Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
38065

Quyền của phạm nhân nữ trong pháp luật quốc tế

Phụ nữ được liệt vào danh sách các nhóm yếu thế trong xã hội, việc thực hiện QCN của họ gặp không ít khó khăn trong thực tiễn cuộc sống mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển và bảo vệ QCN cho họ. Đối với phạm nhân nữ, bị tước bỏ, hạn chế một số QCN và sống trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến vi phạm các QCN thì việc bảo đảm thực hiện các quyền này thật sự không dễ dàng.

QCN của phạm nhân nữ được quy định tại một số văn bản pháp luật quốc tế như:

Nội dung Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 (UDHR) quy định cụ thể các quyền mà con người được thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm, như: Quyền tự do, quyền được sống, quyền được an toàn thân thể, quyền được đối xử bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền không bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo làm hạ thấp nhân phẩm, quyền được hưởng an sinh xã hội, sản phụ và trẻ em thì được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ… Đối với phạm nhân nữ, do là đối tượng đặc thù nên có những quyền luôn được bảo đảm thực hiện như: Quyền được an toàn thân thể, quyền được đối xử bình đẳng, quyền không bị tra tấn… Tuy nhiên, cũng có những quyền bị hạn chế như: Quyền tự do, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền tự do hội họp và lập hội.

Dựa trên các nội dung của UDHR, đến năm 1966 Đại hội đồng LHQ đã thông qua hai Công ước lớn quy định về QCN trong các lĩnh vực cụ thể là ICCPR và ICESCR, nội dung của hai Công ước này đã đề cập cụ thể các quyền của con người trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây là những nội dung được thể chế hóa từ các quy định của UDHR, đồng thời bắt buộc các quốc gia thành viên phải cam kết thừa nhận và có biện pháp nhằm đảm bảo các QCN được nêu trong nội dung của Công ước, đối với các quốc gia thành viên chưa thể đảm bảo thực hiện ngay tức khắc thì phải cam kết việc xây dựng kế hoạch và từng bước thực hiện bảo đảm các quyền này.

Nhằm cụ thể hơn các quy định quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử của phụ nữ Công ước CEDAW quy định: Các quốc gia thành viên đồng ý lên án sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ thể hiện dưới mọi hình thức, đồng ý áp dụng tất cả những biện pháp thích hợp và không chậm trễ để thực hiện một chính sách xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (điều 2); các quốc gia thành viên phải tiến hành mọi biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ (điều 3). Theo quy định tại điều 11 của Công ước này, phụ nữ có quyền được bảo vệ chức năng sinh sản, được bảo vệ đặc biệt trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ; điều 12 thì quy định các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp để phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả những dịch vụ liên quan đến kế hoạch hóa gia đình. Đây là những quy định vô cùng quan trọng đối với phụ nữ nói chung và với phạm nhân nữ nói riêng, đặc biệt là đối với những phạm nhân nữ hiện đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo quy định tại điều 2 Công ước chống Tra tấn (CAT) của Liên Hiệp Quốc được thông qua năm 1984 thì mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình và không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào. Quy định tại điều 4 của Công ước này bắt buộc các quốc gia thành viên  phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo LHS của nước mình. Đối với phạm nhân nữ, việc sinh hoạt tại môi trường trại giam, bị tước bỏ hoặc hạn chế một số QCN nhất định thì nguy cơ tiềm ẩn bị tra tấn, bị xâm phạm quyền cao hơn đối với những phụ nữ khác. Với quy định của Công ước có những điều khoản bắt buộc đối với các quốc gia thành viên phải thực hiện đã giúp cho phạm nhân nữ được bảo vệ tốt hơn và hạn chế nguy cơ bị tra tấn, đồng thời hạn chế nguy cơ bị xâm phạm các QCN khác.

Năm 1955 LHQ thông qua bản tập hợp “Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân”, đây là các quy định đối xử với phạm nhân kể tử khi tiếp nhận họ đến chấp hành án phạt tù cho tới khi họ được trả tự do. Trong đó quy định cụ thể quyền, lợi ích của phạm nhân được hưởng trong suốt thời gian chấp hành án, đồng thời quy định trách nhiệm của các cá nhân có liên quan nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích của phạm nhân được thực hiện. Đối với phạm nhân nữ, ngoài những quyền, chế độ được hưởng như những phạm nhân khác, trong nội dung “Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân” đề cấp đến nội dung phạm nhân nữ phải được giam giữ tại khu vực riêng (Quy tắc thứ 8); phải có khu vực đặc biệt để chăm sóc cho những phạm nhân nữ trước và sau khi sinh con (Quy tắc số 23); ở những nơi phạm nhân nữ có con theo mẹ vào trại giam thì phải có nhà trẻ và có nhân viên đủ năng lực và trình độ để chăm sóc trẻ khi vắng mẹ (Quy tắc số 23); phạm nhân nữ chỉ do cán bộ, nhân viên nữ trông nom và giám sát, trừ những trường hợp là giáo viên, bác sỹ (Quy tắc số 53)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *