Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14456

Trở thành nạn nhân cuộc chiến công nghệ, người Trung Quốc nổi giận vì lệnh cấm TikTok, WeChat của Trump

Hai lệnh cấm liên tiếp của Trump với TikTok và WeChat khiến người Trung Quốc nổi giận, đòi tẩy chay các thương hiệu Mỹ như Apple, Tesla.

21h ngày 6/8, khi hầu hết người dùng Trung Quốc chuẩn bị đi ngủ, một “cơn bão” từ bên kia Thái Bình Dương ập đến – Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với ByteDance (công ty mẹ của TikTok) và Tencent (chủ sở hữu WeChat).

Người dùng WeChat để lại thông tin liên lạc qua các ứng dụng khác như Line, WhatsApp, Skype…

Hàng triệu người Trung Quốc hoang mang, bảo nhau để lại thông tin liên lạc trong các nhóm WeChat, TikTok. Một số người đăng mã QR của Line, nhóm khác để lại số điện thoại di động và nói rằng có thể liên hệ thêm qua Telegram, WhatsApp, Instagram. Một số người Trung Quốc ở Mỹ “điên cuồng” tìm đến các ứng dụng khác, như Alipay, hoặc bất kỳ nền tảng nào ngoài WeChat để giữ liên lạc với người thân ở quê nhà. Nhiều người còn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là Google, Apple sẽ gỡ các ứng dụng này khỏi cửa hàng. Họ bắt đầu chia sẻ những thủ thuật để tải ứng dụng về trong trường hợp bị cấm.

Sau khoảnh khắc hỗn loạn trên, mọi người bắt đầu dành những chỉ trích nặng nề cho Tổng thống Donal Trump. Các chủ đề liên quan đến lệnh cấm TikTok, WeChat trên mạng xã hội Weibo đều thu hút hàng trăm triệu lượt đọc và hàng chục nghìn bình luận. Người dùng Trung Quốc “nổi giận”, gọi những lệnh cấm của Trump là “độc tài, vô lý và điên rồ”.

“Trump thật sự muốn gì? Ông ấy đang làm những điều tồi tệ nhất trong lịch sử. Người dùng không có tội. Ông ấy đang làm mọi thứ trở lên hỗn loạn”, người dùng Dafener viết. “Có lẽ Trump nghĩ bắt nạt được người Trung Quốc khi Zhang Yiming (CEO TikTok) nhượng bộ. Ông đã nhầm”, một người dùng Weibo khác bình luận.

Hai ngày sau lệnh cấm của Trump được ban hành. Một làn sóng kêu gọi tẩy chay các thương hiệu của Mỹ cũng diễn ra trên khắp các mạng xã hội Trung Quốc. Người dùng có tên Wanwan viết: “Nếu Trump cấm WeChat trên iPhone, chẳng có lý do gì để chúng ta phải mua hàng của Apple. Tôi sẽ ủng hộ Huawei và các thương hiệu nội địa”.

Thực tế, lệnh cấm của Trump đã lập tức làm giá cổ phiếu của Apple giảm. Bloomberg phân tích, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ lớn của Apple. Phần lớn hoạt động sản xuất của họ cũng diễn ra ở đây. Nếu Bắc Kinh đáp trả bằng những lệnh cấm, Apple, Tesla và nhiều công ty Mỹ khác sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Trên website của mình, TikTok đe dọa sẽ kiện sắc lệnh của Trump ra tòa án Mỹ: “Chúng tôi sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo các quy định luật pháp được tuân thủ, cũng như công ty và người dùng của chúng tôi được đối xử một cách công bằng, nếu không phải bởi chính quyền, thì cũng bởi tòa án Mỹ”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận xét về sắc lệnh mới: “Mỹ thường xuyên lạm dụng quyền lực quốc gia và đàn áp một cách vô cớ các công ty không thuộc Mỹ”.

Trong khi đó, chiến dịch “giải cứu” TikTok đang diễn ra trên khắp các mạng xã hội như Twitter, Instagram, Facebook và TikTok với hashtag #savetiktok. Nhiều người dùng cũng kêu gọi bình chọn “một sao” cho ứng dụng phục vụ chiến dịch tranh cử của Trump để phản đối lệnh cấm.

Không chỉ có người dùng Trung Quốc, hàng ngàn người dùng Internet tại Mỹ, chủ yếu là giới trẻ và ở độ tuổi thiếu niên, đã bày tỏ sự phẫn nộ và có động thái đáp trả tổng thống Donald Trump.Hiện TikTok là một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất tại Mỹ, đặc biệt ở giới trẻ và lứa tuổi teen. Ứng dụng TikTok đặc biệt trở nên phổ biến trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khi nhiều người đã lựa chọn TikTok như một cách để giải trí trong lúc ở nhà tránh dịch. Do vậy, việc TikTok bị cấm tại Mỹ đã khiến nhiều người dùng của mạng xã hội này cảm thấy phẫn nộ. Nhiều người dùng TikTok tại Mỹ cho biết họ không thực sự quan tâm đến vấn đề riêng tư hoặc mất dữ liệu khi dùng ứng dụng của Trung Quốc. Không ít người cho rằng hành động cấm TikTok của tổng thống Trump không nhằm mục đích bảo vệ người dùng, mà chỉ nhằm mục đích trả đũa chính quyền Trung Quốc.

Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ tuyên bố TikTok sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại Mỹ từ 15/9, trừ khi đạt thỏa thuận bán cho Microsoft hoặc một công ty nào đó của Mỹ.

Theo các chuyên gia công nghệ, TikTok là ví dụ mới nhất cho thấy các ứng dụng trên smartphone đang bị cuốn vào những tranh chấp về địa lý và chính trị. Các ứng dụng ngày càng khó để “yên ổn” trở thành một nền tảng công nghệ toàn cầu thực sự, bởi luôn phải đối mặt trước nguy cơ phải từ bỏ thị trường béo bở nào đó nếu xung đột xảy ra.

Hồng Hạnh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *