Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43628

Nhìn nhận những luận điệu xuyên tạc nghề giáo gần đây

 

Ở mọi nơi trên thế giới, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) luôn được xem là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi con đường phát triển của xã hội. Bởi vậy, đây luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của xã hội, nhạy cảm, dễ trở thành vấn đề gây bức xúc.

Do vậy, dễ hiểu các thế lực chống phá, cơ hội, khoác áo dân chủ nhân quyền thường xuyên tìm cách lợi dụng, thổi phồng các vấn đề  tiêu cực trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm khiến dân chúng bất bình, hướng lái, đánh tráo bản chất vấn đề để tấn công vào hệ thống chính trị, bộ máy lãnh đạo của ta. Thời gian qua, có thể thấy rõ một số  luận điệu xuyên tạc, chống phá liên quan đến nghề giáo và ngành này như :

Thứ nhất: Xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về GD&ĐT. Một số yếu kém trong GD&ĐT được chúng khai thác triệt để, cho rằng đó là lỗi của sự lãnh đạo quản lý, ở đấy chúng chỉ nhìn thấy thiếu sót, khuyết điểm để bắt lỗi mà lờ đi những thành tựu to lớn mà giáo dục đã đạt được nhờ sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Mặt khác, chúng còn xuyên tạc là do thể chế chính trị tác động, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và đòi hỏi bỏ đi phần giáo dục lý luận chính trị. Thực chất, bất cứ nền giáo dục nào cùng đều phải hướng tới mục tiêu đào tạo ra những thế hệ nguồn nhân lực có lý tưởng, biết vì dân tộc, vì quốc gia mình trên cơ sở nắm vững tri thức khoa học của nhân loại.

Thứ hai: Thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong GD&ĐT, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào nền giáo dục nước nhà, cùng làm giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Hiện nay, cả hệ thống chính trị cũng như ngành GD&ĐT đang đổi mới, tự làm trong sạch bên trong; quá trình này tất yếu phải loại bỏ những yếu tố tích cực, cản trở sự phát triển, đương nhiên những cái đó cần được lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc lên án này không thể quy chụp cho cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục. Không được xuyên tạc từ một vài hiện tượng để đi đến kết luận bản chất (đây là cách những kẻ chống phá, cơ hội chính trị thường làm). Hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có ở mọi quốc gia, mọi nền giáo dục, ngay cả ở các nước phương Tây và Mỹ cũng không tránh được những hiện tượng này. Việc vi phạm pháp luật trong tuyển sinh ở một số địa phương, việc một số thầy, cô giáo có những hành xử không chuẩn mực… đã được pháp luật và ngành giải quyết, không thể nhân đó mà bôi nhọ thanh danh của cả ngành Giáo dục, vơ thêm một số hiện tượng tiêu cực khác để lu loa xuyên tạc, bịa đặt.

Thứ ba: Sùng ngoại, bài nội trong vấn đề giáo dục. Một số người chưa thực sự biết giáo dục các nước như thế nào hoặc cũng chỉ “nghe” nhưng lại nổi tiếng khen họ và chê bai giáo dục nước nhà. Một số khác cố gắng dành dụm để cho con mình ra nước ngoài học bằng được để mong con mình hơn người; cứ tưởng đấy là con đường duy nhất thành tài để rồi nói xấu, chê bai giáo dục nước nhà, cho là lạc hậu, yếu kém. Giáo dục ở các nước tiên tiến có mặt này, mặt khác tiến bộ khi chúng ta nhìn vào, nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong điều kiện cụ thể nước ta. Cho nên, chúng ta chỉ có thể tham khảo, tiếp thu những điểm, những cách làm xét thấy phù hợp với điều kiện Việt Nam, chúng ta không đóng cửa mà luôn giao lưu với các nền giáo dục tiên tiến, nhưng không thể thái quá để “mở toang”.

Thứ tư: Ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây và Mỹ, coi đó là điểm đến lý tưởng, duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ đất nước”. Nguy hiểm hơn họ còn đòi bỏ môn lý luận Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi chương trình đào tạo. Giảng viên, sinh viên phải được tự do về tư tưởng, không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào bất cứ hệ tư tưởng nào.

Cuối cùng, là chúng triệt để đánh bóng đồng bọn, những kẻ từng là giáo viên nhưng quay sang chống chế độ để ra sức tôn vinh, ca tụng đó là những người thầy dũng cảm, chống lại tiêu cực trong ngành giáo dục,…qua đó cổ súy cho giáo viên có bất mãn, suy nghĩ tiêu cực về nghề nghiệp quay sang chống phá đất nước như chúng.

Nhà giáo từ lâu đã là một nghề được cả xã hội tôn trọng và yêu quý, chính vì sự yêu quý to lớn như thế nên áp lực của nghề này cũng vì thế mà càng nhiều. Trước xu thế hội nhập và công nghệ số, không tránh khỏi áp lực và khó khăn đặc thù riêng. Tuy nhiên, không vì vấn đề đó mà xuyên tạc, hạ thấp, xem thường ngành nghề này, không vì thế mà bị dẫn dắt, lợi dụng bởi những thế lực, thành phần cực đoan, phản động, có động cơ đen tối, muốn khai thác, thổi phồng, bôi đen ngành giáo dục hòng kích động tâm lý bất mãn, chống phá chế độ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *