Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23197

Lại màn kịch đòi Việt Nam phải bắt chước Philippines!

“Cùng bị Trung Quốc cưỡng bách trên Biển Đông, Philippines công khai thông tin, Việt Nam kín tiếng”. Đây là tựa đề của một bài báo được đăng trên trang RFA tiếng Việt hôm 23/02/2024. Bài viết này lặp lại một thông điệp tuyên truyền quen thuộc trên các kênh truyền thông chống chế độ, rằng Việt Nam nên “học hỏi” Philippines trong cách ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông mỗi khi xuất hiện tình huống phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam có “kín tiếng” không và cách làm của Philippines có giúp ích cho Việt Nam hay không là vấn đề cần trao đổi.

Trước hết, Việt Nam chưa bao giờ che giấu hay kín tiếng liên quan đến vấn đề Biển Đông, chỉ là thời điểm lên tiếng và cách thức phản ứng phù hợp và tương xứng với diễn biến thực địa mà thôi. Ngày 29/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối công khai về việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam thời gian gần đây trong cuộc họp báo thường kỳ. Còn trên thực địa, diễn biến được dân mạng cập nhật đều cho thấy, tàu Kiểm ngư của Việt Nam luôn áp sát, giám sát động thái của tàu hải cảnh Trung Quốc.

Còn việc những chính sách quốc phòng của Philippines mà RFA nói riêng, và truyền thông thân Mỹ nói chung cho rằng Việt Nam nên bắt chước, về bản chất là muốn Việt Nam kết đồng minh quân sự với Mỹ cùng với việc liên tục đăng tải các hành vi gây hấn của Trung Quốc lên các phương tiện truyền thông đại chúng như Internet, truyền hình, báo in… Họ tuyên bố rằng nhờ những giải pháp này, Philippines đang nhận được cả sự ủng hộ của người dân, sự hỗ trợ truyền thông từ quốc tế, lẫn những trang thiết bị quân sự từ phương Tây trong mặt trận quốc phòng của mình. Và vì Việt Nam không theo đuổi những chính sách như vừa nêu, họ doạ nạt rằng Việt Nam sẽ bị “quốc tế” cô lập và “trở thành mồi ngon” của Trung Quốc.

Nhưng những món quà từ phương Tây có hoàn toàn miễn phí? Trong lịch sử, mỗi khi các cường quốc tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu, để tiết kiệm xương máu cho bản thân, họ thường tiến hành những cuộc chiến tranh uỷ nhiệm kéo dài bằng cách phát vũ khí cho các quốc gia nhỏ yếu nằm trên ranh giới giữa các khối. Đây có thể là thực chất của các cuộc chiến tranh đang tiếp diễn ở Ukraine và ở dải Gaza. Khi Philippines nhận hỗ trợ từ phương Tây để làm một tiền tuyến ở Thái Bình Dương trong cuộc xung đột toàn cầu, họ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ mà Ukraine từng đối mặt một cách thất bại. Khi xung đột bùng phát, nước này có thể bị tế làm chiến trường nóng, và cái giá phải trả là sinh mạng của hàng triệu người dân. Sau khi chứng kiến quá nhiều đổ vỡ của chiến tranh, Việt Nam sẽ thận trọng trước cái giá này, nhất là khi Philippines đã xung phong trả giá thay cho các nước khác trong khu vực.

Thứ hai, liệu những bài báo từ “dư luận quốc tế” và những trang thiết bị quân sự từ phương Tây có đủ để bảo vệ Philippines trước một cường quốc? Nhìn vào lịch sử, ta sẽ thấy Mỹ không muốn bảo vệ đồng minh, họ chỉ muốn phát súng cho đồng minh chết thay cho họ, trong khi họ tham gia các cuộc thương thảo để giành về tay mình phần lợi nhuận lớn nhất. Mỹ sẵn sàng bỏ rơi Việt Nam Cộng hoà sau khi ký được thoả thuận có lợi với các nước xã hội chủ nghĩa, và sẵn sàng bỏ rơi chế độ bù nhìn ở Afghanistan sau khi ký được thoả thuận với Taliban. Ngay lúc này, khi chiến trường Trung Đông buộc Mỹ phải dàn trải nguồn lực, họ sẵn sàng cắt bớt viện trợ cho Ukraine, và đó là số phận mà Philippines phải sẵn sàng đối mặt. Còn nhớ chính cựu Tổng thống Duterte từng thách Mỹ gây hấn với Trung Quốc trên Biển Đông để bảo vệ quyền lợi của Philippines, hẳn ông ta đã thấy rõ bản chất này của đồng minh Mỹ.

Tiếp nữa, việc liên tục đưa tin về các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông có chắc chắn giúp đoàn kết dân tộc? Báo chí Việt Nam từng thường xuyên đưa tin về động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cho đến năm 2014, khi đó Việt Tân lợi dụng không khí thù ghét Trung Quốc để hô hào công nhân tham gia bạo động. Cuộc bạo động mà họ dấy lên ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương đã khiến hàng trăm nhà xưởng bị đốt phá, cướp bóc, và hầu hết số này không thuộc công ty Trung Quốc, mà thuộc công ty Nhật hoặc Đài Loan. Trong bối cảnh mọi lực lượng bên ngoài, từ Trung Quốc cho đến Mỹ, đều sẵn sàng dùng những hành vi khiêu khích như vậy để làm suy yếu nền độc lập của Việt Nam, và tranh giành tầm ảnh hưởng tại Việt Nam, liên tục đưa tin chưa chắc đã là cách phản ứng tốt nhất.

Cho đến nay, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là nước hành xử cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông một cách nhất quán và lâu bền nhất. Trong khi chính sách của Việt Nam hầu như không thay đổi, Philippines đã bán đứng lợi ích của quốc gia và của khối ASEAN cho Trung Quốc trong nhiệm kỳ của tổng thống Durtete. Người Việt Nam có cần phải từ bỏ tinh thần độc lập và chính sách ngoại giao đa phương của mình đang phát huy hiệu quả tốt của mình để bắt chước một động thái tạm thời của Philippines?. Hẳn bất kỳ người Việt nào cũng dễ dàng thấy câu trả lời, nhất là khi cuộc bắt chước này được thúc giục bởi giới chống cộng cờ vàng – một bộ phận luôn muốn Việt Nam rơi vào khủng hoảng, chiến tranh để có cơ hội tranh giành quyền lực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *