Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
56584

Vì sao Việt Nam không thành lập công đoàn độc lập?

Trước tình trạng một số doanh nghiệp phía Nam còn bị ảnh hưởng bởi hậu dịch bệnh Covid-19 và tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, dẫn đến 25 địa phương, đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, giày da, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, theo báo cáo từ  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Có đến 485 doanh nghiệp với 631.329 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Thống kê cho thấy có đến 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm. Lợi dụng những khó khăn tạm thời của người lao động, lập tức lá bài “Công đoàn độc lập” lại được một kẻ khoác áo dân chủ nhân quyền tăng cường khai thác trong những ngày gần đây.

Chẳng hạn như trong bài viết: “Việt Nam còn chờ gì mà không thành lập Công đoàn độc lập?” tung lên mạng xã hội, tác giả này cho rằng: “Tháng 11, năm 2019, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật Lao Động sửa đổi cho phép công đoàn độc lập được thành lập, và luật này bắt đầu hiệu lực và đầu năm 2021. Cho tới hiện giờ, sự thành lập công đoàn độc lập vẫn gặp nhiều trở ngại, và người lao động Việt Nam vẫn đang bị bóc lột bởi các doanh nghiệp mà không có một tổ chức công đoàn nào dám đứng ra bênh vực họ”. Đồng thời Cát-Tường Lê đưa ra một cái bánh vẽ: “Nếu xã hội Việt Nam có những công đoàn độc lập, được lập ra chỉ để bảo vệ và đòi hỏi quyền lợi cho người lao động thì thật tuyệt vời. Người lao động Việt Nam sẽ được trả lương và có bảo hiểm xã hội hay được bồi thường khi bị tạm hoãn làm việc. Các doanh nghiệp sẽ trăn trở nhiều hơn trước khi sa thải người lao động vì họ phải tìm ra lý do chính đáng. Các công đoàn độc lập còn có thể đàm phán với các doanh nghiệp và chính phủ để giảm các đòi hỏi hà khắc của việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với công đoàn độc lập, người dân sẽ được bảo vệ và hưởng các quyền lợi của họ nhiều hơn và cuộc sống sẽ vững vàng hơn”.

Cần khẳng định ngay đây là sự đánh tráo khái niệm, bịa đặt trắng trợn , bởi thực tế là Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Lao động sửa đổi tháng 11/2019 và chưa bao giờ cho phép Công đoàn độc lập được thành lập, mà chỉ có việc: Để thực hiện các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do, các công ước quốc tế về tiêu chuẩn lao động mà Việt Nam là thành viên và để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đại diện người lao động, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021). Bộ Luật Lao động có 01 chương riêng về “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (TCĐDNLĐ)” (chương 13). Xin nhấn mạnh TCĐDNLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thống qua đối ngoại, thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật. TCĐDNLĐ tại cơ sở bao gồm: 1. Công đoàn cơ sở; 2. Tổ chức của người lao động. TCĐDNLĐ tại doanh nghiệp chỉ có cấp cơ sở- cấp doanh nghiệp, không có hệ thống các cấp như tổ chức công đoàn. Chính vì vậy TCĐDNLĐ không bao giờ được gọi là “công đoàn độc lập” hay “nghiệp đoàn độc lập”, như kẻ viết bài trên là Cát-Tường Lê đánh tráo khái niệm và cho rằng “đã được Quốc hội thông qua”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các thế lực thù địch thông qua những kẻ khoác áo dân chủ nhân quyền thích món “công đoàn độc lập” đến vậy? Không khó để trả lời câu hỏi này, việc tìm cách cho ra đời Công đoàn độc lập cùng với những Văn đoàn độc lập, Nhà báo độc lập, Anh em dân chủ… chính là âm mưu tạo dựng lực lượng chính trị đối lập, tiến tới thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử ở nhiều quốc gia đã cho chúng ta thấy nhiều bài học đắt giá về việc buông lỏng quản lý đối với phong trào công nhân, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi các tổ chức công đoàn độc lập với nhà nước. Phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn dắt bởi Công đoàn đoàn kết Ba Lan- tổ chức liên hiệp của các công đoàn độc lập trong xã hội Ba Lan những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào năm 1989. Tại Pháp, phong trào “áo vàng” bắt nguồn từ phong trào đình công, biểu tình của công nhân phản đối chính sách về thuế, nhất là chính sách về thuế nhiên liệu của Chính phủ Pháp kéo dài từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2020 đã dẫn đến những hâu quả rất nặng nề khi các cuộc biểu tình, bạo loạn bùng phát trên diện rộng, sau đó lan sang các quốc gia lân cận như Bỉ, Hà Lan. Tại Campuchia, tổ chức Công đoàn tự do đã lôi kéo, kích động hàng chục nghìn công nhân đình công, biểu tình phản đối chính sách của chính phủ, kêu gọi thủ tướng Hun Sen từ chức cũng gây nên những tổn thất nặng nề cho kinh tế- chính trị đất nước.

Ở nước ta, bên cạnh việc kêu gào, cổ súy cho việc ra đời các “nghiệp đoàn độc lập” thì tổ chức khủng bố Việt Tân đã công khai mưu đố thành lập tổ chức này gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Củng cố hoạt động “nhóm bạn công nhân”, được thành lập tháng 12/2019 trên không gian mạng với mục tiêu phát hiện, lôi kéo, kết nối số công nhân, người lao động có quan điểm chống đối đầu tranh đòi quyền lợi, làm lực lượng nòng cốt cho “nghiệp đoàn độc lập”. Giai đoạn 2: Âm mưu thành lập tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy cho việc ra nghiệp đoàn độc lập. Giai đoạn 3: Công khai hóa tổ chức Nghiệp đoàn độc lập. Tổ chức Lao động Việt (do Trần Ngọc Thành, Việt kiều Ba Lan làm chủ tịch) vận động tổ chức Công đoàn quốc tế công nhận là thành viên chính thức để công khai là tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam; đồng thời kêu gọi, kích động các đối tượng trong nước móc nối, phát triển lực lượng trong công nhân để hình thành các hội, nhóm nghiệp đoàn độc lập trong công nhân nhằm tiến hành hoạt động đình công, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự.

Phải thẳng thắn nói rõ, cái gọi là “nghiệp đoàn độc lập” hay “công đoàn độc lập” không đại diện cho quyền, lợi ích của người lao động Việt Nam. Hiện nay, dưới sự hỗ trợ, giúp sức, khua chiêng, gõ trống của một số tổ chức nước ngoài, các con buôn chính trị đang núp bóng bảo vệ người lao động để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo công nhân và người lao động tham gia các tổ chức bất hợp pháp. Chắc chắn chúng không bao giờ được phép tồn tại trên đất nước Việt Nam, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân Việt Nam. Mọi người cần cảnh giác trước những thông tin nhiễu này của Cát-Tường Lê.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *