vào sự ngăn chận cuộc bầu cử này. Phương pháp giải quyết là củng cố lớp người Công giáo ở miền Nam Việt Nam, chỉ có những người này mới có lý do thuộc về lý tưởng chống Cộng. Nhà văn Công giáo người Anh, Graham Greene, đã mô tả việc Mỹ sử dụng giáo hội Công giáo trong cuộc chiến tranh lạnh ở Việt Nam như sau:

Chính cái ý hệ Công giáo đã làm cho chế độ của ông Diệm sụp đổ, vì sự sùng tín của ông ta đã bị các cố vấn Hoa Kỳ khai thác cho đến khi giáo hội Công giáo ở Việt Nam ở trong cơ nguy cùng chung số phận bất thiện cảm của người dân Việt đối với Mỹ…Những khoản tiền to lớn được dùng để tổ chức những cuộc đón tiếp quan khách ngoại quốc và tạo nên ý niệm giáo hội Công giáo là của Tây phương và là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh. Trong những trường hợp hiếm hoi mà Diệm đi kinh lý những vùng trước đây bị Việt Minh chiếm, bao giờ cũng có một linh mục ở bên cạnh, và thường là một linh mục Mỹ…

Điều quan tâm chính của chính quyền Diệm là sự an toàn của chính quyền. Chính quyền Diệm sợ rằng cuộc bầu cử dự định tổ chức vào tháng 7, 1956 đưa đến sự thắng lợi của Hồ Chí Minh và chấm dứt quyền lực của những chính trị gia không Cộng sản..

Những ước tính của cơ quan tình báo quốc gia CIA, soạn trong tháng 2, 1957, mô tả chế độ Diệm như sau:

Chế độ Diệm phản ánh ý nghĩ của Diệm. Một bộ mặt chính quyền đại diện cho dân được duy trì, nhưng thực chất chính quyền là độc tài. Quyền lập pháp của quốc hội bị hạn chế gắt gao; quyền tư pháp chưa phát triển và tùy thuộc quyền hành pháp; và những nhân viên trong ngành hành pháp không gì hơn là những tay sai của Diệm. Không có một tổ chức đối lập nào, dù trung thành hay không, được phép thành lập, và mọi chỉ trích chính quyền đều bị đàn áp…Quyền lực và trách nhiệm tập trung nơi Diệm và một nhóm nhỏ gồm có những thân nhân của Diệm, những người quan trọng nhất là Nhu và Cẩn.”

Chế độ độc tài của Diệm, dựa trên một mạng lưới mật vụ, tòa án quân sự, và công chức tham nhũng, tuyên bố không những chiến đấu chống Cộng mà cho tới năm 1957 Cộng sản vẫn chưa có hoạt động gì, mà còn chống bất cứ nhóm nào không chắc là trung thành với Diệm. Thật vậy, nhiều người không-Cộng-sản vào tù hơn là người Cộng sản.

…Sự chuyên chế của Diệm, sự thiên vị trơ trẽn của hắn đối với những người Công giáo tị nạn từ ngoài Bắc vào so với phần còn lại của dân chúng, và sự bạo hành của hắn đối với mọi người không đồng quan niệm chính trị với hắn đã tạo nên một sự liên kết chống hắn mà hắn rất sợ.”

13. “Vietnam Revisited” by David Dellinger, p. 35:

Ngay từ lúc đầu Diệm đã có khuynh hướng toàn trị và gia đình trị mà 8 năm sau dư luận quần chúng lên án chính quyền của hắn.

“Khuynh hướng toàn trị” của Diệm đã đưa đến việc thành lập một đảng chính trị riêng tư, đảng cần Lao, một đảng duy nhất. [Thời đó không thấy ai đòi đa nguyên đa dảng. TCN]

Đảng Cần Lao cũng phục vụ hắn như là mật vụ, dập theo khuôn mẫu của Nhật Bản trong Thế Chiến II – mà Diệm đã nghiên cứu kỹ chi tiết.

Như chúng ta đã thấy, đảng này đã giết hại 90000 người và cầm tù 800000 trong đó có nhiều người bị tra tấn.

..Khi Diệm về Việt Nam năm 1954, một người Công giáo theo lệnh của một thế lực ngoại quốc về cai trị một nước mà 80% là Phật tử, CIA đã thuê vài trăm người để hoan hô hắn tại bến tàu. Nhưng cả CIA lẫn những giới chức Mỹ ủng hộ Diệm đều không làm sao làm ngược được sự kiện là Diệm không có sự ủng hộ của quần chúng, chính sách đàn áp đẫm máu của Diệm đối với từ các nhà sư Phật giáo và các tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài cho tới những nông dân yêu nước, giới tư sản tôn trọng luật pháp, trật tự và một chút công lý, và những tướng lãnh đối thủ – “kéo theo (và đã xảy ra) tất cả những khó khăn vì một con người với nhân cách như vậy.”

 

14. “Vietnam: Why Did We Go?” by Avro Manhattan, Chick Publication, California 1984, pp. 56 & 89:

“Tổng thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam là một ngưòi theo đạo Công giáo cai trị Nam Việt Nam bằng một bàn tay sắt. Hắn ta thật tình tin rằng Cộng sản là ác và giáo hội Công giáo là duy nhất. Hắn đã được hồng y Spellman và giáo hoàng Pius XII trồng vào cái ghế tổng thống. Hắn đã biến cải ngôi vị tổng thống thành một nhà độc tài Công giáo, tàn nhẫn nghiền nát những đối lập chính trị và tôn giáo. Nhiều nhà sư Phật giáo tự thiêu để phản đối những sự bạo hành tôn giáo của hắn. Sự bạo hành kỳ thị đối với người phi-Công giáo, đặc biệt là các Phật tử, đã gây nên sự rối loạn trong chính phủ và trong quân đội thì quân nhân đào ngũ hàng loạt. Điều này đưa đến sự can thiệp quân sự của Mỹ.

Trong chính sách khủng bố này hắn được sự phụ giúp của hai người anh em Công giáo, người đứng đầu mật vụ (Ngô đình Nhu) và tổng giám mục ở Huế (Ngô đình Thục).

Người ta ghi nhận rằng, và những con số sau đây tuy không được chính quyền chính thức khẳng định nhưng có thể coi là đáng tin cậy, là trong thời gian kinh hoàng từ 1955 đến 1960 – ít nhất là có 24000 người bị thương, 80000 bị hành quyết hay bị ám sát, 275000 người bị cầm tù, thẩm vấn hoặc với tra tấn hoặc không, và khoảng 500000 bị đưa đi các trại tập trung. Đây chỉ là những con số ước tính bảo thủ, khiêm nhường.

Đặt quyền lợi quốc gia ra đàng sau để đẩy mạnh quyền lợi tôn giáo của hắn, kết quả là tên độc tài Diệm đã đưa đất nước xuống vực thẳm.”

15. “Nobody Wanted War” by Ralph K. White, A Doubleday Anchor Book, New York 1970, p. 91:

“Diệm, người em dở điên và vợ hắn (Nhu và vợ), đã làm cho mọi nhóm quan trọng trong nước, kể cả nhóm chống Cộng thực tế nhất, nhóm này đã thấy rõ gia đình Diệm đã hạ thấp và làm yếu đi cuộc tranh đấu chống Cộng, và sau cùng cả những sĩ quan cao cấp trong quân đội, những người mà mọi tên độc tài không được lòng người phải trông cậy vào họ để sống còn, xa lìa.

Theo Malcolm Browne, chế độ Diệm đã bị cả nước oán ghét. Nếu nhà Ngô còn cầm quyền cho đến ngày nay (1965) thì chắc chắn là Việt Nam sẽ hoàn toàn là Cộng sản.” [Bọn Công giáo hoài Ngô ngày nay vẫn còn đưa ra luận điệu “Còn cụ thì không mất nước”]

 

16. “The Political Economy of Human Rights. Vol I” by Noam Chomsky and Edward S. Herman, Black Rose Books, Canada 1979, pp. 30, 302-303:

Joseph Buttinger, một cố vấn của Diệm lúc đầu và là người đã bày tỏ sự ủng hộ Diệm nồng nhiệt nhất trong thập niên 1950, khẳng định là gọi Diệm là phát xít thì không thích hợp vì, tuy chế độ Diệm có tất cả những sự xấu xa của chế độ phát xít, Diệm thiếu cơ sở quần chúng mà Hitler và Mussolini đã có thể tập hợp được.

..Theo Jeffrey Race, một cựu cố vấn quân sự Mỹ cho Nam Việt Nam có rất nhiều tài liệu về lịch sử Việt Nam cận đại, chính quyền Diệm đã khủng bố người dân nhiều hơn là phong trào cách mạng nhiều – thí dụ, thủ tiêu các cựu kháng chiến quân Việt Minh, bắn pháo binh vào những “làng cộng sản” và bắt bớ những người “có thiện cảm với cộng sản”. Cũng chính vì những chiến thuật đó mà lực lượng của phong trào cách mạng càng ngày càng gia tằng ở Long An từ 1960 đến 1963.

..Sử gia của Ngũ Giác Đài viết về “bệnh gần như hoang tưởng của Diệm lo lắng về vấn đề an ninh,” đưa đến những chính sách “khủng bố toàn diện nông dân Việt Nam, và làm suy giảm trầm trọng sự ủng hộ chế độ của quần chúng.”

Sự dùng bạo lực quá mức và trả thù những người cựu kháng chiến của Diệm là sự vi phạm trắng trợn Hiệp Định Genève (Khoản 14c), cũng như là sự từ chối không thi hành điều khoản tổng tuyển cử trên toàn quốc (vào tháng 7, 1956) của Diệm. Lý do chính mà Diệm từ chối không thi hành điều khoản này vào những năm 1955-56 (tổ chức và tổng tuyển cử trên toàn quốc) thật là hiển nhiên: viên quan lại ly hương nhập cảng từ Mỹ vào chỉ có một sự ủng hộ tối thiểu của quần chúng và ít có hi vọng thắng trong một cuộc tổng tuyển cử…Diệm là mẫu người điển hình của một tên bạo chúa phát xít, dùng khủng bố để bù đắp cho sự thiếu hụt sự ủng hộ của quần chúng..”

17. “The American Pope” by John Cooney, A Dell Book, New York 1984, pp. 309-312:

“Lập trường của (hồng y) Spellman về Việt Nam phù hợp với những mong ước của giáo hoàng. Malachi Martin, một cựu tu sĩ dòng tên phục vụ tại Vatican trong những năm Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, nói rằng giáo hoàng muốn Mỹ ủng hộ Diệm vì giáo hoàng đã bị người anh của Diệm, Tổng giám mục Thục, ảnh hưởng. “Giáo hoàng quan tâm đến sự càng ngày càng thắng lợi của Cộng sản do đó làm suy yếu giáo hội,” Malachi xác nhận rằng: “Giáo hoàng ra lệnh cho Spellman khuyến khích Mỹ tham chiến ở Việt Nam.”

Do đó Spellman xếp đặt một chiến dịch hòa điệu kỹ càng để dựng lên chế độ Diệm. Qua báo chí và vận động trong hậu trường ở Washington, vấn đề đối đầu chống Cộng ở Đông Dương được phổ biến rộng rãi ở Mỹ.

Spellman và Kennedy cũng còn giúp lập lên một nhóm vận động hậu trường Washington. Chủ trương của sự đồng minh này là chống Cộng và phát huy ý hệ Công giáo.

..Do đó, rất nhiều người Mỹ tin rằng Việt Nam là một quốc gia phần lớn là Công giáo. Một phần của cái ấn tượng sai lầm này là kết quả của việc Diệm lên cầm quyền. Với sự giúp đỡ của CIA tổ chức cuộc bầu cử gian lận năm 1955, Diệm hủy bỏ chế độ quân chủ và Bảo Đại bị cưỡng bức phải sống trong cảnh lưu đầy. Cái màu sắc Công giáo đậm đà trong cuộc vận động hậu trường Việt Nam cũng góp phần tạo nên quan niệm sai lầm trên. Còn một yếu tố khác là sự đặt mình vào trong đường lối trên của Spellman.

…Sự tuyên truyền của Spellman về bản chất Công giáo của chính quyền Diệm đã làm rõ rệt thêm hình ảnh không đẹp về vị thế của giáo hội ở Việt Nam. Cái bản chất tôn giáo của chính quyền Diệm và những vấn đề chính quyền đó tạo ra đã được ghi nhận bởi Graham Greene, một tín đồ Ca Tô, trong một bài viết từ Saigon, in trong tờ London Sunday Times ngày 24 tháng 4, 1955:

“Một cuộc viếng thăm không thích hợp của Hồng y Spellman đã được tiếp nối bởi những cuộc viếng thăm của Hồng y Gillroy và Tổng Giám mục ở Canberra. Những số tiền lớn lao đã được dùng để tổ chức những cuộc biểu tình đón tiếp những vị khách này, đưa ra một ấn tượng là giáo hội Ca Tô là của Tây phương và là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh.

…Nam Việt Nam, thay vì đối đầu với chế độ toàn trị của miền Bắc bằng những bằng chứng về tự do, lại rơi vào một chế độ độc tài bất hiệu lực: dẹp bỏ báo chí, kiểm duyệt chặt chẽ, lưu đầy bằng lệnh của chính quyền thay vì phải được xét xử ở tòa án. Thật là bất hạnh khi một chính quyền như vậy lại đồng nhất hóa với một đức tin. Ông Diệm rất có thể đã để lại trên đất nước có tinh thần khoan nhượng này một di sản chống-CaTô.”

18. “The Final Superstition” by Joseph L. Daleiden, Prometheus Books, New York, 1994, p. 62):

“Spelllman là người chủ chốt của giáo hoàng làm cho Mỹ tham chiến sâu đậm ở Việt Nam. Theo một bức thư chính thức của Vatican, giáo hoàng “dùng Spellman để khuyến khích Mỹ tham chiến ở Việt Nam.”

Mọi viện trợ nhân đạo cho miền Nam đều đi qua các cơ sở của giáo hội Công Giáo và chỉ có những người Công Giáo là được Diệm bổ nhiệm vào trong chính phủ. Tuy rằng những chính sách như vậy đưa đến việc cải đạo hàng loạt, số tín đồ Công Giáo chỉ chiếm vào khoảng từ 12 tới 13 phần trăm của dân số miền Nam. Không lạ lùng gì mà khối đa số Phật Giáo bất bình đưa đến việc công khai chống đối chính sách của Diệm. Tình trạng ngày càng suy kém, Diệm đã dùng đến biện pháp bắt giữ hàng loạt, đàn áp Phật tử, đóng cửa chùa chiền và tu viện. Qua kinh nghiệm quá khứ, Giáo hội chắc hẳn đã biết rằng sự đàn áp chỉ làm cho lý tưởng mạnh hơn. Trước sự quan sát kinh hoàng của thế giới, giới Phật tử đã phải dùng tới hành động chống đối tiêu cực rốt ráo và nhiều tăng sĩ đã tự thiêu. Trong những khoảng thời gian đáng sợ đó, tôi, một tín đồ Công Giáo, không nhớ có một lời chỉ trích chính sách của Diệm từ một linh mục hay giám mục Công Giáo nào. Tuy nhiên, sự việc đã lên quá mức đối với Tổng Thống John Kennedy, ông ta thôi không ủng hộ Diệm nữa. Ít lâu sau đó Diệm bị hành quyết trong một cuộc lật đổ chính quyền. Qua cái diễn tiến kinh khủng này vai trò của giáo hội đã theo đúng cái tiến trình lịch sử nhơ nhớp của giáo hội .”

19. “America’s Longest War” by George C. Herring, John Wiley & Sons, New York 1979, pp. 62-65:

“Để làm vui lòng các cố vấn Mỹ, thỉnh thoảng Diệm cũng nói trên đầu môi chót lưỡi về dân chủ, nhưng trong thực hành hắn nắm lấy những quyền lực tuyệt đối. Đích thân hắn ngự trị ngành hành pháp của chính phủ, dành cho hắn và anh em hắn mà hắn đã đưa ba người vào nắm ba chức trong nội các có sáu bộ, mọi quyền quyết định.

Sự tấn công dữ dội của Diệm vào những đối lập chính trị đã gây nên sự bất mãn trong các thành phố cũng như ở thôn quê. Báo chí chỉ trích chính phủ bị đóng cửa ngay.. Dùng quyền hành trong các sắc lệnh của tổng thống, chính quyền Diệm đã lùa vào những “ trại cải huấn” nhiều ngàn người Việt Nam, cộng sản cũng như không cộng sản, những người bị coi như là đe dọa cho trật tự công cộng. Chương trình cải huấn lúc đầu nhắm vào các thành phần kháng chiến Việt Minh ở lại miền Nam, nhưng rồi với thời gian chương trình này được áp dụng cho bất cứ ai dám chống đối chính quyền.

…”Chính quyền có khuynh hướng cai trị dân với lòng nghi ngờ và cưỡng bức”, một phúc trình tình báo của Mỹ kết luận năm 1960, và “đã được đáp ứng bởi thái độ bất thiện cảm và bất mãn của người dân”.

 

20. “Unwinding the Vietnam War: From War Into Peace” by Reese Williams, The Real Comet Press, Seattle 1987, p. 431:

Sau khi Pháp bị đánh bại và có vẻ như nền độc lập (của Việt Nam) sẽ tới, theo hiệp định Genève. Nhưng thay vào đó Mỹ đã nhảy vào, quyết định là Hồ (Chí Minh) không được thống nhất đất nước đang tạm thời chia cắt, và những nông dân lại cảnh giác khi chúng ta ủng hộ một trong những tên độc tài đồi bại nhất của thời hiện đại – Thủ tướng Diệm, người chúng ta chọn. Người nông dân cảnh giác và co rúm người lại khi Diệm tàn nhẫn dẹp mọi đối lập, hỗ trợ những tên địa chủ bóc lột họ, và từ chối thảo luận với Bắc Việt về sự thống nhất của đất nước

Trên đây chỉ là 20 lời phê phán điển hình về chế độ Ngô Đình Diệm của một số trí thức ngoại quốc: ký giả, chính trị gia, giáo sư đại học, nhà quân sự, trong số hàng trăm lời phê phán tương tự khác. Chúng ta cũng nên để ý là hơn phân nửa số tài liệu trích dẫn ở trên được viết sau năm 1975. Nếu độc giả muốn đọc những lời phê phán của người Việt, xin tìm đọc cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của cố Thiếu Tướng Đỗ Mậu, trong đó ở phần cuối có 100 lời phê phán của các nhân sĩ, chính trị gia, tướng lãnh, giáo sư đại học, nhà báo v..v.. về Ngô Đình Diệm và chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Cho tới ngày nay, cuốn hồi ký chính trị này, với rất nhiều chi tiết lịch sử, vẫn là cuốn sách có giá trị nhất trong những cuốn viết về chế độ Ngô Đình Diệm và những diễn biến chính trị trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa..

===

Qua tư liệu nói trên, giáo sư Trần Chung Ngọc cho rằng, “Chế độ Ngô Đình Diệm là một chế độ bạo ngược, chuyên chế, không có sự hậu thuẫn của quần chúng. Đó là một chế độ mà hầu hết những người nắm quyền hành chánh, quân sự là những gia nô vô liêm sỉ”, “Sách lược Công giáo hóa miền Nam bằng thủ đoạn tiêu diệt các giáo phái khác của Diệm trong một nước mà Công giáo chỉ chiếm có 7% là một sách lược ngu xuẩn, đi ngược lại tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên của dân tộc, đã đưa đến sự oán ghét của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam”…Ấy vậy, mà hàng nửa thế kỷ qua đi, vẫn có một nhúm người đội lốt “đấu tranh dân chủ cho Việt Nam” thờ phụng và cầu mong Việt Nam trở lại thời Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên hài thay, họ thương khóc cho ông Diệm, nhưng không dám chửi bới, oán thán chính thể Mỹ và càng không dám tố cáo Mỹ đã khai tử chính quyền Diệm và ngày ngày mong chờ Mỹ, Châu Âu dốc vốn, hậu thuẫn họ lật đổ chế độ hiện nay để đưa đất nước trở về thời kỳ VNCH trước đây!

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *