Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11138

“Tiêu chuẩn kép” của Việt tân: tăng cường camera giám sát là đẩy đất nước vào “quỷ môn quản”?

Việt Tân – mang danh “đảng cải cách” nhưng lại đề xuất Việt Nam “cải lùi” là bình luận của dân mạng Việt liên quan đến việc Việt tân công kích chủ trương tăng cường lắp đặt camera giám sát ở Hà Nội.

“Nhìn lại quá trình gần 12 giờ truy bắt nghi phạm cướp ngân hàng ở Lâm Đồng”, “Sau 10 giờ gây án, đối tượng cướp ngân hàng đã bị bắt”, “Đối tượng dùng súng cướp ngân hàng ở Đà Nẵng bị bắt sau gần 1 giờ”, “Đã bắt được đối tượng cướp ngân hàng ở Nghệ An sau 2 ngày gây án”, “22 giờ truy bắt 3 đối tượng dùng súng cướp ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh”, “chỉ sau 1 giờ đồng hồ, Công an TP Đà Nẵng đã tóm gọn cả 2 đối tượng cướp ngân hàng”, “Sau gần 24 giờ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt giữ 2 nghi phạm cướp ngân hàng khi đang lẩn trốn trên địa bàn huyện A Lưới”, “Thanh Hóa Xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm giao thông qua camera giám sát”, “Vi phạm giao thông giảm nhờ có camera giám sát”…là hàng loạt tiêu đề các bài báo trong thời gian vừa qua. Điểm chung của các bài báo này đều nhắc đến một đối tượng thầm lặng đóng góp vào kết quả xử lý vi phạm hành chính, bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật là “camera giám sát”. Bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với hệ thống camera giám sát rộng khắp trên đường phố, của các hộ dân…lực lượng chức năng đã nhanh chóng truy vết, bắt giữ các đối tượng phạm pháp, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội và đời sống bình thường của Nhân dân.

Ấy vậy mà khi UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch rà soát và nhu cầu lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn thành phố nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô thì một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị, điển hình như Việt Tân đã lợi dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết với những luận điệu xuyên tạc, sai trái rằng: “Việt Nam đang từng bước đi vào quỷ môn quan nơi mọi hành động của người dân đều bị theo dõi và giám sát như Trung Quốc”. Đúng là mang danh “Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng” mà lại hay bàn lùi, cải lùi.

Trên thực tế, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát có những ưu điểm vượt trội, không thể phủ nhận. Bởi vậy, các nước phát triển như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đức, Anh, Úc… đã triển khai lắp đặt camera phủ kín các thành phố lớn. Đặc biệt là Singapore, đất nước gồm 5,7 triệu dân, là một trong những quốc gia được đánh giá an toàn và trật tự nhất trên thế giới. Với diện tích chưa đến 700km2 nhưng Singapore có hệ thống luật pháp nghiêm ngặt và công cụ giám sát phục vụ hệ thống này là hơn 90.000 camera an ninh được lắp đặt trên khắp đất nước, từ những con phố, những đường hầm, trạm xe buýt, các khu thương mại, nơi công cộng, đến ngay cả vỉa hè, hành lang trong hẻm. Đồng thời, Singapore đặt mục tiêu lắp đặt hơn 200.000 camera giám sát vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với số lượng camera đã được triển khai hiện nay.

Trung Quốc và Mỹ cũng là 2 quốc gia có nhiều camera quan sát để đảm bảo an ninh xã hội, cũng như xử lý vi phạm trật tự xã hội. Ở Mỹ, cứ mỗi 100 người dân thì sẽ có hơn 15 camera giám sát và tại Trung quốc là hơn 14 camera. Về số lượng camera an ninh được lắp đặt trong nước, Trung Quốc là nước đứng đầu với hơn 200 triệu camera, cao gấp 4 lần so với Mỹ xếp thứ 2 với 50 triệu camera, Nga 13,5 triệu camera, Đức 5,2 triệu camera, Nhật Bản 5 triệu camera, Anh 5 triệu camera. Hơn nữa, với xu thế công nghệ mới, các thành phố hạng một như Bắc Kinh hay Thượng Hải đã sử dụng camera giám sát kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ nhận diện khuôn mặt để điều tiết giao thông và xác định những tài xế vi phạm luật đường bộ hay truy bắt tội phạm bỏ trốn. Trong khi ở Thâm Quyến, người vi phạm luật đường bộ không chỉ bị nêu tên trên các màn hình LED lớn mà còn nhận được thông báo nộp phạt qua tin nhắn điện thoại ngay sau khi vi phạm.

Như vậy, hầu hết các thiết bị camera đều được các quốc gia trên lắp đặt với mục đích giám sát tình trạng giao thông, cũng như quản lý trật tự, an ninh xã hội. Phòng cảnh sát giao thông lắp “mắt điện tử – camera giám sát” trên các trục đường chính, cơ quan công an lắp camera ở nơi công cộng để chống tội phạm; trường học lắp camera ở lớp học, thậm chí cả ký túc xá để bảo vệ an toàn cho học sinh. Điều này giúp bảo vệ an toàn tài sản, giám sát và ngăn chặn tội phạm, duy trì trật tự và luật giao thông cơ bản, hỗ trợ thực thi pháp luật.

Cuộc sống đô thị đã mang lại rất nhiều tiện ích cho công dân, nhưng cũng mang đến nhiều vấn đề, luôn có một số người và vật mà công an hay cảnh sát không nhìn thấy được, lúc này cần có sự giám sát của camera giám sát để bảo vệ sự an toàn của người dân. Số tiền đầu tư cho một hệ thống camera quan sát như vậy, nhỏ hơn rất nhiều lần so với số tiền thuê nhân lực hùng hậu để kiểm soát thay camera.

Do vậy, có thể khẳng định, hệ thống camera giám sát là bước tiến quan trọng trong việc đưa ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý, giám sát, điều hành. Đây cũng là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thành phố mà Đảng, Nhà nước ta đang triển khai thực hiện để người dân được hưởng lợi, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí.

Từ thực tế đó, Hà Nội đang tổ chức khảo sát nhu cầu cần triển khai lắp đặt camera tại những khu vực như các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, danh lam thắng cảnh; tuyến giao thông; địa điểm phục vụ dân sinh như: nhà ga, bến xe, sân bay, chợ…; đồng thời đề xuất nhu cầu về áp dụng, tích hợp công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và hiệu quả trong đầu tư. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp xu thế thời đại.

Với những tiện ích, văn minh của hệ thống camera giám sát trong công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông và quản lý quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, xử lý vi phạm hành chính, quản lý trật tự văn minh đô thị, môi trường…, bởi vậy không có chuyện tăng cường camera là đẩy đất nước vào quỹ môn quan. Hoặc trong mắt họ về bản chất, Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu đều “phủ kín” camera giám sát thì không sao còn Việt Nam làm thì lại khác?.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *