Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11444

Quản lý theo quy hoạch báo chí

Việc các tạp chí nghiên cứu khoa học in chuyển thành tạp chí điện tử cũng là nhu cầu tất yếu, nó cũng sẽ điều kiện tốt hơn để đưa khoa học kỹ thuật ra thế giới, tăng tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học. Trên môi trường mạng, thông tin khoa học sẽ được kiểm chứng tốt hơn, do đó chất lượng các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học phải tốt hơn. Giới khoa học nước ta cần phải làm quen, thích nghi và chấp nhận giá trị các bài nghiên cứu khoa học trên TCĐT như với tạp chí in. 

Theo thống kê, đến cuối năm 2019 cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 648 tạp chí, 179 báo, 23 báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan phát thanh-truyền hình. Tổng số người làm việc trong các cơ quan cơ quan báo chí là hơn 41.000, trong đó hơn 20.000 người được cấp thẻ nhà báo. Nhìn vào con số này dễ nhận thấy rằng số lượng tạp chí ở nước ta rất lớn, tuy nhiên còn thiếu những tạp chí đủ tầm dẫn dắt độc giả đại chúng. Hầu hết vẫn là tạp chí in và hoạt động rất khó khăn do thiếu kinh phí, nhân sự, tầm nhìn, chiến lược phát triển. Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đưa ra bộ tiêu chí xác định rõ hơn các thể loại báo chí, bao gồm cả tạp chí in, TCĐT, tạp chí hỗn hợp.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra lộ trình, phương án sắp xếp đối với các báo và tạp chí, đồng thời nêu rõ: Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử. Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội. Kết luận số 26-KL/TW ngày 29/12/2017 của Ban Bí thư về kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạp chí các ban đảng Trung ương yêu cầu rõ: Từ nay đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 1 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang TCĐT. Điều này sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, nhìn ở góc độ khác, các TCĐT sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền vì tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn. 

Quy hoạch đã mở đường cho làn sóng chuyển đổi từ báo sang TCĐT. Tháng 2/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 18 cơ quan báo chí chuyển đổi thành tạp chí, đó là Tạp chí Một thế giới, Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Bóng đá, Kinh tế nông thôn, Làng nghề Việt, Kinh tế chứng khoán, Sức khỏe cộng đồng, Doanh nghiệp và Tiếp thị, Tạp chí Thời đại… cộng với 74 TCĐT được cấp phép từ trước thì hiện nay nước ta có tổng số 92 TCĐT. 

Để duy trì xuất bản định kỳ không khó đối với TCĐT, song vì cuộc đua thông tin, vì nỗi sợ bị lãng quên và đặc biệt vì lợi ích kinh tế, các TCĐT sẵn sàng xuất bản giống như báo in, báo điện tử, nghĩa là đăng tin hàng ngày, thậm chí hàng giờ, đăng tin “nóng”, giật gân, câu view. Công tác quản lý báo chí điện tử sẽ ngày càng phức tạp, do giao diện, thông tin có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Theo quy định, giao diện TCĐT phải ghi rõ tên cơ quan chủ quản; giấy phép hoạt động ghi rõ là TCĐT, để khỏi nhầm là báo điện tử. Do đó, cần quản lý tốt hơn hoạt độngxuất bản điện tử, sử dụng nền tảng công nghệ thông tin, các ứng dụng quản lý điện tử để quản lý báo chí. Trên thực tế, có không ít TCĐT vi phạm quy định hành nghề và đã bị Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) xử phạt trong những năm qua. Năm 2019, có 8 TCĐT bị xử phạt với số tiền hơn 205 triệu đồng do đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động chuyên trang không phép và hoạt động TCĐT không phép.

Thực tế cho thấy, báo, tạp chí in đang biến mất ở nhiều quốc gia. Ở đâu công nghệ thông tin phát triển, số người sử dụng các thiết bị điện tử càng cao thì nhu cầu mua báo, tạp chí in càng giảm. Xu thế đó không loại trừ bất cứ quốc gia nào, trong đó có nước ta. Nhận diện rõ những thách thức của xu thế này để đổi mới và vươn lên là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí và sự nỗ lực của các tạp chí để không ngừng đổi mới nội dụng, xây dựng tổ chức, đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, biến khó khăn thành cơ hội để đổi mới, vươn lên định vị được chỗ đứng trong độc giả.■

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *