Ngày 2/3/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp khẩn cấp lần thứ XI đã thông qua Nghị quyết kêu gọi  Nga rút quân khỏi Ukraina với 141 phiếu thuận, 05 phiếu chống và 31 phiếu trắng. Việt Nam là một trong số 31 quốc gia bỏ phiếu trắng. Nhân dịp  này, trên một số diễn đàn Internet, mạng xã hội một số tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã đưa ra một số ý kiến cho rằng, quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, Việt Nam không đi theo số đông, cố tình tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột này. Nhiều bài viết đưa ra luận điệu quy chụp cho những quốc gia chọn cách thể hiện trung lập đều đổ lỗi cho Mỹ và các nước phương Tây muốn biến Ucraina thành tiền đồn của khối NATO để chống lại Nga nên mới nổ ra cuộc xung đột này…Một số ý kiến khác cũng đưa ra các bình luận tiêu cực, thậm chí kích động tư tưởng chống phá. Có trang mạng còn tổ chức thăm dò rồi cho người của chính họ click theo ý kiến của người đặt bình chọn rồi khái quát lên “người dân ủng hộ đa số”, còn quan điểm của Nhà nước thì “chỉ là thiểu số”. Có ý kiến còn xuyên tạc rằng, phải chăng Đảng và Nhà nước Việt Nam đang ngấm ngầm ủng hộ cho cuộc chiến tranh và phải chăng Việt Nam quay lưng lại với hòa bình? Thực chất của vấn đề này là như thế nào?

Về cuộc xung đột Nga- Ucraina, Việt Nam đã có không ít lần nêu quan điểm chính thức và thể hiện sự nhất quán trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 1/3 phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Đặng Hoàng Giang Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã nêu rõ ý kiến của Việt Nam là: “ Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”. Tiếp đó, Đại sứ nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia “.  Đó là quan điểm của đất nước ta tại một kỳ họp quan trọng của Đại hội đồng Liên hợp quốc có hơn 190 nước tham dự thì vì sao lại có những ý kiến cho rằng Việt Nam lại “ ngấm ngầm” ủng hộ Nga tấn công quân sự Ucraina ? Chắc mọi người cũng đồng tình khi nói rằng các loại ý kiến như vậy là sự suy diễn có chủ ý để làm cho tình hinh trở nên phức tạp hơn và làm cho các nước cũng như nhân dân ở trong nước hiểu sai lệch Lãnh đạo Việt Nam vẫn mang tư tưởng dùng các biện pháp quân sự để giải quyết các vấn đề tranh chấp, nghĩa là như họ rêu rao trên mạng là chúng ta “ quay lưng với hòa bình” !

Tại phiên họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bỏ phiếu của Việt Nam tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định: “ Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc và nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế”.

Tất cả các ý kiến phát biểu chính thức trên đều khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi các bên liên quan chấm dứt sử dụng vũ lực, nối lại đàm phán để giải quyết một cách hòa bình. Việt Nam không thiên vị hay đứng về phía bên nào vì cả hai đều là đối tác quan trọng, nhất là Đảng ta xác định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia- dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc.

Vì lẽ đó, các ý kiến sai trái, thậm chí xuyên tạc quan điểm của Việt Nam đối với cuộc xung đột quân sự hiện nay giữa Nga và Ucraina là những điều không thể chấp nhận được vì chỉ tính riêng trong thế kỷ XX đến nay, dân tộc ta cũng đã trải qua mấy cuộc trường chinh để chống các kẻ thù từ bên ngoài nên chúng ta hiểu và nâng niu cái giá của tự do và hạnh phúc. Bởi thế, chúng ta luôn mong muốn được sống trong môi trường hòa bình, chứ không phải là dân tộc mang tư tưởng hiếu chiến mà các ý kiến sai trái đó áp đặt, suy diễn gán cho chúng ta!