Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37916

Xuyên tạc “Tiến Quân ca”: Phạm Lưu Vũ định làm “kẻ đốt đền”?

 

Đúng dịp kỷ niệm 100 năm nhạc sĩ Văn Cao, ông nhà văn Phạm Lưu Vũ tung ra cái status “Gom đá cuội” khiến nhiều người giận dữ khi viết rằng: “Văn Cao thiên tài, đúng vậy. Ông còn tài trên cả thiên tử (con trời), mà sánh ngang trời, chỉ xếp sau tí chút, gọi là á thiên. Á thiên là A Tu La, là khát máu. Cho nên ông mới viết: “Thề ăn gan uống máu quân thù… Tôi từ lâu đã gọi ca khúc ấy là “Tiết Canh ca”, thường hát lên mỗi khi gặp món… tiết canh”. Biện luận cho cái lý của mình, ông Phạm Lưu Vũ dẫn câu nhà văn Na Uy vừa được trao giải Nobel (hẳn là nhà viết kịch Na Uy Jon Fosse) có nói: “Tôi chỉ mong những ai đọc văn của tôi, cảm thấy sự bình an… Thì những ai hát Văn Cao: “tiến mau ra sa trường, tiến lên, cùng tiến lên…” thì liệu có bình an???”. Kiểu bình luận này khiến ta nhớ tới Herostratus – kẻ dám cả gan đốt đền thờ Artemis của thành Ephesus (Hy Lạp) vào năm 356 trước Công nguyên để thành nổi tiếng. Phải chăng, ông Phạm Lưu Vũ định làm một “người đốt đền’ thời nay chăng?

Đọc văn để “cảm thấy sự bình an” như Fosse, là “vị nhân sinh”. Quan điểm nghệ thuật này, nhìn lại sự nghiệp âm  nhạc của nhạc sĩ Văn Cao chẳng khác chủ nhân giải Nobel văn chương kia. Bằng chứng là ngay từ những năm 40 của thế kỷ 20, còn rất trẻ, Văn Cao đã viết nên những ca khúc trữ tình như Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi, Bến xuân… Những ca khúc đó được coi là “thứ âm nhạc toàn bích từ giai điệu đến ca từ”; là “nét nhạc thanh thoát dìu người thưởng thức đi vào cõi mộng êm đềm, quấn quýt giữa sự giao duyên của thơ và nhạc”. Thán phục, ca ngợi Văn Cao tới nức nở như thế, là họa sĩ đương thời Tạ Tỵ. Nhạc sĩ  Phạm Duy kiêu bạc cũng coi Văn Cao là “ông hoàng”, cho rằng, các ca khúc Suối mơ, Bến Xuân là “cực đỉnh của lãng mạn” bởi sự sang trọng trong âm nhạc, bởi chất thần tiên bay bổng. Sau năm 1975, khi nước nhà thống nhất, Văn Cao còn một lần nữa đưa người nghe vào trạng thái “cảm thấy sự bình an” như thế với nhạc phẩm “Mùa Xuân đầu tiên” nổi tiếng.

Nhưng là một nhạc sĩ, Văn Cao còn là một chiến sĩ cách mạng khi được tổ chức giác ngộ. Ông đã tạm gác cảm xúc phiêu du trong các ca khúc như Suối mơ, Thiên thai…Để rồi, bằng tài năng, cảm quan của một nghệ sĩ lớn, Văn Cao viết nên Tiến quân ca năm 1944 với giai điệu, lời ca hào hùng cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của cả triệu người dân cần lao bị áp bức hàng trăm năm, đứng lên lật đổ xiềng xích, giành độc lập cho dân tộc.

Trong thời điểm phong trào cách mạng đã có bước trưởng thành, đang sục sôi khí thế, với mục đích “viết một hành khúc cho  đội quân Việt Minh”, Tiến quân ca có giai điệu và lời ca như chúng ta đã biết, là điều dễ hiểu. Lời ca và giai điệu đó vừa nêu bật được những hy sinh, gian khổ của quân dân ta trong cuộc chiến đấu  quật cường chống ngoại xâm giữ gìn hòa bình, độc lập cho Tổ quốc, vừa thể hiện, khẳng định được ước mơ, khát vọng vào tương lai đất nước đẹp tươi. Tháng 4/2011, trang cracked.com – trang thông tin điện tử về kiến thức có uy tín của Mỹ, thu hút hàng trăm triệu người xem trên toàn cầu, đã thực hiện khảo sát qua bạn đọc, đã thống nhất bình chọn Quốc ca Việt Nam là bài Quốc ca hùng tráng nhất thế giới.

Đó cũng là lý do trong suốt chặng đường lịch sử bi tráng của dân tộc gần 80 năm qua, Tiến quân ca (với một số lời đã sửa theo gợi ý của Quốc hội Nước VNDCCH khóa 1) thành một giai điệu thiêng liêng, vang lên trong những thời khắc thiêng liêng nhất. Điều đó có thể tìm thấy trong những dòng để lại trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động”; thấy trong MV Quốc ca với sự tham gia của 1.300 người, có khoảng hơn 300 nghệ sĩ nổi tiếng, gây niềm xúc động lớn lao trong công chúng vào mùa hè 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; thấy khi ngọn cờ Tổ quốc được kéo lên trang nghiêm tại các sự kiện quốc tế…

Trong nhiều tình huống, những người hát Quốc ca hiểu rằng, sau lời ca giai điệu này, họ có thể không còn được “sự bình an”, nhưng sự hy sinh của họ sẽ mang lại “sự bình an” cho Tổ quốc và dân tộc. Hãy thử hỏi nhà văn người Na Uy Jon Fosse đi. Tin là nhà văn vừa được tặng giải Nobel văn chương năm 2023 này sẽ gật đầu đồng tình với suy nghĩ đó.

Thế nên, những lời lẽ ông Phạm Lưu Vũ cố tình tách rời giai điệu, lời ca của một ca khúc được chọn làm Quốc ca khỏi lịch sử dân tộc, đồng thời, xuyên tạc, nhạo báng “Tiến quân ca” thành “Tiết canh ca”…,  không chỉ xúc phạm tác giả Văn Cao, mà còn xúc phạm hàng triệu người, trong đó có những liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Bằng cái stt nhảm nhí này, mới biết thêm ông Phạm Lưu Vũ ngạo mạn nhưng cũng chẳng biết, ngay Quốc ca của Cộng hòa Pháp (La Marseille), cũng có điệp khúc: Cầm vũ khí, hỡi đồng bào/Tạo thành những đoàn quân/Cùng tiến bước,tiến bước/Máu quân thù ô uế/Sẽ tưới đẫm ruộng ta. Nếu lập luận như ông ta, hóa ra, Quốc ca của Pháp quốc – cũng sặc mùi…tiết canh chăng?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *