Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
2704

Quảng Nam: An sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định

“Công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm, đặc biệt, triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, dân tộc – tôn giáo, an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống và quyền con người của nhân dân. Song song với phát triển kinh tế, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định”. Đây là khẳng định của ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ngày 31/7.Sáng ngày 31/7, tại Quảng Nam, Ban chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ đoàn phóng viên báo chí Trung ương đến thực tế, tuyên truyền thành tựu nhân quyền tại tỉnh Quảng Nam.

Ban chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ đoàn phóng viên báo chí Trung ương đến thực tế, tuyên truyền thành tựu nhân quyền tại tỉnh Quảng Nam sáng 31/7.

Tham dự buổi gặp có: ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền của Chính phủ; đại diện Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Dân tộc; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… và 22 cơ quan báo chí trung ương.

Quảng Nam là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước bạn Lào. Địa bàn hành chính gồm 15 huyện, 01 thị xã và 02 thành phố, có 241 xã, phường, thị trấn. Quảng Nam có tổng diện tích tự nhiên là 10.406km2; dân số gần 1,7 triệu người, với 34 dân tộc, phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Tuyến bờ biển dài 125km; các tuyến giao thông phát triển có trục Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, 07 tuyến Quốc lộ khác và tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận; có 03 cảng biển, trong đó, có cảng nước sâu Kỳ Hà, sân bay Chu Lai và nhiều tuyến sông phục vụ hoạt động vận tải. Có 01 khu kinh tế mở, nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút lượng lớn người lao động đến làm việc, nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động, trọng điểm của khu vực và cả nước; có 02 Di sản văn hóa thế giới (Phố cổ Hội An, Tháp chàm Mỹ Sơn) cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa đa dạng hằng năm thu hút hàng triệu du khách trong, ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Theo báo cáo tại buổi gặp, năm 2022, kinh tế của tỉnh Quảng Nam tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 11,2%; cao hơn năm 2021 (5,04%); xếp vị thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước. Quy mô kinh tế hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng 1,18 lần (17,5 nghìn tỷ) so với năm 2019. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 32.144 tỷ đồng (đạt hơn 135% dự toán và tăng hơn 40% so với cùng kỳ). Song song với phát triển kinh tế, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định. Quảng Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Quảng Nam đến bạn bè quốc tế, nổi bật là các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2022.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ thông tin tới đoàn phóng viên.

Trong những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, chính quyền tỉnh đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp ứng phó với những yếu tố bất lợi, chủ động tìm kiếm thị trường, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.400 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trong 05 tháng đầu năm 2023 có 513 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 3.136 tỷ đồng.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm, đặc biệt, triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, dân tộc – tôn giáo, an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống và quyền con người của nhân dân. Đồng thời, Ban chỉ đạo về nhân quyền tỉnh đã tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, thực hiện quyền giám sát của công dân; phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động xuyên tạc, kích động, vu cao về “dân chủ, nhân quyền”.

Tuyến biên giới Quảng Nam (Việt Nam) và Sê Kông (Lào) có chiều dài 157,488km với 60 cột mốc, 07 dấu mốc chạy dọc dãy núi Trường Sơn. 02 huyện Nam Giang, Tây Giang tiếp giáp với 02 huyện Đắc Chưng và Kà Lùm với 14 xã giáp biên. Tổng dân số của 02 huyện Nam Giang, Tây Giang hơn 46.000 người, có 04 dân tộc thiểu số (dân tộc Cơ Tu chiếm đa số, tỷ lệ 72,9%); mật độ dân cư thưa, người dân chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy.

Năm 2022, tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn về nhân quyền cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các Sở, Ban, Ngành, địa phương, qua đó, đã trang bị nền tảng kiến thức, lý luận về công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền; góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi gặp, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh mong muốn đoàn phóng viên sau khi đi thực tế sẽ tìm hiểu và có cái nhìn rõ hơn về mảnh đất, con người Đất Quảng, mảnh đất “Trung Dũng Kiên Cường, giàu lòng yêu nước và cách mạng; mảnh đất “Ngũ phụng Tề phi”…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền của Chính phủ trao đổi thông tin về tình hình nhân quyền 6 tháng đầu năm 2023.

Phát biểu tại buổi gặp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực về nhân quyền của Chính phủ cho rằng, Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở mọi mặt, vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả triển khai các chính sách bảo đảm an ninh xã hội, sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, phát triển kinh tế đảm bảo an ninh trật tự đối với người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vấn đề bảo tổn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống ở địa phương.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, chuyến đi thực tế lần này còn nhằm tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội, du lịch; về những nét đẹp văn hóa, truyền thống của các dân tộc; những kết quả đạt được, mô hình hay về bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh… để nhân dân trong và ngoài nước biết đến tỉnh Quảng Nam.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *