Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
115494

Trần Văn Chánh và những bài viết “xú danh” tên tuổi

 

Ông Trần Văn Chánh được xem là một trí thức, một chuyên gia Hán Ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh, tác giả của các bộ sách: Từ điển Hán Việt-Hán Ngữ cổ đại và hiện đại, Ngữ pháp Hán Ngữ cổ đại và hiện đại, Toàn thư tự học chữ Hán …Gần đây Trần Văn Chánh xuất bản cuốn “Sao lại cứ viết?”, ông kỳ vọng về cái tâm nhà báo “trong trận bút trường văn, nhà báo cũng có một số điểm tương tự như nhà văn về phương diện tác nghiệp, nếu ngoài phần văn tài họ còn phải có văn tâm (cái tâm của văn), thiếu yếu tố này thì văn chương của họ dù hay đến đâu cũng không có hồn hướng rõ rệt, nếu không muốn nói là vô ích, vì không phục vụ được cho cuộc nhân sinh ngày một thêm tốt đẹp hài hòa”.

Điều ông Trần Văn Chánh viết ra không mới, nhưng rất tiếc nhiều bài viết bàn về chính trị – xã hội của ông không những đi ngược lại khẩu hiệu và kỳ vọng mà chính ông hô hào, khiến dư luận bất bình.

Mới đây, ông Hoàng Minh Thanh đã lên án và bày tỏ thất vọng về một số bài viết của ông Trần Văn Chánh, thậm chí bình phẩm rằng, với những bào viết kiểu này, ông Chánh tự làm xú danh bản thân mình.

Thứ nhất, bài “Tản mạn câu chuyện từ chức” của ông Trần Văn Chánh đăng trên mạng xã hội dài đến ngót 5.000 từ với phân tích rồi tự suy diễn không đúng sự thật, ở đó không thể gọi là tản mạn nữa mà là lan man, lạm dụng các ngôn từ để đả phá chế độ. Xung quanh câu chuyện từ chức, ông viết: “Trong các thể chế chính trị độc tài toàn trị, từ trước tới nay, tiêu biểu như ở Việt Nam và Trung Quốc, hầu như không có chuyện từ chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao cỡ thứ trưởng, bộ trưởng…. Mắc khuyết điểm hay phạm tội thì chỉ có bị xử lý nội bộ dưới hình thức khiển trách, phê bình, kỷ luật, hạ tầng công tác (từ thời sai lầm trong Cải cách ruộng đất giữa những năm 50 của thế kỷ trước đã vậy rồi), nặng lắm mới phải vào tù”.

Thiết nghĩ, giọng điệu quy kết một cách hàm hồ không nên có ở một học giả như Trần Văn Chánh mà chỉ nên có ở vài kẻ chống cộng hạng bét nơi hải ngoại. Từ chức là việc không xa lạ ở Việt Nam kể từ khi Đảng CSVN lãnh đạo Nhân dân Việt Nam giành chính quyền và thống nhất đất nước. Gần đây việc cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với các ông Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tấn Việt trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng cá nhân của các vị này thì cũng có thể xem là từ chức. Gần đây nhất ngày 30/12/2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét đơn xin từ nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của ông Phạm Bình Minh và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của ông Vũ Đức Đam. Hội nghị cũng đã biểu quyết để hai ông này thôi giữ các vị trí lãnh đạo trong Đảng. Đó cũng là một cách từ chức.

Theo ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư thì chẳng có nơi nào nâng hành vi từ chức lên thành văn hóa mà cán bộ từ chức chủ yếu rơi vào hai trường hợp: Thứ nhất là có sai phạm trong quá trình công tác; Thứ hai là có sức ép trong nội bộ Đảng. Vì vậy cũng phải đặt ra một sức ép trong đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, khuyến khích là một cách nói và mong muốn rằng nếu được như vậy là rất tốt, để ai cũng thấy nhẹ nhàng.

Không có văn hóa từ chức nhưng có sức ép từ chức. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định “đó là một cách theo văn hóa Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn”. Những gợi mở về việc khuyến khích cán bộ từ chức này một lần nữa cho thấy, mỗi cán bộ nhận lấy chức vụ bất kỳ cũng đồng nghĩa gánh vác hai sự ủy nhiệm. Một sự ủy nhiệm về quản lý và một sự ủy nhiệm về tính gương mẫu. Hai sự ủy nhiệm này luôn song hành và gắn kết. Nếu không đảm bảo cùng lúc cả hai sự ủy nhiệm hoặc đi ngược lại sự ủy nhiệm nào, thì cán bộ từ chức là điều hợp tình, hợp lý.

Trong lịch sử chính trị cách mạng Việt Nam, đã có những tiền lệ lịch sử về sự từ chức của những cán bộ cấp cao trong Đảng. Trong số những nhà lãnh đạo đã “tự động xin rút lui” đã có Tổng Bí thư Trường Chinh và một số lãnh đạo cấp cao khác như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh. Hoặc sau sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng (1955-1956), nhà lãnh đạo Lê Văn Lương tự nhận thấy có phần trách nhiệm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng nên đã tự nguyện rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Chắc chắn sự từ chức của các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng trong những thời điểm lịch sử khác nhau đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, không thể hồ đồ quy chụp như “học giả, nhà ngiên cứu” Trần Văn Chánh được.

Thứ hai, cách đây một thời gian ông Trần Văn Chánh có bài viết: “Việt Nam: Vô đạo chính trị thối nát và thiên hạ mất lòng tin” cho thấy sự quy chụp, xo xiên trâng tráo của kẻ có đầu óc tăm tối, thái độ hậm hực, bất lực như một kẻ thất bại nên tự hoang tưởng vẽ ra một xã hội Việt Nam đã và đang lâm vào bối cảnh bế tắc bởi đường lối “vô đạo”, “tức chính trị hôi hám bại hoại”.

Để ngụy biện cho lập luận, cũng như bài viết lan man kể trên, Trần Văn Chánh đã đưa người đọc vào mê cung của sự dẫn dắt các điển tích rồi đưa ra những so sánh khập khiễng, áp đặt suy nghĩ chủ quan chứa đầy dã tâm hậm hực với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận mọi thành quả của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong suốt hơn 90 năm qua. Những vấn đề nảy sinh trong xã hội Việt Nam mà Trần Văn Chánh cố tình kể lể, dẫn dắt thực ra không mới. Những thiếu sót, thậm chí sai lầm trong một số chủ trương, chính sách, trong tổ chức thực hiện đường lối, những vi phạm pháp luật ở cấp này, cấp khác, cả của cán bộ cấp cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước nay thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… mà Trần Văn Chánh tìm mọi cách chọc ngoáy thì thực chất Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khai chỉ rõ trong nhiều văn bản, nghị quyết và đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, không có chuyện gì mờ ám, khuất tất hoặc che giấu như chiêu trò mà ông ta bịa ra trong bài viết.

Ông Trần Văn Chánh phải thấy rằng, nếu đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam mà là “vô đạo”, xã hội Việt Nam mà “bế tắc” như ông mô tả thì đất nước này không thể ổn định để phát triển qua 35 năm đổi mới. Chắc não trạng của ông đã quá hỏng đến mức không thuốc nào chữa được nữa nên không thể tiếp cận và cập nhật những thông tin chính xác về sự phát triển của đất nước trong 35 năm qua. Sự phát triển toàn diện của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế đứng vững chắc  của sự phát triển đi lên. Đó là sự thật mà chỉ có kẻ cố tình bưng tai, bịt mắt như ông Trần Văn Chánh mới không thể nhìn thấy và cảm nhận được mà thôi.

Thiết nghĩ, thái độ đúng đắn của trí nhân là phải đặt quyền lợi quốc gia-dân tộc lên trên hết để góp phần cùng toàn dân giữ cho đất nước được độc lập, trường tồn, nhân dân được bình yên và cùng nhau xây dựng đất nước, mưu cầu hạnh phúc. Đất nước và nhân dân Việt Nam cần lắm những bài viết, những công trình khoa học cho việc xây dựng, đổi mới và bảo vệ Tổ quốc cũng như góp phần nâng cao dân trí, chứ không cần những bài viết lảm nhảm, xằng xiên như ông Trần Văn Chánh đang lan man. Những bài viết kiểu này chỉ mang đến “xú danh” cho chính ông. Tiếc thay!

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *