Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
39677

Xử phạt cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai lệch về dịch covid-19 là vi phạm nhân quyền?       

 

Không biết từ bao giờ, nhân quyền trở thành tiêu chí vượt lên trên pháp luật, đạo đức và thành thứ “đặc quyền” đến vậy? Mới đây, một tổ chức tự xưng “Theo dõi nhân quyền quốc tế” đã liên tiếp cáo buộc Việt Nam dù chống dịch thành công nhưng đã lợi dụng dịch Covid-19 để biện minh cho các hành động vi phạm nhân quyền. Báo cáo mới đây của tổ chức tiếp tục cho rằng, việc Việt Nam xử phạt các cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19 là vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận đã được Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

Liệu có thứ tiêu chuẩn quốc tế nào xâm hại đến trật tự, an toàn, pháp luật của một đất nước không? Hay là tổ chức mang danh giám sát nhân quyền này cần phải đi đọc hiểu lại chính Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà họ hay viện dẫn?

Chính tại khoản 3, Điều 19 của Công ước nói trên ghi rõ: Quyền tự do ngôn luận phải được thực hiện kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt; quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật là cần thiết để: (i) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; (ii) Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Việc vu cáo trắng trợn Việt Nam vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận thông qua việc xử lý cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19 của Tổ chức Theo dõi nhân quyền mang tính định kiến, chủ quan, suy diễn và hoàn toàn không có căn cứ.Trong khi cả dân tộc đang thực hiện quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, việc xử lý các hành vi phát tán thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19 là việc làm toàn hợp pháp, phù hợp với thông lệ, nội dung, nguyên tắc của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Không thể đánh tráo bản chất những hành vi đi ngược với lợi ích chung của đất nước, vi phạm pháp luật, gây tâm lý bất ổn, sự xáo trộn, phá hoại công tác phòng chống dịch bệnh của cả trăm triệu người dân Việt Nam là hành vi hợp pháp và được cổ súy hay sao? Việc tiếp tục choàng lên mình “áo quan tòa” của tổ chức Theo dõi nhân quyền để phán xét về nhân quyền nói chung và vi phạm quyền con người thông qua việc xử lý cá nhân, tổ chức phát tán sai lệch các thông tin về dịch Covid-19 ở Việt Nam nói riêng, đã khẳng định thêm sự lố bịch và trơ trẽn của tổ chức này.

Tháng 2/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã dùng lại một thuật ngữ là “infodemic” (tạm dịch là “đại dịch tin giả”), để cảnh báo về những thông tin sai lệch liên quan tới Covid-19. Phần lớn quốc gia trên thế giới đều nhìn nhận tính nghiêm trọng của đại dịch tin giả nguy hiểm không kém Covid-19 và có những cách xử lý kiên quyết với vấn nạn này.

Ngày 15/7/2020, chính quyền Nhà Trắng đã yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon phải xử lý những thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin Covid-19 được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Chính phủ Mỹ đã chỉ ra nhóm gồm 12 người thường xuyên đăng tải hàng loạt các thông tin sai lệch về vắc xin Covid-19 và đã xử phạt nhóm này.

Trước khi các “làn sóng” tin giả liên quan tới Covid-19 xảy ra, Singapore đã thông qua Luật Phòng, chống tin giả trên không gian mạng, chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2019. Ngày 27/1/2020, vụ án đầu tiên được xử theo Luật này liên quan đến tin sai sự thật, cho rằng bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong ở Singapore là một phụ nữ. Vào thời điểm đó, Singapore chưa ghi nhận ca tử vong nào vì dịch Covid-19.

Ở Đức quy định hình phạt phạt tù với người phát tán tin giả gây nguy hại cho cộng đồng. Theo luật của Đức, khi có phản ánh tin giả, ngay lập tức nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải có phản ứng, nếu phản ứng chậm sẽ bị phạt 500.000 euro/một tin giả.

Những thông tin nêu trên cho thấy, các nước đang xử lý, thậm chí xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi đưa thông tin sai lệch về dịch Covid-19. Đồng thời qua các thông tin này, một lần nữa vạch trần âm mưu xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua những nhận định định kiến, áp đặt và thiếu thiện chí của Tổ chức Theo dõi nhân quyền.

Nói không sai rằng, đại dịch Covid-19 này đã phơi bày sự độc ác, tàn nhẫn, dã tâm của những kẻ khoác áo “bảo vệ nhân quyền”. Nếu như trước đây, nói rằng, họ vì mục đích chính trị, khác biệt về lý tưởng để thường xuyên vu cáo Việt Nam “đàn áp bất đồng chính kiến” khi bắt, xử lý số đối tượng mưu đồ lật đổ chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước, thì này, khi đương đầu với nạn tin giả liên quan dịch bệnh và hậu quả khủng khiếp của tin giả gieo rắc chính các nước Mỹ, EU và cả thế giới, thì sự “bảo kê tin giả” đội lốt nhân quyền càng khiến dân chúng ngao ngán sự lạm dụng bệnh hoạn này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *