Chiều 24/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

 Quang cảnh phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có 5 vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Trong đó có nội dung về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản

Cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản. Một số ý kiến nhất trí về quy định các loại giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho thấy các sàn giao dịch bất động sản hiện nay không bảo đảm minh bạch, không bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch vì sàn giao dịch bất động sản là một bên hưởng lợi ích trong quan hệ giao dịch. Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cản trở quyền tự do kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, làm lũng đoạn thị trường, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng: bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch; bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản, theo đó “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản”.

Phát biểu thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ vẫn mong muốn quy định các giao dịch bất động sản cần phải thông qua sàn. Bởi lẽ, thực tế hiện nay do khuyến khích nên các điều kiện, yêu cầu của sàn cũng như các quy định về giao dịch của sàn không được quy định rõ ràng. Việc này để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến người mua rất nhiều trong thời gian vừa qua. Cùng với đó, có nhiều vụ việc tranh chấp liên quan bất động sản, khi các chủ đầu tư không công khai, minh bạch các giao dịch.

“Trước yêu cầu thực tế đặt ra và qua thực tế kinh nghiệm một số các sàn giao dịch, Chính phủ mong muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề xuất với Quốc hội theo hướng các hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ giao dịch qua sàn” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Theo Thứ trưởng, việc quy định bất động sản qua sàn sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch; đảm bảo được hiệu lực quản lý của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh bất động sản và cũng giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Nhắc lại yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW về hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Nếu thanh toán qua ngân hàng thì sàn hay không sàn cũng vẫn minh bạch. Vấn đề quan trọng không phải quan trọng là ép người ta lên sàn. Mà vấn đề quan trọng là giao dịch phải kiểm soát được dòng tiền”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, nhiều tập đoàn kinh doanh bất động sản có công ty phân phối hoặc liên kết về phân phối, thông qua các nhà đầu tư thứ cấp, do đó không phải giao dịch bất động sản nào cũng đưa lên sàn.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt với các dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà (sửa đổi) và các Luật về xây dựng, quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, thương mại, công chứng, Bộ luật Dân sự; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới; lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cơ quan tới để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu./.