Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30637

Mượn cớ nâng cấp quan hệ với Tòa thánh Vatican để khuấy đục vấn đề tôn giáo

 

Nhân chuyến thăm của ông Võ Văn Thưởng tới Tòa thánh Vatican vừa rồi, RFA đã dựa cớ nêu vấn đề đòi lại cơ sở 42 Nhà Chung để làm nơi đại diện cho Vatican tại Việt Nam, đồng thời còn nói chõ sang Trung Quốc rằng nước này cũng nên học tập Việt Nam mà chấp nhận cho Vatican có sự hiện diện thể nhân. Theo đó, RFA còn lôi chuyện xưa cũ rằng Việt Nam “chiếm đoạt” nhiều cơ sở của Thiên chúa giáo, theo đuổi chính sách bất bình đẳng tôn giáo (ưu ái với Phật giáo còn ghẻ lạnh với Thiên chúa giáo). Đáng lưu ý, ngày 2/8/2023, trên Thoibao.de, đích thân Lê Trung Khoa phun nọc độc rằng, cuối cùng cộng sản cũng phải “lùi bước”, đến tận Vatican thương thuyết, chấp nhận cho đặt đại diện của Tòa thánh tại Việt Nam(???). Quả là hàm hồ vô lối, thiếu hiểu biết lịch sử, thiếu hiểu biết thực tế mà cứ nói càn, làm hắc ám cả không gian mạng.

Bình luận về những luận điệu xuyên tạc này, ông Lê Trung Nguyễn cho rằng:

Về lịch sử tôn giáo, ông Mác nói hoàn toàn có tính triết lý, khi nhận thức của con người chưa đủ tầm để lý giải những vấn đề có tính phổ biến trong quy luật sinh tồn cuộc đời con người, sự tồn tại xã hội, những hiện tượng tự nhiên…thì con người đành phải tìm ra những lý do nào đó khả dĩ có thể khỏa lấp khoảng trống lý trí, xoa dịu tâm lý. Tôn giáo ra đời là sự phát triển cao hơn dựa trên tiền đề của tâm lý sùng bái thần linh. Đạo Phật ra đời sớm nhất, nhưng đạo Phật cũng không thể bao trùm cả nhân gian, còn có Đạo Thiên chúa, Đạo Hồi là những trụ cột tôn giáo trên khắp nhân gian. Mỗi tôn giáo cũng có lịch sử ra đời và đấu tranh sinh tồn khốc liệt. Một đạo gốc lại sinh ra nhiều nhánh đạo đối lập nhau là lẽ thường tình. Một quốc gia có nhiều tôn giáo cùng tồn tại cũng là điều hiển nhiên. Ấy là chưa kể còn phát sinh nhiều loại đạo giáo có tính pha trộn, cộng sinh.

Việt Nam là một nước có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn minh nông nghiệp, có cơ duyên với đạo Phật sớm hơn nhiều nước khác, thông qua con đường thông thương với Ấn Độ và nhiều nước phương Đông. Từ thời Lý (thế kỷ XI), Phật giáo có vai trò lớn trong triều chính và trong đời sống xã hội. Thời Lý – Trần, sử cũ chép “nửa nước đi tu”, chùa chiền mọc lên khắp mọi nơi, ngay cả ở hoàng thành Thăng Long cũng có chùa cho vua quan thực hiện nghi lễ tôn giáo. Đạo Hồi gắn với sự tồn tại của vương quốc Chămpa. Thiên chúa giáo và các đạo khác vào nước ta có nhiều con đường và chậm hơn. Riêng Thiên chúa giáo khi vào nước ta đã gặp chuyện chẳng lành, vì triều Nguyễn đứng trước nguy cơ bị tư bản phương Tây xâm lược, nên họ coi việc truyền đạo Thiên chúa như là bước dọn đường cho sự xâm lược. Cuộc thanh đạo của triều Nguyễn chẳng khác nào sự phản kháng đối với phương Tây.

Bản chất của tôn giáo không xấu, mà chỉ là do kẻ thống trị dùng tôn giáo làm công cụ phục vụ lợi ích cho mình mới là xấu. Ông Mác nói tôn giáo là thuốc phiện hàm nghĩa là chính con người dùng tôn giáo để xoa dịu nỗi đau trần thế, nỗi đau ấy quằn quại nhất dưới ách thống trị của giai cấp nắm quyền lực (tinh vi xảo quyệt dưới bàn tay quyền lực của giai cấp tư sản). Rồi chính kẻ thống trị lại dùng tôn giáo để che đậy tội ác của mình. Cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người cũng phải tiến hành vừa đấu tranh lật đổ kẻ thống trị, kẻ áp bức bóc lột, cũng phải đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo phục vụ mưu đồ thống trị, áp bức con người, nô dịch dân tộc. Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin là theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh là người chỉ dạy về đạo lý ứng xử có văn hóa đối với tín ngưỡng và tôn giáo, Người từng nói “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tín ngưỡng dân tộc Việt Nam rất đáng trân quí là luôn ghi nhớ công ơn người có công dựng nước và giữ nước, biết thờ cúng tổ tiên. Tôn giáo ở Việt Nam cũng rất đáng trọng nể là không đả phá tôn giáo nào cả, khuyến khích mọi điều hay ý đẹp, miễn là “tốt đời đẹp đạo”, cùng hướng tới dựng xây đất nước Việt Nam độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái. Suốt chặng đường đổi mới gần 40 năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, giàu chất nhân văn, nhân ái đối với tín ngưỡng, tôn giáo. Dù là tôn giáo nào cũng được tự do hành đạo, có cơ ngơi khang trang để hành đạo, con em tôn giáo được thụ hưởng chính sách ưu tiên phù hợp, họ cũng có quyền được gia nhập vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam. Trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo chiếm một vị trí rất quan trọng. Trong các báo cáo của tổ chức quốc tế phi chính phủ, một số báo cáo nói “Việt Nam vi phạm nhân quyền” vì có sự bắt bớ xử lý theo pháp luật đối với những kẻ tuyên truyền lật đổ nhà nước. Một số vụ việc lợi dụng tôn giáo để bạo động chống phá chẳng qua là bọn quỉ mượn áo tôn giáo, nên không thể nằm ngoài luật pháp.

Việc nâng cấp quan hệ với Vatican không phải là sự xuống nước, sự “lùi bước” của cộng sản Việt Nam. Đó là sự thể hiện thiện chí và sự nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế. Vatican là nhà nước đại diện cho các tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới. Việc gặp gỡ, hội đàm giữa đôi bên là cần thiết, giúp cho đôi bên chia sẻ, thông hiểu lẫn nhau, tránh xung đột tư tưởng về vấn đề tôn giáo. Những thông điệp phát đi từ cuộc gặp gỡ này rất có ý nghĩa với các tín đồ của Vatican trên thế giới và ở Việt Nam. Nhất là Việt Nam chấp nhận sự hiện diện của Vatican tại Việt Nam càng chứng tỏ, chính sách đúng đắn của Việt Nam đối với tôn giáo là rất quang minh chính đại. Còn việc RFA đòi lại cơ sở ở 42 Nhà Chung để làm nơi đại diện của Vatican là việc cầm đèn chạy trước ô tô. Những cơ sở tôn giáo trước đây từng được sung công làm vườn hoa, thư viện, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thì nó vẫn còn có ích cho xã hội, việc bố trí cơ sở cho đại diện của Vatican hoàn toàn do sự tính toán hợp lý của cơ quan chức năng. Vấn đề phức tạp như nơi xây Đại sứ quán Mỹ mà cũng giải quyết êm xuôi, huống hồ chi cơ sở đại diện của Vatican. Vấn đề mấu chốt là tính tự chủ, độc lập của Việt Nam trong đối ngoại là không thể đảo ngược. Tôn giáo xưa nay vẫn luôn là vấn đề phức tạp, nhất là trong bối cảnh các thế lực phản động luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo để khuấy đục chính trị. Người cộng sản dù bị các thế lực phản động vu cáo là “vô đạo”, nhưng họ đâu có đàn áp, khủng bố, san phẳng cơ sở hành đạo. Việt Nam luôn theo đuổi chính sách bình đẳng, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song kiên quyết đập tan mọi âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Trên không gian mạng hay trên thực địa, mọi mưu đồ hắc ám dựa cớ tôn giáo để phá hoại đều sẽ bị chuốc lấy thất bại. Một quốc gia có chủ quyền, có bản lĩnh như Việt Nam, giàu truyền thống trọng đạo thì ắt biết cách ứng xử có tầm mức văn hóa cao.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *