Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32768

Bóp méo sự thật và kích động chia rẽ dân tộc từ một số báo cáo nhân quyền!

Báo Lâm Đồng mới đây đã có bài viết lên án những cáo buộc áp đặt và vô lý của các bản báo cáo về vấn đề nhân quyền của một số tổ chức nước ngoài công bố gần đây là những lập luận, suy diễn thiếu khách quan liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên, trong số đó tiểu biểu như báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (tháng 3/2021) và báo cáo thường niên 2021 của tổ chức Freedom House (FH – Nhà tự do) chứa những “định kiến đã được lập sẵn”, “ít thiện chí” và đưa ra những nhận định không đúng với thực tế khi đề cập đến cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thậm chí hàm chứa trong đó những yếu tố phủ định, kích động. 
Chẳng hạn, lên án báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định vô lối: “Luật nghiêm cấm phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, nhưng sự phân biệt đối xử của xã hội với người dân tộc thiểu số đã tồn tại từ lâu và tiếp tục dai dẳng…”. Báo cáo này cũng áp đặt những suy diễn mập mờ: “Nhà chức trách viện dẫn các quy định về an ninh quốc gia để bỏ tù những người dân tộc thiểu số do họ có liên hệ với các tổ chức nước ngoài mà chính phủ cho là có mục đích ly khai…”.
Tác giả bài báo đưa ra những lập luận phản bác nội dung suy diễn, áp đặt tiêu chí, thông tin thiếu thực tế từ những báo cáo này, dựa trên một số cơ sở sau:
Thứ nhất, trên thế giới này, quốc gia nào cũng thực thi pháp luật, thực hiện quyền tự quyết để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, quyền không bị các thế lực bên ngoài can thiệp. Có lẽ, những người soạn thảo các bản báo cáo nhân quyền tại Anh, Mỹ, Nghị viện EU; các Nghị quyết H.Res.484, Dự luật HR 1897 ở Hạ viện Mỹ; Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRM), Tổ chức Ân xá quốc tế (Al)… cần nhận thức sâu sắc điều đó. Họ cũng cần có sự hiểu biết về nơi chốn đề cập trước khi khởi thảo những nội dung thiếu căn cứ thuyết phục.
Thứ hai, so sánh điều kiện sinh sống trước khi giành được chính quyền, đánh đuổi Mỹ xâm lược với điều kiện và trình độ phát triển hiện nay của người dân tộc Tây Nguyên:
(1) Người dân tộc bản địa Tây Nguyên ngày xưa sống tăm tối giữa sự vây hãm triền miên trong lạc hậu, đói nghèo. Thời Pháp thuộc rồi đến thời Mỹ – Ngụy, đại ngàn là mảnh đất màu mỡ để bọn thực dân, đế quốc khai thác nguồn tài nguyên giàu có. Những chủ nhân của núi rừng bị biến thành thân phận nô lệ; mồ hôi, nước mắt và máu của đồng bào đã đổ xuống cho những đồn điền cao su, hồ tiêu, cà phê tốt tươi. Biết bao người thịt nát, xương tan dưới hầm mỏ hay trên những cung đường xuyên núi cao, rừng thẳm mà kẻ thù đã dùng sức đồng bào để đào, để mở phục vụ cho mục đích vơ vét của chúng. “Nếu không có người Thượng thì ai khiêng Tây đi, ai gánh đá lát đường”. Lời của một sử gia nước ngoài như vẽ lên bức tranh tả thực về thân phận của đồng bào Tây Nguyên trong những năm tháng đất nước còn chìm trong đêm đen nô lệ. Cùng với cuộc sống đói cơm, nhạt muối, đạn xới, bom cày, các tộc người thiểu số bị đối xử bất bình đẳng, khinh rẻ, kỳ thị. Kẻ thù còn sử dụng chính sách “ngu dân”, gây nghi kỵ, hận thù, kích động các dân tộc anh em chém giết lẫn nhau… Tây Nguyên hiện nay thực sự được giải phóng, đổi đời. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực quan trọng nhằm phát triển Tây Nguyên và từng bước cải thiện cuộc sống đồng bào. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa IX), Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên” và các chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, nhận bảo vệ rừng… đã tập trung các nguồn lực đầu tư và làm thay đổi toàn diện địa bàn chiến lược này.
(2) Ngày xưa Tây Nguyên xa xôi, heo hút thường được ví là nơi “rừng thiêng, nước độc”; ngày nay, giao thông ở khu vực này phát triển chưa từng có với mạng lưới đường bộ gần 40 ngàn km, đường hàng không với 3 sân bay cùng 2 dự án đường sắt và các dự án đường cao tốc hiện đại đang từng bước triển khai. Giao thông thuận lợi đã làm thay đổi diện mạo các buôn làng, kết nối các chuỗi đô thị, các tỉnh trong khu vực và mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn trong nước và các nước trong khu vực. Trên vùng đất 5 tỉnh của 5 triệu người thuộc 47 dân tộc cư trú, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chiếm khoảng 34% với khoảng 1,6 triệu người, từ buôn làng đến phố thị đều mang sắc màu tươi mới, tràn đầy sức sống.
Những năm đầu sau giải phóng, nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn còn giữ tập quán du canh du cư, cuộc sống bất ổn, nghèo đói, lạc hậu và bệnh tật. Nhà nước đã sớm tổ chức cho người dân định canh định cư, ổn định cuộc sống, làm quen với sản xuất hàng hóa. Trên miền đất gian khó ngày xưa, dần xuất hiện những buôn làng giàu có, văn minh, nhiều tỉ phú người đồng bào dân tộc thiểu số; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 40 triệu đồng. Toàn vùng có 3 huyện, thị và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tây Nguyên ngày nay được biết đến là một vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với những con số ấn tượng: Gần 600 ngàn héc-ta cà phê, sản lượng bình quân 1,3 triệu tấn hằng năm; 72 ngàn héc-ta hồ tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 121 ngàn tấn; cao su, điều, rau, hoa và các loại cây ăn quả đều phát triển mạnh. Sự nghiệp xóa đói giảm nghèo được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 15% và hộ cận nghèo còn khoảng 4,5%, hàng năm giảm khoảng 3%. Số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế toàn vùng đạt 55%, xã và trạm y tế có bác sĩ đạt 88%, số bác sĩ trên một vạn dân đạt 7,42%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 72%. Quy mô và chất lượng giáo dục đã được nâng cao. Hệ thống trường dân tộc nội trú các cấp được phủ khắp địa bàn với những chính sách ưu đãi về điều kiện học tập, sinh hoạt, đời sống cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng là minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ…
Thứ ba, quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người là một nội dung quan trọng trong đường lối nhất quán của Đảng.
Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có quyền tự do quyết định vị thế xuất thân, quyền sử dụng ngôn ngữ, khẳng định sự bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thành tựu về bảo tồn, phát huy hệ thống di sản văn hóa các dân tộc là một khía cạnh rất đáng ghi nhận. Chúng ta nhận thức, sự khác biệt trong văn hóa giữa các dân tộc đã tạo nên giá trị bản sắc, là sự khẳng định lịch sử sinh tồn, phát triển và định danh mỗi tộc người trên bản đồ văn hóa quốc gia. Ở Tây Nguyên không có sự kỳ thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, các cấp, các ngành đã tập trung xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tổng kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu; hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các tộc người. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào; đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trường học. Nhiều nghi lễ, lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, trò chơi dân gian được khôi phục. Những ngày hội văn hóa được tổ chức.
Đặc biệt, việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” là một sự vinh danh mang tầm quốc tế đối với di sản vô giá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên miền cao nguyên phía tây Việt Nam. Để có được sự công nhận cao quý này là nhờ một quá trình Đảng và Nhà nước thực thi những chương trình đầu tư nhằm nâng cao nhận thức, tôn trọng bảo tồn, phát huy và khơi nguồn cảm hứng lưu giữ báu vật văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên. Cùng đó, các dự án sưu tầm, phổ biến sử thi, âm nhạc dân gian, luật tục, khôi phục các thiết chế văn hóa cổ truyền đã và đang triển khai là những minh chứng cho sự tôn trọng tuyệt đối hệ thống di sản truyền thống. Đồng thời, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số được tổ chức dạy, học và khuyến khích sử dụng trong toàn cộng đồng. Hàng ngàn nghệ nhân dân gian, các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Kơ Ho, Mơ Nông, Chu Ru… đã được nhà nước và buôn làng tôn vinh. Họ là những “báu vật sống” của đại ngàn, là những người trao truyền ngọn lửa văn hóa tộc người cho thế hệ mai sau…
Thứ tư, bảo đảm một phần cơ bản quyền tự quyết của đồng bào
Quyền này thể hiện rõ khi Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp to lớn của các già làng, nhân sĩ, trí thức. Hình ảnh già làng trong các buôn làng Tây Nguyên vẫn hiện hữu như những trụ cột tinh thần, những biểu tượng văn hóa và những bộ luật tục truyền thống là công cụ của hội đồng già làng vẫn được phát huy mặt tích cực, phối hợp với luật pháp nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.702 già làng. Họ vừa là chỗ dựa vững chắc, vừa trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở trong sự nghiệp phát triển quê hương, buôn làng. Đảng và Nhà nước cũng tạo cơ hội bình đẳng trong việc không ngừng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số chiếm gần 34% dân số Tây Nguyên, trong nhiệm kỳ này, cán bộ người người dân tộc thiểu số ở cấp xã toàn khu vực chiếm tỉ lệ 26%, cấp huyện 17%; cấp tỉnh là 10,9%; lãnh đạo các sở, ban, ngành là 12,4%. Tỉ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trung bình toàn vùng chiếm 28,96%. Trong cơ quan đảng, nhiệm kỳ này, số cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỉ lệ 18,52%; cấp ủy huyện chiếm 17,11% và cơ sở là 18,52%. Số lượng đại biểu người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong Quốc hội ngày càng cao; họ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thể chế, pháp luật, thực hiện chức năng giám sát và thúc đẩy tiến trình phát triển quê hương và cuộc sống đồng bào…
Thứ năm, quyền tự do tín ngưỡng được ghi nhận và bảo vệ
Trong các báo cáo nhân quyền nói trên, khi đề cập đến vấn đề tôn giáo, họ thường cáo buộc chính quyền không bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, thậm chí còn cho rằng có hành vi đàn áp tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Lập luận trong các báo cáo nhân quyền thể hiện những người soạn thảo không có thông tin, không đến và chứng kiến đời sống, sinh hoạt của các tôn giáo ở Tây Nguyên. Họ không trực tiếp nắm bắt thực tế từ các tu sĩ và tín đồ, những công dân đề cao trách nhiệm, hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật và cộng tác tích cực với chính quyền. Mục sư Ha Sơng ở Chi hội Tin lành buôn Bneur C (Lạc Dương, Lâm Đồng), nói: “Chính quyền và các đoàn thể luôn ủng hộ, chia sẻ với đồng bào tín đồ. Các ngày lễ trọng, lãnh đạo địa phương đều đến chúc mừng, động viên”. Cùng bình đẳng với các tôn giáo khác, tính đến hết năm 2020, khu vực Tây Nguyên có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt. Còn những đối tượng đội lốt tôn giáo, tự lập các tà đạo với những cái gọi là “Đạo Hà Mòn”, “Tin lành Đề-ga” và gần đây là “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” và tổ chức truyền đạo trái pháp luật nhằm mục đích chống phá chính quyền, lôi kéo đồng bào theo tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai Tổ quốc lại là chuyện khác. Những kẻ núp bóng, giả hiệu tôn giáo để chống phá cuộc sống bình yên của buôn làng đó bị pháp luật trừng trị là lẽ đương nhiên…
Bài báo đưa ra đánh giá rằng, nếu so với miền xuôi, các đô thị lớn, mặt bằng đời sống của một số vùng đồng bào còn thấp, trình độ dân trí chưa cao, do hầu hết cư dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống ở địa bàn miền núi, không gian cư trú cách biệt, khó khăn về giao thông và nhiều hạ tầng khác. Đó là những rào cản mà Đảng và Nhà nước đang từng bước tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực. Khát vọng rút dần khoảng cách, tạo cơ hội thịnh vượng đồng đều các dân tộc là một lộ trình nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Thế nhưng, trong khi Việt Nam đang từng bước nỗ lực, thì các thế lực thù địch và thiếu thiện chí vẫn tiếp tục áp đặt những luận điệu phi lý. Họ phớt lờ đối thoại và không ghi nhận những tiến bộ trong việc đảm bảo quyền con người tại cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đó là những luận điệu áp đặt, phi lý nhằm mục đích kích động, chia rẽ và phá hoại. Bởi vậy, từ cách đặt vấn đề đến những suy diễn trong các báo cáo nhân quyền nói trên không có giá trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *